Việc liên kết nhiều tàu thuyền hình thành mô hình tổ đoàn kết sản xuất trên biển để hỗ trợ nhau ra khơi đánh bắt hải sản đem hiệu quả thiết thực, giúp ngư dân trên địa bàn thành phố vững tin trong những chuyến bám biển dài ngày.
Đội tàu đánh bắt hải sản của thành phố trong Lễ hội Cầu ngư đầu năm do phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà tổ chức. Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ |
Đoàn kết vươn khơi
Ông Lê Dũng, chủ tàu ĐNa 90098 TS công suất 840CV (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) tham gia tổ đội sản xuất trên biển từ năm 2015 với 4 thành viên. Theo ông Dũng, trong quá trình vươn khơi khai thác dài ngày trên biển, ngư dân luôn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy của thời tiết, hay những lúc hỏng máy, phá nước. Những lúc như thế nếu đơn độc sẽ rất khó xử lý.
“Tổ của tôi đã rất nhiều lần giúp nhau lai dắt tàu cá về bờ và sửa chữa máy bị hỏng ngoài biển khơi. Ngư dân của các tổ đoàn kết như người một nhà, thường xuyên thông báo cho nhau biết các thông tin về tình hình ngư trường, giúp đỡ nhau trong khai thác thủy sản, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và giải quyết các sự cố khi hỏng máy, đắm tàu, bão tố bất thường. Khi thành lập tổ này, anh em chúng tôi cũng có trách nhiệm hơn hẳn. Ai nấy đều chủ động liên lạc, nắm chắc vị trí của nhau. Chính điều đó đã giúp chúng tôi có thêm tự tin, là chỗ dựa vững chắc khi vươn khơi”, ông Lê Dũng chia sẻ.
Để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt xa bờ mới, anh Đỗ Công Trường, chủ tàu ĐNa 91318 TS công suất 740CV (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) đang cùng các thuyền viên khẩn trương kiểm tra, máy móc, sơn sửa tàu cá. Yếu tố được vị thuyền trưởng này đặc biệt quan tâm là việc bảo đảm thiết bị kết nối, liên lạc với thành viên tổ đoàn kết sản xuất trên biển số 4 thuộc phường Thọ Quang.
Anh Trường chia sẻ, suốt hành trình, nếu không may tàu bị hỏng hóc thì các tàu khác trong tổ sẽ hỗ trợ lai dắt đi đánh bắt tiếp hoặc lai dắt về bờ an toàn. Anh hiện là tổ trưởng của tổ hiện có hơn 7 thành viên, được thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện vào năm 2015, lúc đó chỉ có 3 thành viên. “Đây chính là cầu nối giúp ngư dân chúng tôi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Trong quá trình hoạt động thì các tổ đội đã có sự chặt chẽ hơn về mặt cơ cấu, số lượng tổ viên; có quy chế hoạt động, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, quyền lợi của từng tổ viên…
Bên cạnh hỗ trợ nhau lúc hoạn nạn, các tàu cá trong tổ còn nhắc nhở nhau tuân thủ các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định khi tham gia khai thác trên biển, nhất là khi có trường hợp tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài thì được các tàu cá khác nhắc nhở ngay”, anh Trường nói.
Ngư dân kiểm tra thiết bị kết nối, liên lạc với thành viên khác trong tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động
Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) Nguyễn Phương Bình cho biết, trên địa bàn phường hiện có 5 tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Trong quá trình hoạt động, các tổ phân công thành viên chuyên làm công tác hậu cần, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm; nhờ đó đã giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế đáng kể. Đặc biệt, khi tham gia tổ đội thì thành viên được hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên (thành phố hỗ trợ 100%) và bảo hiểm tàu cá (Chính phủ hỗ trợ 50%, thành phố hỗ trợ 40%, còn lại là chủ phương tiện tự đóng 10%).
Tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), trong năm 2023, phường đã vận động 12 chủ tàu cá tham gia tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Đến nay, phường có 32 tổ (21 tổ đánh bắt xa bờ và 11 tổ ven bờ) với tổng số 230 chiếc; trong đó số lượng tàu đánh bắt xa bờ tham gia vào tổ 230//244 chiếc, đạt 94,2%. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Huỳnh Văn Hùng, trên địa bàn quận có 71 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 470 tàu tham gia; trong đó 68 tổ xa bờ với 431 tàu cá, 3 tổ vùng lộng với 13 tàu cá, 2 tổ vùng bờ với 45 tàu cá tham gia.
Thời gian tới, địa phương chú trọng phát triển số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ đoàn kết sản xuất trên biển; phối hợp UBND các phường vận động, tuyên truyền chủ tàu khai thác hải sản tham gia sinh hoạt tổ; hướng dẫn việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ. Đồng thời ưu tiên đề xuất các tàu tham gia sinh hoạt tổ được hưởng các chính sách hỗ trợ khuyến ngư từ nguồn kinh phí khuyến ngư thành phố và quận.
Theo Chi cục Thủy sản thành phố, tổ đoàn kết sản xuất trên biển được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện và tổ chức hoạt động theo Quyết định số 1214/QĐ-UBND ngày 22-3-2018 của UBND thành phố về hướng dẫn việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ đoàn kết sản xuất trên biển áp dụng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đây là khung pháp lý để hình thành các tổ đoàn kết sản xuất trên biển, chuyển hoạt động khai thác đơn lẻ, chưa có sự gắn kết nhau thành có tổ chức. Đến nay trên địa bàn thành phố đã thành lập 94 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 680 tàu cá tham gia (vùng khơi 85 tổ với 575 tàu, vùng lộng và vùng ven bờ có 9 tổ với 105 tàu).
Ông Lưu Quang Khánh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản thành phố cho biết, việc hoạt động khai thác hải sản trên biển theo tổ, đội đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của bà con ngư dân, giúp cho ngành khai thác hải sản có nhiều chuyển biến tích cực. Các tổ đoàn kết sản xuất trên biển được thành lập trên cơ sở cùng ngành nghề, cùng ngư trường… qua đó trao đổi kinh nghiệm đánh bắt, thông tin về ngư trường khai thác; phối hợp để tổ chức dịch vụ trên biển, tiêu thụ sản phẩm, giảm thời gian di chuyển, tăng thời gian bám biển. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục phối hợp UBND các địa phương có quản lý nghề cá tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ đoàn kết sản xuất trên biển, giúp ngư dân ổn định sản xuất và yên tâm bám biển.
TRẦN TRÚC
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202412/phat-huy-suc-manh-tu-to-doan-ket-tren-bien-3995771/