Năm 2015, Thu Thủy chợt xuất hiện ở Báo Lao Động để trao số tiền 7 triệu đồng mà cô đã thắng trong cuộc “đấu giá” một cây bàng vuông do Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng tổ chức để hỗ trợ một cháu bé là con gái người lính đảo Trường Sa có tiền phẫu thuật cấy ghép điện cực ốc tai.
Không biết bây giờ cây bàng vuông ấy còn sống không, nhưng năm 2021, Thủy qua đời sau một cơn đau tim. Bạn bè nhận xét Thủy là người xinh đẹp, thông minh, sắc sảo và cũng rất nhân hậu.
Tôi không sa đà vào chuyện phân tích cái đẹp có phải là một tài năng hay không. Song, một hoa hậu khác đã kịp phản biện: “Sắc đẹp không phải tài năng, duy trì sắc đẹp mới là tài năng”. Có lẽ khái niệm duy trì sắc đẹp ở đây không đơn thuần là nhan sắc, ngoại hình, mà còn rộng hơn, ở khía cạnh tâm hồn, phong cách sống, giá trị với xã hội.
*
Tôi đọc ở đâu đó một bài phỏng vấn khá hay, người trả lời là một nữ nhà văn. Chị nói: “Sắc đẹp hay trí thông minh đều là tài sản”. Khi nhắc đến câu nói gây tranh cãi của Hoa hậu Thu Thủy năm nào, nữ nhà văn chia sẻ rằng: “Đẹp và tài năng có thể hoán đổi cho nhau ở một mức độ nào đấy, trong một vài nghề nghiệp. Trong lịch sử, từng có những diễn viên được ca ngợi cả về tài năng dù trên thực tế chỉ vì cô ấy quá duyên dáng, quá quyến rũ. Lại có những người càng sống chúng ta càng thấy họ đẹp hơn chỉ vì họ tài năng. Tôi nghĩ câu nói ấy bị người ta phản đối về mặt từ ngữ là chính. Người ta vẫn nghĩ tài năng mới có ích cho cộng đồng, còn cái đẹp thì không. Nhưng trong thực tế, dù bản chất của cái đẹp là phù phiếm, thì sự phù phiếm ấy vẫn cần thiết và có ích cho đời sống của chúng ta”.
Tôi cho rằng quan điểm “Sắc đẹp hay trí thông minh đều là tài sản” đúng trên cả góc độ cá nhân lẫn… quốc gia.
Ở góc độ này, Việt Nam thuộc hàng… cường quốc trên thế giới. Hồi giữa năm, một tạp chí chuyên về sắc đẹp đã đưa ra bảng xếp hạng những quốc gia có phụ nữ xinh đẹp nhất. Việt Nam đứng thứ 3 châu Á, sau Hàn Quốc và Nhật Bản về chỉ số sắc đẹp. Tạp chí này nhận xét: Phụ nữ Việt Nam thường được ngưỡng mộ bởi nét thanh tú, làn da mịn màng và thần thái thu hút, tạo được thiện cảm.
Tuy nhiên, không hiểu có phải ai đó đã hiểu câu: “Sắc đẹp là tài sản” theo nghĩa hẹp không mà đã có thời gian, Việt Nam “khủng hoảng thừa”, “bội thực” các cuộc thi hoa hậu với hàng chục cuộc thi sắc đẹp mỗi năm. Đi kèm với đó là những ồn ào, thị phi về chuyện mua giải, những phát ngôn “nhỡ mồm” của hoa hậu hay những người đẹp.
Dư luận cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự thương mại hóa của các cuộc thi sắc đẹp. Các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng cuộc thi để quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình, khiến cho tiêu chí đánh giá sắc đẹp không còn chuẩn mực và khách quan. Không ít người tham gia cuộc thi chỉ với mục đích tìm kiếm sự nổi tiếng hoặc mở rộng cơ hội nghề nghiệp, thay vì thực sự tôn vinh sắc đẹp và trí tuệ.
Sự “bội thực” này còn khiến cho ý nghĩa thực sự của sắc đẹp và tài năng trở nên mờ nhạt. Với việc trao giải tràn lan, nhiều cuộc thi đã biến sắc đẹp thành một “sàn” thương mại, làm giảm đi giá trị thực sự của người phụ nữ. Công chúng ngày càng khó đặt niềm tin vào các cuộc thi này, khi mà quá nhiều “hoa hậu” được tôn vinh nhưng không có đóng góp đáng kể gì cho xã hội, cộng đồng.
Chúng ta cần những người đẹp, sắc đẹp cần được tôn vinh. Nhưng cái đẹp ấy không chỉ ở ngoại hình mà phải là những đóng góp cho đất nước, cho xã hội.
**
Có người nói với tôi rằng, thế những cô hoa hậu đi thi các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới thì mang lại gì cho đất nước? Có đáng để tự hào không?
Trở lại câu chuyện về hoa hậu, tròn 20 năm trước, vào những ngày cuối năm 2004, Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thị Huyền đại diện cho sắc đẹp Việt Nam đi thi chung kết Hoa hậu Thế giới 2004 (Miss World) tổ chức ở đảo Hải Nam (Trung Quốc). Thế rồi, khi Huyền đứng trong Top 15 của cuộc thi, tin tức này trở thành một sự kiện chấn động. Lần đầu tiên Việt Nam có thứ hạng cao đến thế trong một cuộc thi nhan sắc tầm thế giới.
Trong vòng 20 năm, nhan sắc Việt Nam liên tục thăng hạng ở những cuộc thi lớn. Chẳng hạn, Phương Khánh đăng quang Miss Earth – Hoa hậu Trái Đất 2018, Nguyễn Thúc Thùy Tiên đăng quang Miss Grand International 2021. Tại Miss World, nhiều năm liền đại diện Việt Nam lọt Top 30, 40 chung cuộc, trong đó có Lan Khuê Top 11 Miss World 2015 và Hoa hậu Lương Thùy Linh Top 12 Miss World 2019.
Năm 2024, Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy đăng quang tại Miss International – Hoa hậu Quốc tế, cuộc thi sắc đẹp lớn thứ 3 thế giới (sau Miss World và Miss Universe – Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới). Thanh Thủy đã đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2022, cô cũng là người đẹp Việt đầu tiên giành vương miện tại Miss International. Mới nhất, Kỳ Duyên, 28 tuổi, dừng chân ở Top 30 – được chọn ra từ 125 thí sinh – ở chung kết Miss Universe 2024.
Vấn đề là, chúng ta sẽ dùng những thành công của các hoa hậu ở những cuộc thi sắc đẹp, theo nghĩa là những “tài sản lớn” này như thế nào?
Thực tế thì, nhiều người đẹp đã thực hiện vai trò là “những đại sứ du lịch”. Chẳng hạn, Thanh Thủy, sau khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2022, cô đã tích cực tham gia các hoạt động quảng bá vẻ đẹp truyền thống Việt Nam qua các sự kiện do Đà Nẵng tổ chức.
Hay Kỳ Duyên khi đến với “Miss Universe 2024” đã chọn “Ngọc Điệp Kỳ Nam” làm bộ trang phục dân tộc chính thức. Đây là một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo kết hợp áo Nhật Bình truyền thống với các chi tiết thêu tay tinh tế và đính đá lấp lánh, giúp Kỳ Duyên tái hiện hình ảnh người phụ nữ vương triều thanh lịch, e ấp nhưng vẫn toát lên vẻ quyền quý. Khi chiếc lọng bung mở, tạo nên hình ảnh “nhộng hóa bướm”.
Theo thông tin từ nhà thiết kế, lọng bướm là sản phẩm thủ công từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân của làng nghề truyền thống làm lọng vào thế kỷ 20 của người Việt xưa. Lọng bướm được dùng làm món đồ chơi, vật trang trí treo tường ở những gia đình quyền quý, mang ý nghĩa trường thọ.
Mỗi một cuộc thi sắc đẹp quốc tế đều là cơ hội quảng bá con người, đất nước Việt Nam thông qua trang phục, những phát ngôn và cả hoạt động bên ngoài của những người đẹp.
Nhưng yêu cầu đối với những người đẹp, đặc biệt sau khi họ đã thành công ở những cuộc thi lớn, còn cao hơn thế! Họ không chỉ cần thể hiện ở những hoạt động hướng tới cộng đồng mà bằng sắc đẹp, tâm hồn họ còn phải đại diện cho người phụ nữ Việt Nam, cao hơn là con người Việt Nam, để mở cánh cửa ra với thế giới, để văn hóa Việt Nam được cảm thụ và lan tỏa.
Đó mới là điều khiến danh xưng Hoa hậu trở nên long lanh. Những người Việt Nam yêu cái đẹp sẽ cảm thấy tự hào khi hai tiếng Việt Nam được vang lên trên những đấu trường sắc đẹp.
Tôi nghĩ khái niệm “sắc đẹp là tài năng” và “sắc đẹp là tài sản” đều có những ý đúng, ở chỗ sắc đẹp có thể bị phai mòn, hao hụt nếu như không tu dưỡng, bồi đắp, phát huy để tăng thêm giá trị cho cuộc sống.
Đến đây thì, liệu có ai, nhất là phụ nữ, ngậm ngùi và cho rằng, mình thiệt thòi vì không có tài năng lẫn tài sản?
Tôi nhớ câu trả lời khéo léo của ca sĩ Hà Anh Tuấn khi được người đẹp, cựu Hoa hậu Thụy Vân, hỏi quan điểm như thế nào về người đẹp. Hà Anh Tuấn trả lời: “Người đẹp là người tìm được một người khen mình đẹp. Đôi khi cả đời chỉ cần một người thôi. Ví dụ, Thị Nở vẫn là một người đẹp vì đã tìm cho mình một Chí Phèo mà chỉ tốn mỗi tô cháo hành”.
Phụ nữ nào cũng có thể trở thành Hoa hậu trong mắt một ai đó và tỏa sáng, theo cách của riêng mình.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/sac-dep-va-canh-cua-quang-ba-van-hoa-viet-nam-1424704.ldo