Ngày 26-6-2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, với 452/459 đại biểu tán thành (đạt 93%), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Thời gian thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng là 5 năm.
Đặc biệt, một trong những nội dung quan trọng, đột phá, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam là Nghị quyết 136/2024/QH15 cho phép Đà Nẵng thí điểm thành lập Khu thương mại tự do.
Tiên phong xây dựng Khu thương mại tự do
Ngay sau khi Kỳ họp Quốc hội khóa XV, báo cáo trước cử tri thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định, việc Quốc hội cho phép Đà Nẵng được thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, là “cú hích”, động lực lớn để kinh tế thành phố nói riêng và kinh tế vùng nói chung phát triển.
Theo Bí thư Thành uỷ, chính sách thí điểm Khu thương mại tự do mang tính đột phá, dám nghĩ, dám làm để thử nghiệm một mô hình đã được thế giới khẳng định nhưng chưa có tiền lệ ở Việt Nam.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Khu thương mại tự do là “cú hích”, động lực lớn để kinh tế thành phố nói riêng và kinh tế vùng nói chung phát triển
Khu thương mại tự do có các khu chức năng được quy định tại quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại – dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật.
Các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng được ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và hoạt động quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng của các cơ quan có liên quan theo quy định pháp luật.
Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do với bên ngoài là quan hệ xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan, thuế và xuất, nhập khẩu.
Sau thời gian gấp rút chuẩn bị với những nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn ý kiến nhiều chuyên gia hàng đầu, UBND thành phố đã có Tờ trình về việc phê duyệt Đề án thành lập Khu thương mại tự do gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Khu thương mại tự do sẽ được thành lập gắn với cảng biển Liên Chiểu
Theo tờ trình, quy mô diện tích của Khu thương mại tự do Đà Nẵng đến giai đoạn hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng khoảng hơn 2.317 ha, bao gồm vị trí lấn biển khoảng hơn 300 ha; bố trí tại 10 vị trí không liền kề gắn kết với cảng biển Liên Chiểu và sân bay Đà Nẵng.
Theo dự báo, Khu thương mại tự do có thể đóng góp 8 – 9% vào GRDP của thành phố vào năm 2030 và tăng lên tới 25% vào năm 2050, góp phần thúc đẩy tăng trưởng hàng năm của thành phố thêm 1,7 và 2,4% lần lượt giai đoạn 2026 – 2030 và cả thời kỳ 2031 – 2050.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng cũng sẽ thu hút lượng lớn lao động và chuyên gia trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao: Năm 2030 có khoảng 41.000 lao động, năm 2050 có khoảng 137.000 lao động.
Lộ trình đầu tư xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2029), khái toán tổng mức đầu tư bên trong Khu thương mại tự do khoảng hơn 35.000 tỉ đồng, gồm chi phí giải phóng mặt bằng hơn 20.000 tỉ đồng, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng hơn 15.000 tỉ đồng.
Khu thương mại tự do khi đi vào hoạt động sẽ thu hút lượng lớn lao động
Giai đoạn 2 (sau năm 2029), định hướng mở rộng Khu thương mại tự do tại các khu vực cảng Tiên Sa (sau khi chuyển đổi công năng), khu vực tái thiết đô thị tại nhà ga đường sắt trong trung tâm thành phố. Giai đoạn này chủ yếu tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng với vốn ngoài ngân sách Nhà nước ước tính hơn 4.300 tỉ đồng.
Song song với đó, HĐND thành phố cũng vừa thông qua danh mục 33 dự án chuẩn bị đầu tư, ưu tiên bố trí vốn đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài Khu thương mại tự do.
Cụ thể, có ba dự án trong khu thương mại tự do gồm các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho các khu sản xuất, khu logistics và khu chức năng khác. 30 dự án còn lại đầu tư ngoài Khu thương mại tự do gồm hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối.
Thành phố tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng – Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng” là một trong những hoạt động cụ thể hoá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15
Đà Nẵng thể hiện quyết tâm chính trị rất cao khi thành lập ngay Tổ công tác triển khai thành lập Khu thương mại tự do, do Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường làm Tổ trưởng.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường, Khu thương mại tự do được đề xuất phát triển theo mô hình đô thị kinh doanh tích hợp, gồm nhiều khu chức năng nhằm tận dụng tối đa lợi thế phát triển của Đà Nẵng.
Khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu và sân bay Đà Nẵng là điều kiện thuận lợi để thành phố trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, góp phần thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào thành phố và vùng động lực kinh tế miền Trung.
Trung tâm tài chính kết nối Đà Nẵng với thế giới
Cùng với Khu thương mại tự do, thành phố như được “chắp thêm cánh” với thông báo kết luận ngày 15-11-2024 của Bộ Chính trị đồng ý chủ trương Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Cụ thể, thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.
Bộ Chính trị yêu cầu lựa chọn phát triển các Trung tâm tài chính có ranh giới địa lý và đối tượng điều chỉnh được xác định theo tiêu chí rõ ràng, theo mô hình “kết hợp” với các chính sách đặc thù, vượt trội theo lộ trình.
Trung tâm tài chính được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh, nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
|Cùng với Khu thương mại tự do, thành phố như được “chắp thêm cánh” với quyết định ngày 15-11-2024 của Bộ Chính trị đồng ý chủ trương Đề án xây dựng Trung tâm tài chính
Thành lập các cơ quan để quản lý Trung tâm tài chính, gồm: Cơ quan quản lý, điều hành; cơ quan giám sát; cơ quan giải quyết tranh chấp. Việc thành lập các cơ quan này triển khai thực hiện theo đúng quy định và thông lệ quốc tế.
Về áp dụng các chính sách xây dựng Trung tâm tài chính và lộ trình triển khai, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, từ nay đến năm 2030, ban hành và tổ chức thực hiện ngay tám nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và cần áp dụng ngay.
Đồng thời, thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các Trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Vị trí lô đất đang kêu gọi đầu tư Trung tâm tài chính
Từ năm 2030 đến năm 2035, tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các Trung tâm tài chính lớn trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.
Lộ trình khung này mang tính chất tương đối, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhanh nhất có thể. Nếu thời cơ thuận lợi, điều kiện đã chín muồi, thì có thể làm ngay các bước tiếp theo, không chờ theo thứ tự.
Có thể nói, Đà Nẵng đã quyết tâm theo đuổi mô hình Trung tâm tài chính từ rất lâu. Từ trước đại dịch COVID-19, thành phố đã đề xuất xây dựng dự án Khu phức hợp trung tâm tài chính – thương mại – vui chơi giải trí – casino và chung cư cao cấp (Đà Nẵng Gateway) trên đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà.
Sau đó, Quyết định 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tường Chính phủ đã quy hoạch khu phức hợp trung tâm tài chính thương mại, vui chơi giải trí cao cấp với quy mô 6,17 ha trong giai đoạn 2023-2030 để hình thành khu Trung tâm tài chính Đà Nẵng. Về hiện trạng sử dụng đất hiện nay là quỹ đất sạch, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, sẵn sàng cho việc đầu tư, xây dựng.
Ý tưởng phối cảnh khu Trung tâm tài chính
Khu phố tài chính quốc tế An Đồn cũng được phê duyệt tại Quyết định 1287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Về hiện trạng sử dụng đất hiện nay là Khu công nghiệp Đà Nẵng, đã có quy hoạch chuyển đổi để hình thành đô thị hiện đại, trở thành trung tâm kinh tế mới của thành phố.
Đồng thời, để phục vụ phát triển các dịch vụ Fintech, thành phố dự kiến bố trí Khu đất phía Tây Bắc đường dẫn lên cầu Thuận Phước với diện tích 9,7 ha. Đây là khu đất sạch, không vướng khu dân cư, thuộc quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ Đông, chưa có quy hoạch chi tiết, nằm ngay gần Công viên phần mềm số 2, khu vực trọng điểm để thành phố thu hút đầu tư các công ty công nghệ.
Bằng việc thiết lập một không gian Fintech chuyên biệt, Đà Nẵng thể hiện cam kết mạnh mẽ để trở thành một trung tâm mới nổi cho công nghệ tài chính. Cùng với Công viên phần mềm số 2 tập trung các công ty công nghệ, địa điểm này sẽ thu hút các chủ thể Fintech toàn cầu và các tổ chức trong lĩnh vực dịch vụ tài chính ngân hàng, các quỹ đầu tư tư nhân gắn với chiến lược đầu tư liên khu vực, biến Đà Nẵng thành điểm tập trung cho đầu tư, thu hút tài năng và các doanh nghiệp hợp tác, làm giàu hệ sinh thái Trung tâm tài chính Đà Nẵng.
Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã chủ trì phiên họp về xây dựng Trung tâm tài chính. Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng, là một trong những quyết sách chính trị lớn để chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, là “cú hích” mạnh đối với nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã chủ trì phiên họp về xây dựng Trung tâm tài chính. Ảnh: Báo Chính phủ
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhất trí với đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về Trung tâm tài chính để chỉ đạo định hướng chiến lược, điều phối bảo đảm vận hành thông suốt, nhất quán. Đặc biệt là giai đoạn xây dựng cơ chế, chính sách.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng nhất trí với đề xuất thành lập Tổ công tác xây dựng Trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng để lãnh đạo, chỉ đạo việc thành lập và vận hành Trung tâm tài chính.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã cho ý kiến cụ thể đối với dự thảo Kế hoạch hành động về các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam, lộ trình triển khai, phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành, cơ quan liên quan; cho ý kiến về dự thảo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Có thể nói, Khu thương mại tự do và Trung tâm tài chính khu vực như hai “đòn bẩy hạng nặng” cho nền kinh tế thành phố bứt phá trong tương lai không xa. Đà Nẵng nhận lãnh trọng trách thí điểm, tiên phong xây dựng các định chế tài chính, kinh tế đầu tiên tại Việt Nam. Tin rằng với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, quyết tâm rất cao của lãnh đạo thành phố, cùng sự đồng hành của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Đà Nẵng với vai trò động lực tăng trưởng của cả khu vực miền Trung sẽ có những bước đổi thay mạnh mẽ, góp phần vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
HOÀNG PHAN – THANH HẢI
Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=62105&_c=3