Đà Nẵng đã và đang áp dụng nhiều giải pháp công nghệ để quản lý và bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân và xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp.
Trạm trung chuyển rác khu vực quận Sơn Trà được tích hợp hệ thống SCADA hướng đến điều khiển tự động, thông minh. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Năm 2024, ngoài việc cơ giới hóa thu gom rác thải tại phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) và phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), các đơn vị, địa phương đã triển khai các giải pháp vận hành hiệu quả hơn 20 xe ép rác thế hệ mới loại nhỏ đồng bộ với hoạt động của 2 trạm trung chuyển rác hiện đại ở khu vực quận Sơn Trà và đường Lê Thanh Nghị.
Các trạm trung chuyển cùng xe ép rác hoạt động ổn định, bền bỉ với công suất tối đa, không những tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương xóa được nhiều điểm tập kết rác, giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường trên đường phố mà còn đáp ứng hoạt động thu gom, vận chuyển rác trong thời gian cao điểm phục vụ các dịp lễ, Tết, sự kiện, lễ hội. Qua đó, mang lại hình ảnh mới và giúp nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường đô thị tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ.
Để có được sự hoạt động ổn định, bền bỉ đó, Tổng Công ty TNHH MTV Cơ khí giao thông và vận tải Sài Gòn (SAMCO) thường xuyên cử cán bộ, công nhân kỹ thuật ra kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì thiết bị, máy móc…
Ông Đặng Quế Hùng, đại diện Tổng Công ty TNHH MTV cơ khí giao thông và vận tải Sài Gòn (SAMCO) cho biết: “Do trong thành phần rác có lẫn nhiều loại vật liệu cứng, nặng (đá, gạch, khúc cây gỗ, vỏ hàu, nghêu…) và nước rỉ rác có độ ăn mòn, hoen rỉ cao nên chúng tôi đã chú trọng lựa chọn vật liệu, thiết bị, chi tiết máy với yêu cầu kỹ thuật, chất lượng cao trong quá trình chế tạo, lắp đặt 2 trạm trung chuyển và xe ép rác thế hệ mới loại nhỏ. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng và cải tiến quy trình kỹ thuật, nhằm phát huy hiệu quả giải pháp, công nghệ được áp dụng trong thực tế”.
Ông Hoàng Văn Tùng, đại diện Công ty CP Kỹ thuật SEEN tại khu vực miền Trung chia sẻ: “Hai trạm trung chuyển rác ở quận Sơn Trà và đường Lê Thanh Nghị cùng 2 trạm xử lý nước rỉ rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn và các trạm xử lý nước thải Phú Lộc, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn… được công ty áp dụng tổ hợp công nghệ xử lý nước, khí, bùn tiên tiến. Cùng với đó, quan trắc, kiểm soát toàn bộ các khâu và thiết lập hệ thống điều khiển tự động SCADA để vận hành mỗi trạm theo hướng tự động, thông minh. Nhờ vậy, chúng tôi vận hành các trạm nói trên bảo đảm ổn định, liên tục và an toàn”.
Cùng với việc đầu tư các trạm trung chuyển rác, trạm xử lý nước thải, trạm xử lý nước rỉ rác…, thành phố đã đầu tư 8 trạm quan trắc tự động, liên tục thuộc dự án Đầu tư các trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 1); 2 trạm quan trắc môi trường nước tự động, liên tục trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đầu tư, lắp đặt và đưa vào vận hành 2 trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí tại Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Hiện nay, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố và Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất xử lý 33.700m3/ngày và đã được lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục và kết nối dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư các trạm trung chuyển rác hiện đại; thực hiện các giải pháp nhằm tái sử dụng nước sau xử lý tại các trạm xử lý nước thải; khuyến khích đầu tư công nghệ thực tế tốt nhất và ứng dụng công nghệ tiên tiến để xử lý chất thải; khuyến khích đầu tư các dự án sản xuất, tái chế thân thiện môi trường…
Vừa qua, tại lễ vinh danh và trao giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam năm 2024, Đà Nẵng tiếp tục nhận giải thưởng này trong lĩnh vực “Thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch” lần thứ 3 (năm 2021, 2023 và 2024). Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Quang Vinh, cho biết, Đà Nẵng tiếp tục được vinh danh và nhận giải thưởng này lần thứ 3 từ những kết quả của sự đầu tư, áp dụng các giải pháp, công nghệ vào quản lý và bảo vệ môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kết nối, hợp tác với các đô thị thông minh trong và ngoài nước, tiêu biểu như: Nhật Bản, Hàn Quốc cùng các nước có nhiều nhà đầu tư tại Đà Nẵng. Qua đó, thành phố học tập kinh nghiệm, ứng dụng những mô hình, giải pháp, công nghệ đã được thực hiện thành công, khả thi, nhằm góp phần thực hiện tốt đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, đáp ứng với định hướng đô thị sinh thái.
HOÀNG HIỆP
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202412/ung-dung-cong-nghe-hien-dai-trong-quan-ly-bao-ve-moi-truong-3996814/