Cuối tháng 12-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với các trường THPT; công an cấp xã chủ trì, phối hợp với các trường THCS, tiểu học trên địa bàn kiểm tra việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông của học sinh, nhất là tại các bãi giữ xe trong trường, khu vực cổng trường.
Mới đây, ngày 24-9-2024, Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an ban hành kế hoạch thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn cả nước. Trong tháng cao điểm này, cảnh sát áp dụng nhiều biện pháp xử lý triệt để vi phạm như phối hợp với nhà trường, công an cơ sở để kiểm tra tại các bãi giữ xe, phát hiện các trường hợp học sinh lái xe khi chưa đủ tuổi; kiên quyết xử lý hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện… Phòng Cảnh sát Giao thông,
Cảnh sát giao thông thành phố Đà Nẵng kiểm tra học sinh đi xe gắn máy đến trường. Ảnh Phòng CSGT cung cấp
Công an thành phố thành lập Tổ Công tác chuyên đề về xử lý học sinh vi phạm, tập trung vào các trường học và kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động trông, giữ xe của các cơ sở, cá nhân xung quanh khu vực trường học trên các tuyến, địa bàn. Theo đó, cảnh sát và lực lượng chức năng các địa phương theo dõi 202 trường học, 20 tuyến, địa bàn có nguy cơ xảy ra tụ tập, đua xe, lạng lách, đánh võng; rà soát 118 điểm trông, giữ xe quanh khu vực các trường học. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng rà soát, lập danh sách 505 thanh thiếu niên có biểu hiện tụ tập, điều khiển xe mô-tô độ chế, thường xuyên vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến, địa bàn để tổ chức tuyên truyền, vận động cam kết chấp hành pháp luật về giao thông.
Đầu mỗi năm học, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố và Công an các quận, huyện phối hợp với các trường phổ thông trên địa bàn tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn học sinh tham gia giao thông an toàn. Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước biên soạn bộ tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giảng dạy các kiến thức, kỹ năng bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho từng cấp học, bậc học từ mầm non đến đại học. Qua đó tổ chức 181 buổi tuyên truyền cho 118.945 học sinh, sinh viên. Đồng thời tổ chức 9 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng tự tổ chức tuyên truyền cho 100% các cơ sở giáo dục, đào tạo và gần 1.000 giáo viên, giảng viên, cán bộ công nhân viên chức.
Thượng tá Hồ Thanh Hiền, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố cho biết, các đơn vị đã làm việc với Ban giám hiệu của 43 trường THCS, THPT, đề nghị nhà trường phối hợp chặt chẽ trong công tác xử lý tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông và làm việc với 52 cơ sở trông, giữ xe, yêu cầu ký cam kết không nhận trông, giữ xe cho học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Cảnh sát giao thông thành phố Đà Nẵng kiểm tra học sinh đi xe gắn máy đến trường. Ảnh Phòng CSGT cung cấp
Thời gian qua, ghi nhận có một số trường hợp học sinh chưa đủ tuổi đến trường bằng xe gắn máy trên 50cc, gửi xe ở bên ngoài cổng trường. Hoặc vào buổi tối, nhiều thanh thiếu niên, chủ yếu dưới 18 tuổi và đa số đã nghỉ học, thiếu sự quản lý của gia đình, tụ tập cùng bạn bè gây rối trật tự công cộng, sử dụng xe máy phân khối lớn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Cơ quan chức năng áp dụng các giải pháp như tăngcường tuần tra, xử lý, đẩy mạnh việc giáo dục trong nhà trường để nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của học sinh, nâng trách nhiệm của người giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Có thể thấy, thể chế, quy định pháp luật đã ban hành khá chặt chẽ, chế tài xử phạt khá nghiêm, song để đẩy lùi tình trạng trên, nhiều người cho rằng yếu tố phòng ngừa, giáo dục trong gia đình và toàn xã hội cần được đặt ra hàng đầu.
Thượng tá Hồ Thanh Hiền nhấn mạnh, hiện nay lực lượng cảnh sát giao thông bám sát tình hình thực tế, tập trung lực lượng, tăng cường tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền với mục tiêu phủ sóng để quần chúng nhân dân trên địa bàn thành phố nắm vững các quy định về an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, tiến đến hình thành văn hóa giao thông: “không đủ điều kiện – không lái xe”. Đồng thời tiếp tục duy trì, xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm quy định về an toàn giao thông; phối hợp nhà trường, mời làm việc với cha mẹ học sinh thông báo rõ vi phạm và yêu cầu phối hợp quản lý, giáo dục con em cam kết không tái phạm.
Theo quy định của pháp luật, việc giao xe cho người không đủ điều kiện lái xe sẽ bị phạt tiền 800.000 đồng – 2 triệu đồng đối với xe máy; 4 – 6 triệu đồng đối với ô tô.Cơ quan chức năng đang đề xuất tăng mức phạt lên 8-10 triệu đồng đối với xe máy và 28-30 triệu đồng đối với ô tô. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội cha mẹ giao xe cho con, cháu chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, thiệt hại về tài sản hoặc làm chết người có thể bị phạt 7 năm tù giam. |
HIỀN LƯƠNG
Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=61924&_c=3