Triển lãm “Chuyện làng” gồm hơn 60 bức ảnh kể về sự khởi đầu của các đình làng tại Đà Nẵng trong dòng chảy lịch sử cùng với các di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với mỗi đình làng, được sắp xếp theo các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng
Trên chặng đường dài hình thành và phát triển, thành phố Đà Nẵng – mảnh đất nơi “đầu sóng ngọn gió” của xứ Đàng Trong, trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử đã vươn mình phát triển thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ lớn của Miền Trung – Tây Nguyên. Diện mạo thành phố thay đổi từng ngày. Thế nhưng, giữa lòng thành phố “hiện đại” vẫn hiện hữu những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn thời gian như sợi dây kết nối từ quá khứ đến hiện tại, ẩn chứa bao câu chuyện văn hoá – lịch sử của thành phố.
Triển lãm trưng bày 30 tác phẩm tranh ký họa, vẽ lại một phần bức tranh đô thị Đà Nẵng trong thời kỳ thuộc Pháp
Triển lãm “Chuyện phố” gồm 30 tác phẩm tranh ký họa, vẽ lại một phần bức tranh đô thị Đà Nẵng trong thời kỳ thuộc Pháp, giúp người xem hình dung rõ hơn về ký ức không thể quên của một thời kỳ “thị dân nhượng địa Đà Nẵng” chịu ảnh hưởng bởi phương Tây.
Triển lãm “Hồn phố” gồm các tác phẩm vào chung kết cuộc thi làm mô hình các công trình kiến trúc tiêu biểu tại thành phố Đà Nẵng, giúp công chúng hiểu biết về các di tích, công trình kiến trúc một cách sống động và đa chiều hơn.
Bên cạnh triển lãm, ngày hội còn trưng bày một số sản phẩm lưu niệm thủ công là các mô hình bằng tăm tre, gỗ về các công trình kiến trúc nổi bật của Đà Nẵng: Cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu vượt Ngã ba Huế, đình làng Hải Châu, Hải Vân Quan, Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng, Nhà trưng bày Hoàng Sa… do cộng đồng người yếu thế làm ra.
Mô hình nhà thờ Con Gà Đà Nẵng được trưng bày tại triển lãm
Dịp này, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp Chi hội Di sản văn hóa Bảo tàng Đà Nẵng và một số nhà sưu tập tư nhân tổ chức chương trình “Chợ phiên đồ xưa Đà thành” trưng bày, giới thiệu và trao đổi những đồ vật gợi nhớ ký ức xưa như: gốm sứ cổ, đồ đồng, đồ thờ; các loại tiền xu, tiền giấy những năm trước đổi mới; những chiếc đèn dầu Hoa Kỳ, đèn bầu pha lê Pháp, các loại quạt, mắt kính, ấm chén, đồng hồ, bình hoa, đồ đựng trầu, sách cũ… và các đồ dùng sót lại từ thời bao cấp.
Chương trình Ngày hội di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2024 diễn ra từ ngày 22 đến 23-11.
BÁ VINH
Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=61695&_c=3