Xác định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng tổ chức triển khai cho cán bộ, đảng viên, công chức toàn đơn vị thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đơn vị.
Cục Quản lý thị trường thành phố chủ động các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại đơn vị. TRONG ẢNH: Lực lượng Quản lý thị trường thành phố kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố. Ảnh: PHAN CHUNG |
Quán triệt sâu rộng, nhất quán
Hằng năm, Đảng ủy và lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; ban hành kế hoạch về nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; kế hoạch học tập, quán triệt, tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ.
Đảng ủy, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố thường xuyên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan thông qua việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế làm việc của cục. Theo ông Phạm Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố, đơn vị chủ động thực hiện công tác nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu, của tập thể cấp ủy trong công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Đảng ủy chỉ đạo chính quyền triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, rà soát, điều chỉnh quy chế làm việc, phân công rõ thẩm quyền xử lý công việc trong lãnh đạo và cán bộ, công chức. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay. Thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức, nghề nghiệp; triển khai và thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, chuyển đổi vị trí công tác, cải cách thủ tục hành chính…”, ông Sơn cho biết.
Song song đó, Cục Quản lý thị trường thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt, phổ biến, tuyên truyền quy định của pháp luật. Các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ; kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, chính sách của thành phố… được triển khai nhanh chóng. Kịp thời tuyên truyền công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho toàn thể công chức, người lao động về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào các cuộc họp giao ban, vào các kỳ sinh hoạt chi bộ, các hoạt động của tổ chức, đoàn thể.
Để thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị một cách có hiệu quả, Cục Quản lý thị trường thành phố thường xuyên lấy ý kiến công chức, người lao động đối với quyết định giao kế hoạch công tác hằng năm và công khai minh bạch trong việc mua sắm tài sản công, sửa chữa, các chi phí kiểm tra, giám sát thị trường; tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và công chức trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Đơn vị đẩy mạnh thực hiện công khai, minh bạch trong giao dịch hành chính, quản lý ngân sách, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, công khai minh bạch việc tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, công chức; tiếp nhận, điều động cán bộ, công chức; chế độ chính sách, nâng bậc lương; đánh giá xếp loại thi đua của tập thể và cá nhân cán bộ, công chức… chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, đạo đức công vụ của công chức.
Giám sát chặt các nhân viên, đơn vị
Cục Quản lý thị trường thành phố đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật trên địa bàn thành phố.
Trong năm 2024, Cục Quản lý thị trường thành phố kiểm tra tổng cộng 1.639 vụ việc, trong đó xử lý 1.315 vụ và thu xử phạt nộp ngân sách nhà nước hơn 7,4 tỷ đồng. Đối với nội bộ cơ quan, công chức, người lao động Cục Quản lý thị trường thành phố luôn chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. “Quy trình, thủ tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của các đội trực thuộc thường xuyên được kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động công vụ.
Trong quá trình tổ chức thực hiện công tác chuyên môn, đến nay chưa phát hiện cá nhân nào có hành vi, biểu hiện tiêu cực, gây nhũng nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính trong hoạt động công vụ, giải quyết công việc của công dân, tổ chức”, ông Phạm Ngọc Sơn cho biết.
Cục Quản lý thị trường thành phố tiếp tục đẩy mạnh công khai, minh bạch trong các cơ chế chính sách của ngành, quản lý ngân sách, tài sản nhà nước, đầu tư công, quy hoạch ngành… Công khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác quy hoạch, bổ nhiệm, cử cán bộ đi học nâng cao trình độ, tiếp nhận, luân chuyển cán bộ; thực hiện chế độ chính sách như nâng lương, đánh giá xếp loại thi đua, khen thưởng, kỷ luật có liên quan đến cán bộ, công chức; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, quy trình giải quyết các công việc.
Cục chú trọng phòng chống lãng phí thông qua việc đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường công tác quản lý, điều hành bằng hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý công văn, chỉ đạo điều hành qua mạng điện tử, từng bước số hóa công tác quản lý thị trường. Đối với công tác chuyển đổi số, đơn vị hoàn thành công tác số hóa các cơ sở dữ liệu về thương nhân và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng trên hệ thống INS. Danh sách tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố được quản lý và toàn bộ các biểu mẫu phát sinh trong xử phạt vi phạm hành chính được cập nhật trên hệ thống INS.
Trong thời gian tới, để công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực duy trì nề nếp và tiếp tục phát huy hiệu quả, đơn vị xác định thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Cục tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU. Qua đó, tất cả công chức và người lao động toàn đơn vị đều tự giác chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nêu cao trách nhiệm cá nhân, đạo đức công vụ của công chức. Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đối với hoạt động chuyên môn, tập trung kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa; triển khai đồng bộ, thường xuyên hoạt động kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm. Phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm…
PHAN CHUNG
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202501/cong-khai-minh-bach-trong-quan-ly-thi-truong-3999601/