Mỹ Sơn là một thung lũng hẹp, rộng độ 4km2, có núi bao quanh như một tường thành tự nhiên, vững chãi, có khe nước sâu (Khe Thẻ) vừa có tính phòng thủ, vừa huyền bí, nằm cách Đà Nẵng khoảng 60km về phía Tây Nam, cách kinh đô cũ Simhapura của Chămpa (Trà Kiệu ngày nay) khoảng 15km về phía tây, được các vương triều Chămpa xưa chọn xây dựng thành một trung tâm tôn giáo lớn nhất của vương quốc này. Tên gọi Mỹ Sơn là dựa theo tên một làng Việt, nay thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Theo các bia ký còn lưu lại, thì khu di tích tôn giáo thờ các vị thần Ấn Độ giáo được bắt đầu xây dựng tại đây từ thế kỷ thứ IV, ban đầu bằng gỗ, bị hỏa hoạn thiêu rụi, được xây dựng lại bằng gạch, đá trong suốt nhiều thế kỷ. Sau khi vương quốc Chămpa dời đô vào Đồ Bàn (Vijaya), rồi về Phan Rang (Panduranga). Khu thánh địa này trở thành hoang phế, bị rừng che phủ trong nhiều thế kỷ.
Năm 1898, một người Pháp tên là Camille Paris phát hiện ra khu di tích, sau đó được Louis de Finot và Launet de Lajonquière nghiên cứu các văn bia. Tiếp đến năm 1901-1902, được H. Parmentier và Carpeaux tổ chức khai quật, nghiên cứu. Toàn khu di tích có 68 công trình lớn nhỏ, trong đó có một ngôi đền bằng đá duy nhất của các di tích Chămpa, được trùng tu lần cuối vào năm 1234.
Trận bom B.52 của Mỹ năm 1969 đã tàn phá và làm biến dạng khu di tích một cách trầm trọng. Nhiều ngôi tháp bị bom đánh sập, trong đó có ngôi tháp A1 cao 24m – một kiệt tác trong kiến trúc Chămpa.
Năm 1980, trong chương trình hợp tác văn hóa Việt Nam – Ba Lan, kiến trúc sư Kazimiers Kviatkowski (thường gọi là Kazik -1944-1997) được cử sang phụ trách, đã sắp xếp, gia cố các đền tháp. Kazik đã có công lớn tạo dựng bộ mặt của khu di tích Mỹ Sơn còn lại ngày hôm nay từ đống hoang tàn đổ nát. Ngày này, khu di tích Mỹ Sơn chỉ còn lại 30 đền tháp, nhưng không công trình nào còn nguyên vẹn.
Ngày 29-4-1979, Bộ Văn hóa – Thông tin ra Quyết định số 54- VHTT, công nhận quần thể khu đền tháp là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Ngày 1-12-1999, khu di tích Mỹ Sơn được tổ chức UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa thế giới với hai tiêu chuẩn: Là điển hình nổi bật về sự giao lưu văn hóa với sự hội nhập văn hóa bên ngoài vào văn hóa bản địa, đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ giáo; Phản ánh sinh động tiến trình phát triển lịch sử văn hóa Chămpa trong lịch sử Đông Nam Á. Di tích Mỹ Sơn có thể sánh ngang với các di tích nổi tiếng khác ở khu vực Đông Nam Á như: Angkor (Campuchia), Pagan (Myanmar), Borobudur (Indonesia)./.
Nguồn: https://baonamdinh.vn/channel/5087/202011/khu-den-thap-champa-my-son-2540905/