Sau hơn 2 năm trùng tu, di tích Hải Vân Quan mang diện mạo mới, thu hút nhiều du khách đến tham quan, tuy nhiên để khai thác du lịch hiệu quả thì địa phương phải có nhiều giải pháp.
Du khách tham quan di tích Hải Vân Quan ngày 5-12-2024. Ảnh: NGỌC HÀ |
Điểm đến thu hút khách
Cuối năm 2021, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng khởi động dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Tổng mức đầu tư dự án hơn 42 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Công trình được đưa vào khai thác du lịch kể từ ngày 1-8, đến nay di tích Hải Vân Quan mỗi ngày thu hút hàng trăm khách ghé tham quan.
Theo ghi nhận, sau khi được trùng tu, điểm tham quan đã có bảng hướng dẫn, thông tin về di tích theo ngôn ngữ Việt – Anh để phục vụ du khách có nhu cầu tìm hiểu lịch sử công trình. Ngay lối dẫn vào cổng, du khách có thể tham quan Hải Vân Quan bằng bản đồ số 3D: chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh kết nối với bảng check-in gắn chip NFC (công nghệ không dây tầm ngắn) tại điểm tham quan, du khách truy cập 9 địa điểm quan trọng của Hải Vân Quan và khám phá theo sở thích.
Vừa ngắm cảnh, du khách Beloeil-Ozoul (người Pháp) vừa gật gù cho rằng: “Đây là điểm đến khá thú vị. Đứng từ Hải Vân Quan, tôi có thể nhìn được cả Huế và Đà Nẵng. Nhìn về phía Thừa Thiên Huế có đèo Hải Vân hùng vĩ, nhìn về phía Đà Nẵng có thành phố biển hiện đại. Khi được hướng dẫn viên thuyết minh về lịch sử nơi này, tôi càng thấy thú vị. Nếu nơi đây thu phí tham quan với mức giá hợp lý, tôi nghĩ du khách sẵn lòng ủng hộ bởi đó cũng góp phần vào công tác bảo tồn, giữ gìn di tích”.
Với Nabi (sinh viên, đến từ Thái Lan), chia sẻ việc check-in tại Thiên hạ đệ nhất hùng quan là điều tuyệt vời của cô và các bạn trong chuyến du lịch tại Việt Nam. Sau khi chọn Đà Nẵng là điểm dừng chân ở miền Trung, cô tìm hiểu và biết được di tích này. Nabi hào hứng nói: “Chúng tôi đã mua áo dài, cờ Việt Nam để có những bức hình đáng nhớ nhất. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến đây, quá ấn tượng và bất ngờ”.
Du khách nước ngoài tìm hiểu thông tin di tích Hải Vân Quan tại phòng trưng bày tư liệu hình ảnh. Ảnh: NGỌC HÀ |
Khai thác thế nào hiệu quả?
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, cho biết đối với các đơn vị lữ hành, việc đưa một điểm nào đó vào tour, tuyến dựa trên cung – cầu là chính bởi nhu cầu của du khách là yếu tố quyết định điểm đến. Hải Vân Quan là một điểm đến vừa mang tính lịch sử, văn hóa vừa tự nhiên đặc sắc. Chẳng hạn về yếu tố tự nhiên, giữa Huế và Đà Nẵng thì khí hậu mùa này rất khác nhau; có khi ở phía Huế lạnh, mây nhiều nhưng sang phía Đà Nẵng là trời quang, mây tạnh. Hơn nữa, Hải Vân Quan có cảnh sắc đẹp, khi du khách thưởng ngoạn sẽ có những tấm hình đẹp kỷ niệm cho chuyến đi. Tuy nhiên, để khai thác du lịch ở Hải Vân Quan, các ngành chức năng phải đẩy mạnh quảng bá, đưa vào chương trình xúc tiến du lịch của địa phương. Điều cần lưu ý là xây dựng dịch vụ kèm theo tại điểm đến (nhà trưng bày, thêm điểm check-in, kiot bán hàng lưu niệm phải được đầu tư hài hòa với kiến trúc của di tích…).
Phó Tổng Giám đốc Công ty Vitraco Đà Nẵng Lê Tấn Thanh Tùng cho hay, hiện nay có khá nhiều điểm đến cho du khách lựa chọn, trong đó có những điểm không thu phí. Do đó, thu phí tại một điểm đến cần phải tính toán hợp lý, có mang lại lợi ích gì cho du khách hay không? Muốn vậy, việc tổ chức đón tiếp, thuyết minh chuyên nghiệp (trực tiếp hoặc tự động) để du khách trải nghiệm điểm đến và cảm nhận điểm đến thật sự có giá trị, hoặc hệ thống nhà vệ sinh sạch – đẹp, không có tình trạng chèo kéo khách cũng là điều mà du khách đặc biệt quan tâm…
Theo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, giai đoạn chưa bán vé tham quan, đơn vị quản lý trực tiếp di tích là Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và UBND quận Liên Chiểu. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý nhà nước di tích quốc gia Hải Vân Quan theo quy định. Giai đoạn bán vé tham quan (dự kiến năm 2025), Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và UBND quận Liên Chiểu thực hiện nguyên tắc luân phiên quản lý trong 3 năm (Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế quản lý và khai thác di tích 3 năm đầu tiên, UBND quận Liên Chiểu quản lý và khai thác di tích trong 3 năm kế tiếp).
Để khai thác hiệu quả, hai địa phương có kế hoạch tổ chức hoặc liên kết tổ chức hoạt động tuyên truyền, quảng bá, trưng bày, giới thiệu về di tích; nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, lưu trữ tài liệu về di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể liên quan phục vụ công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích; thực hiện gắn mã QR tại từng hạng mục để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu công trình của người dân, du khách. Đồng thời, hướng dẫn, thuyết minh phục vụ khách tham quan du lịch tại di tích; tổ chức hoặc liên kết tổ chức hoạt động du lịch dịch vụ phục vụ công chúng tham quan, nghiên cứu, học tập, giải trí tại di tích.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, nhìn nhận việc phối hợp quản lý, khai thác di tích quốc gia Hải Vân Quan là hướng đến bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử – văn hóa và thiên nhiên gắn với di tích. Phát triển du lịch Hải Vân Quan thực sự có đóng góp tích cực đối với phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, đây là một điểm dừng chân không thể thiếu trên “Con đường di sản miền Trung”, góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương.
NGỌC HÀ
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202412/chung-tay-khai-thac-du-lich-tai-di-tich-hai-van-quan-3996550/