Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm
Đề án Thành phố thông minh là một trong những chủ trương lớn của thành phố. Trên cơ sở những kết quả đạt được sau 5 năm triển khai Đề án, năm 2025, Đà Nẵng sẽ tập trung nâng cao chất lượng sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đảm bảo thực chất, hiệu quả; đặc biệt là tránh công chức làm thay người dân qua triển khai triệt để các giải pháp: Đại lý DVCTT (bưu cục, bưu điện văn hóa xã) hỗ trợ, hướng dẫn người dân, Tổ công nghệ số công đồng và Đề án 06 hỗ trợ, hướng dẫn người dân; đặc biệt là sử dụng công nghệ số, dữ liệu số để triển khai DVCTT toàn trình, không gặp mặt (người dân và công chức);…
Tổ công nghệ số công đồng và Đề án 06 hỗ trợ, hướng dẫn người dân
Rà soát, đánh giá toàn diện hạ tầng mạng đô thị, Trung tâm dữ liệu thành phố; triển khai nâng cấp, bổ sung năng lực truyền dẫn, lưu trữ, tính toán và nâng cấp nền tảng công nghệ Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố; cập nhật, tối ưu quy trình quản lý, vận hành hệ thống; nâng cao chất lượng, sẵn sàng, ổn dịnh hoạt động của Hệ thống eGov tối thiểu 98% (ngang bằng với dịch vụ điện thoại di động).
Đối với cơ sở dữ liệu (CSDL), thành phố sẽ rà soát đánh giá lại chất lượng dữ liệu trong các CSDL dùng chung và CSDL chuyên ngành; xây dựng lộ trình để hoàn thiện các CSDL, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý đô thị, đất đai, môi trường, xây dựng, y tế, giáo dục,… Hoàn thành nâng cấp, mở rộng Trung tâm dữ liệu thành phố với nền tảng điện toán đám mây, đảm bảo năng lực lưu trữ, xử lý, tính toán hiệu năng cao để triển khai các ứng dụng thông minh, chuyển đổi số.
Đồng thời, hoàn thiện Kho dữ liệu dùng chung đảm bảo khả năng xử lý đa dạng các loại dữ liệu; phát triển nền tảng phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác dự báo các chỉ tiêu kinh tế – xã hội, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng chính sách. Hình thành Hệ thống CSDL hạ tầng đô thị đồng bộ, thống nhất trên nền GIS với đầy đủ các lớp dữ liệu đất đai, xây dựng, giao thông, cấp nước, thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng,…
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng được thành phố quan tâm đẩy mạnh. Song song đó, thành phố và Cục Thuế sẽ triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để quản lý chống thất thu thuế.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng được thành phố quan tâm đẩy mạnh
Giữa tháng 8-2024, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh thành phố Đà Nẵng (Trung tâm IOC) chính thức đi vào vận hành. Từ những kết quả ban đầu, thành phố sẽ tiếp tục triển khai vận hành, khai thác hiệu quả, đồng bộ Trung tâm IOC thành phố và các OC quận huyện phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố và lãnh đạo các cơ quan, địa phương; đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh; đặc biệt là tăng cường cung cấp dữ liệu mở để tạo ra giá trị mới.
Cạnh đó, tổ chức tiếp nhận và đưa vào sử dụng, khai thác hiệu quả Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh (Trung tâm ENSURE), tích hợp đồng bộ với Trung tâm IOC. Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các Trung tâm giám sát chuyên ngành, nhất là Trung tâm giám sát, điều khiển giao thông thông minh, Trung tâm Chỉ huy an ninh trật tự; kết nối, chia sẻ với Trung tâm IOC thành phố.
Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và y tế; sử dụng thống nhất Phần mềm quản lý trường học trong các trường phổ thông trên địa bàn thành phố để hình thành CSDL đầy đủ, toàn diện về học sinh, điểm học bạ làm nền tảng triển khai chuyển đổi số trong giáo dục; triển khai toàn diện bệnh án điện tử trong các bệnh viện công, chia sẻ, liên thông giữa các bệnh viện.
Chú trọng phát triển vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tài chính (Fintech)
Nhằm chủ động tiếp cận chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về chuyển đổi số cũng như đáp ứng yếu cầu phát triển của thành phố trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tích hợp Đề án Chuyển đổi số và Đề án TPTM và ban hành Đề án Chuyển đổi số – động lực phát triển Thành phố số giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2035 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Thành phố đặt ra các chỉ tiêu cụ thể trên 3 trụ cột: chính quyền số – kinh tế số – xã hội số
Trong đó, mục tiêu đề ra là hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, hình thành Thành phố số; hiện đại hóa nền hành chính, quản trị thông minh, quản lý đô thị dựa trên dữ liệu; nâng cao năng suất lao động, kinh tế phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng đời sống người dân, bảo đảm bản sắc văn hóa và các giá trị lịch sử của thành phố được gìn giữ trường tồn và phát huy; kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Đà Nẵng cũng đặt ra các chỉ tiêu cụ thể trên 3 trụ cột: chính quyền số – kinh tế số – xã hội số. Trong đó, thành phố sẽ chú trọng các lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tài chính (Fintech); phấn đấu đến năm 2030 quy mô kinh tế số chiếm 35-40% GRDP thành phố.
Theo các chuyên gia, nhà quản lý, Đà Nẵng có nhiều thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước với trọng tâm là vi mạch bán dẫn, như mục tiêu đề ra tại Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đặc biệt, Nghị quyết số 136/2024/QH15 về thực hiện mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng đang mở ra những vận hội mới cho Đà Nẵng. Điểm nổi bật trong đó là Quốc hội dành cho Đà Nẵng các cơ chế, chính sách đột phá phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh như thu hút nhà đầu tư chiến lược; chính sách thử nghiệm có kiểm soát; quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin; thu hút chuyên gia, nhà khoa học, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo;…
Nghị quyết số 136/2024/QH15 về thực hiện mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng đang mở ra những vận hội mới cho Đà Nẵng
Có thể thấy, từ tháng 10-2023 đến nay, thành phố liên tục triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi quan trọng với hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn gắn với liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác lớn, uy tín trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và hình thành hệ sinh thái vi mạch bán dẫn thành phố.
Đà Nẵng hướng đến mục tiêu năm 2030 sẽ trở thành 1 trong 3 trung tâm vi mạch, bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch, bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn. Đà Nẵng tập trung vào 3 hướng đột phá đó là chính sách, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Tổng kinh phí dự kiến cho 3 chính sách này gần 900 tỷ đồng trong giai đoạn 2025-2030. Đà Nẵng cũng đã quyết liệt tháo gỡ khó khăn và đưa vào sử dụng Khu công viên phần mềm số 2 (dự kiến khai trương ngày 16-1-2025). Đây dược xem là các nền tảng chính sách quan trọng để hỗ trợ thúc đẩy phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng
Đà Nẵng cũng đã hình thành Liên minh đào tạo bồi dưỡng giữa các trường Đại học và Trung tâm DSAC, tổ chức thành công Lễ Khởi động chương trình đào tạo và khai giảng lớp đào tạo giảng viên lĩnh vực thiết kế vi mạch của Đà Nẵng.
Tính đến cuối năm 2024, các doanh nghiệp thiết kế vi mạch, bán dẫn hàng đầu thế giới như Synopsys, Marvell, Renesas đã có mặt tại Đà Nẵng. Các tập đoàn lớn như Nvidia, Qualcomm, Intel, Mediatek… đã đến khảo sát cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng và dự kiến có kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại thành phố. Tập đoàn Foxlink, một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) đã đầu tư vào thành phố 135 triệu USD và đang có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới. Đặc biệt, trong năm 2024, 05 công ty thiết kế vi mạch đã đầu tư tại Đà Nẵng nâng tổng số doanh nghiệp thiết kế vi mạch lên con số là 13 đơn vị.
Đoàn công tác thành phố Đà Nẵng do Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh làm Trưởng đoàn làm việc với các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới tại thung lũng Silicon, bang California, Hoa Kỳ
Liên tục trong hai năm 2023 và 2024, Đà Nẵng đã có 04 Công ty khởi nghiệp lọt vào top 10 khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo do tập đoàn Qualcomm tổ chức như: XB Link, Alpha Asimov Robotics, Vox Cool, Delta X. Trung tâm DSAC cũng vinh dự được nhận giải thưởng Top 15 Đổi mới sáng tạo Việt Nam về thành tích hỗ trợ phát triển hệ sinh thái vi mạch bán dẫn Việt Nam.
Những kết quả tích cực nói trên được kỳ vọng sẽ tạo động lực và chuyển biến quan trọng để thu hút đầu tư, hợp tác của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với thành phố trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Đà Nẵng hiện đang bám sát chủ trương, định hướng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội để triển khai Đề án Thành phố thông minh. Điển hình là việc đẩy mạnh tiếp cận với các xu hướng thành phố thông minh trên thế giới, nhất là lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng
Tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo đạo thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội vào ngày 21-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, Đà Nẵng cần đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong quản lý, phát triển và thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo trên cơ sở dữ liệu về xã hội, y tế, giáo dục, kinh tế, an ninh, quốc phòng, tài nguyên, dựa vào truyền thống văn hóa – lịch sử của Đà Nẵng. Cơ sở dữ liệu là tài nguyên của Đà Nẵng để phát triển trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, Đà Nẵng phải nỗ lực hơn nữa, các bộ ngành, địa phương phải tích cực quan tâm, hỗ trợ Đà Nẵng nhiều hơn nữa. Đà Nẵng bứt phá thì sẽ kéo theo cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên phát triển. Cùng với đó, Đà Nẵng phải đạt tăng trưởng 2 con số trong những năm tới đây.
Với những tiềm năng, lợi thế riêng có cùng sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, huy động hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra. Từ đó, từng bước khẳng định thương hiệu “Đà Nẵng – Thành phố thông minh”.
HOÀNG PHAN – MAI QUANG
Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=62072&_c=3