Trong tâm trí nhiều người, vùng đất Ả Rập chỉ có nắng, gió, cát vàng cùng những câu chuyện huyền thoại trên sa mạc rộng lớn. Nhưng ngày nay, các quốc gia ở vùng Trung Đông được ví như một giấc mơ hoa lệ, làm nên bởi chính những “kỳ tích trên sa mạc”.
Đến Thủ đô Abu Dhabi của các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào một ngày cuối tháng 10, chúng tôi cảm nhận rõ sự phát triển của một trung tâm tài chính – thương mại hàng đầu Trung Đông, cũng là nền kinh tế lớn thứ hai tại khu vực vùng Vịnh.
UAE cũng là điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình thăm 3 nước Trung Đông của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Chính tại nơi đây, những dấu ấn lịch sử đã được thiết lập – mở đầu cho bước chân khai phá thị trường Trung Đông giàu tiềm năng nhưng lâu nay “ngủ quên”.
Sáng 28/10, Thủ đô Abu Dhabi vang rền 21 loạt đại bác chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức UAE.
Trong cuộc hội đàm hẹp giữa người đứng đầu Chính phủ Việt Nam và Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan, hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện, đánh dấu việc UAE trở thành Đối tác Toàn diện đầu tiên của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.
Dành lời khen cho đất nước UAE xinh đẹp và giàu lòng mến khách, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ngưỡng mộ trước thành tựu mà một trung tâm kinh tế, tài chính và công nghệ hàng đầu khu vực như UAE đã đạt được. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam gọi đó là một “kỳ tích trên sa mạc” tại Trung Đông.
Còn Tổng thống UAE khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của nước này tại châu Á và hợp tác với Việt Nam là một trong những quan tâm chính của UAE.
Cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum cùng ngày, cũng ghi lại một dấu ấn lịch sử khác, khi hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) – Hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam với một nước Ả Rập.
Đây là Hiệp định thương mại tự do có thời gian đàm phán nhanh nhất của Việt Nam, thể hiện sự quyết tâm cao độ của lãnh đạo cũng như bộ, ngành hai nước, nhằm tạo đột phá trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước.
Việc này, theo Thủ tướng, là một trong hai dấu ấn của chuyến thăm, bên cạnh việc nâng cấp quan hệ song phương Việt Nam – UAE lên Đối tác Toàn diện.
Hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký kết Hiệp định CEPA, hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam với một nước Ả Rập (Ảnh: Đoàn Bắc).
Hiệp định CEPA lịch sử và thần tốc được kỳ vọng tạo đột phá trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước, mở ra con đường lớn cho Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông – Châu Phi.
Chia sẻ về chặng đường để đi đến bước ký kết, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết ý tưởng này bắt nguồn từ năm 2022. Ngày 20/6/2023, Chính phủ chính thức quyết định khởi động đàm phán CEPA trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam – UAE ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế – thương mại.
Từ khi khởi động, hai bên trải qua nhiều phiên đàm phán với các nội dung quan trọng, với tinh thần đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả hai bên.
“Tính từ khi khởi động đàm phán đến khi ký kết Hiệp định CEPA, chúng ta chỉ mất hơn một năm, nhanh hơn rất nhiều so với các FTA trước đây. Đây có thể coi là một kỷ lục”, Bộ trưởng Diên nhấn mạnh.
Không bỏ lỡ cơ hội và sự nỗ lực của cả hai bên, các vòng đàm phán đã cho “trái ngọt” khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA) chính thức được ký kết, tạo đột phá trong quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước.
Ngay khi Hiệp định lịch sử này có hiệu lực, UAE cam kết xóa bỏ thuế quan với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam, tạo cơ sở thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường UAE và các nước Trung Đông.
Theo Bộ trưởng Diên, UAE sẽ mở cửa cho gần như toàn bộ các mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu như nông sản, thủy sản, hàng tiêu dùng (gồm dệt may, da giày, điện tử)…
“CEPA không chỉ tạo đột phá trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam – UAE, mà còn là động lực thu hút đầu tư mạnh mẽ từ UAE vào Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, công nghệ cao, phát triển chuỗi cung ứng”, Bộ trưởng Diên nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với Phó Tổng thống, Thủ tướng UAE về những thành tựu quan trọng của Việt Nam (Ảnh: Đoàn Bắc).
Việc ký kết CEPA với UAE, theo Bộ trưởng Diên, còn là một đòn bẩy quan trọng cho Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội thương mại và đầu tư tại khu vực Trung Đông – khu vực có nhiều nền kinh tế rất năng động nhưng chưa được doanh nghiệp Việt Nam khai mở trong giai đoạn trước đây.
Đường lớn đã mở. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang UAE và khu vực Trung Đông đã rộng hơn rất nhiều. Vì vậy, theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa cơ hội mà hiệp định lịch sử này mang lại.
Trong các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam coi trọng việc mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư với khu vực Trung Đông, trong đó UAE là một trong những trọng tâm hàng đầu.
Một trong những vấn đề trọng tâm được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra trong các cuộc làm việc, trao đổi tại UAE, là việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự tọa đàm doanh nghiệp tại Dubai (Ảnh: Đoàn Bắc).
Ông đề nghị phía UAE với kinh nghiệm từ Trung tâm tài chính Dubai và Abu Dhabi, sẽ hỗ trợ Việt Nam hình thành khung chính sách và mô hình phát triển phù hợp; tham gia xây dựng, đầu tư và phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan khẳng định sẽ chỉ đạo trực tiếp để triển khai một số dự án cụ thể, trong đó có việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính tại TPHCM.
Bộ trưởng Đầu tư UAE Mohammed Bin Hassan Al Suwaidi cũng cam kết UAE chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng các trung tâm tài chính tại TPHCM và Đà Nẵng, đồng thời khẳng định sẽ nghiên cứu và định hướng các tập đoàn của UAE đầu tư vào những dự án chiến lược tại Việt Nam, tạo hiệu ứng cho cả nền kinh tế.
Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến đi lần này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đánh giá đây là cam kết khá mạnh mẽ của Chính phủ UAE và Việt Nam, cũng là kết quả quan trọng của quá trình đàm phán với nước bạn và đã được nêu trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện giữa hai nước (Hiệp định CEPA).
“Nếu thực hiện sớm cam kết này sẽ góp phần cùng cả nước thực hiện thành công chiến lược vươn mình ra thế giới”, Phó Chủ tịch TPHCM Võ Văn Hoan nói với phóng viên Dân trí.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông Hoan cho biết TPHCM sẽ xây dựng ngay một kế hoạch phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai.
Trước mắt, ông Hoan nói sẽ tổ chức các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong đầu tư, xây dựng và quản lý, vận hành trung tâm tài chính.
UAE cam kết sẽ hỗ trợ xây dựng Trung tâm tài chính ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Giám).
Thành phố cũng sẽ phối hợp với các cơ quan của UAE trong đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực cho hoạt động của trung tâm tài chính, bao gồm cả nhân lực quản trị và nhân lực chuyên môn về tài chính, ngân hàng, công nghệ tài chính Fintech…
Bên cạnh đó, theo ông Hoan, TPHCM sẽ phối hợp với phía UAE trong góp ý xây dựng khung chính sách pháp luật có liên quan đến hoạt động của trung tâm tài chính, đảm bảo khi ra đời sẽ có chính sách ưu đãi vượt trội, để trung tâm nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư tài chính, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới chuyển dịch dòng vốn về đây.
“Phải làm sao để trung tâm nhanh chóng bứt phá trong điều kiện chúng ta hình thành sau, chịu sự cạnh tranh quyết liệt với các trung tâm tài chính khác trong khu vực và trên thế giới”, ông Hoan nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo TPHCM, địa phương này sẽ phối hợp với phía UAE để giới thiệu dự án và môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như TPHCM, với mong muốn UAE lựa chọn nhà đầu tư tiềm năng, có thế mạnh về vốn, công nghệ và kinh nghiệm trong đầu tư trực tiếp dự án này.
Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và lao động giữa Việt Nam với các cường quốc ở Trung Đông cũng là một trong những nội dung được coi trọng trong chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Tháp tùng Thủ tướng, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã tận dụng thời gian để gặp gỡ song phương với người đồng cấp – Bộ trưởng Nguồn Nhân lực UAE Abdulrahman Abdulmannan Al-Awar – để thúc đẩy nội dung này.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết nguồn nhân lực Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế nổi bật.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim Bin Hamad Al Thani (Ảnh: Đức Thuận).
Nêu những yêu cầu về mức lương, điều kiện lao động mà doanh nghiệp cần đáp ứng, Bộ trưởng đề nghị phía UAE rà soát, điều chỉnh các chính sách nhằm giảm thiểu thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lao động Việt Nam khi sang làm việc tại quốc gia này.
Đánh giá cao những kết quả đạt được trong hợp tác lao động, song hai Bộ trưởng cho rằng số lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại UAE vẫn còn hạn chế, dù phía UAE có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài với số lượng lớn, còn Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào.
Bộ trưởng Abdulrahman Abdulmannan Al-Awar cho biết sẵn sàng điều chỉnh các chế độ lương, thưởng, đãi ngộ, chăm sóc người lao động, nhằm thu hút một cách có hiệu quả người lao động Việt Nam làm việc tại UAE.
Trong Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác toàn diện, nội dung hợp tác về nguồn nhân lực cũng được nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp Việt Nam – UAE, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định UAE là một thị trường nhiều tiềm năng mà người lao động có thể nắm bắt được thời cơ để làm việc, học tập, tiếp thu những kỹ năng, kiến thức chuyên môn cao nhằm hoàn thiện và phát triển bản thân, có được mức thu nhập cao trong tương lai.
Cho biết Việt Nam hiện có dân số 100 triệu người và đang ở giai đoạn dân số vàng với lực lượng lao động khoảng 54 triệu người, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh nếu biết tận dụng yếu tố này sẽ tạo điều kiện giúp đất nước phát triển.
Về mặt quản lý Nhà nước, Bộ trưởng cam kết với các doanh nghiệp UAE sẽ tạo điều kiện tối đa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khi tiếp Bộ trưởng Lao động Qatar Ali bin Saeed bin Samikh Al Marri nhân chuyến thăm chính thức Qatar, cũng nhấn mạnh hợp tác lao động là nội dung quan trọng được các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất.
“Hai bên cần thúc đẩy hợp tác lao động đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững và lâu dài”, Thủ tướng lưu ý cần sớm hoàn thiện các thủ tục để ký kết bản ghi nhớ giữa hai bộ của hai nước về lĩnh vực lao động vào thời điểm thích hợp.
Ông cũng đề nghị Qatar hỗ trợ Việt Nam xây dựng Trung tâm đào tạo lao động nhằm nâng cao kỹ năng nghề, đào tạo văn hóa, ngôn ngữ, luật pháp, tạo thuận lợi cho người lao động sang Qatar làm việc, nhất là lao động chất lượng cao.
“Việt Nam là nước có 100 triệu dân, đang ở giai đoạn dân số vàng với nhiều lao động trẻ và tay nghề cao. Còn Qatar có nhu cầu rất lớn về lao động nước ngoài. Trong 7-8 năm tới, Qatar cần rất nhiều lao động trong các lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, dầu khí, công nghiệp, giao thông vận tải…”, Bộ trưởng Lao động Qatar nói.
Bộ trưởng Ali bin Saeed bin Samikh Al Marri hứa với Thủ tướng sẽ sớm đẩy nhanh đàm phán ký kết hợp tác mới về lao động và nhận trách nhiệm nếu sau này, con số lao động Việt Nam tại Qatar không vượt qua mốc 1.000.
Ngay sau khi kết thúc cuộc gặp với Thủ tướng, Bộ trưởng Ali bin Saeed bin Samikh Al Marri đã cùng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ nhanh về kế hoạch triển khai các công việc mà Thủ tướng giao.
Ả-rập Xê-út – hành trình thứ hai của Thủ tướng trong chuyến thăm 3 nước Trung Đông – là nền kinh tế lớn nhất tại khu vực Vùng Vịnh và một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.
Với tài nguyên chính là dầu lửa, Ả-rập Xê-út đứng đầu thế giới về xuất khẩu dầu mỏ. Trong đó, “gã khổng lồ” dầu mỏ Saudi Aramco được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có quy mô cũng như doanh thu lớn nhất thế giới, với doanh thu năm 2023 đạt gần 500 tỷ USD và tổng tài sản đạt trên 660 tỷ USD.
Một cam kết mang ý nghĩa quan trọng cũng đã được thiết lập trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Saudi Aramco Amin Al-Nasser tại thủ đô Riyadh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Amin Al-Nasser, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Ả-rập Xê-út (Ảnh: Đoàn Bắc).
Cho rằng Việt Nam là thị trường tiềm năng và quan trọng của khu vực Đông Nam Á, lãnh đạo Tập đoàn Aramco mong muốn đầu tư vào lọc hóa dầu và phân phối xăng dầu tại Việt Nam.
Đánh giá cao Tập đoàn Saudi Aramco quan tâm và có kế hoạch hợp tác đầu tư tại Việt Nam, cụ thể là hợp tác với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), trước mắt trong lĩnh vực thương mại dầu khí, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để thúc đẩy hợp tác.
Thủ tướng cho biết Việt Nam là nước có bờ biển dài hơn 3.000 km, có vị trí thuận lợi để tiếp cận với thị trường rộng lớn ở châu Á. Việt Nam là nước có tiềm năng và đang phát triển ngành dầu khí cả về khai thác, lọc hóa dầu và thương mại dầu khí.
Còn Tập đoàn PVN của Việt Nam có nhiều kinh nghiệm, nguồn lao động dồi dào, chất lượng cao. Đây sẽ là đối tác tiềm năng để có thể hợp tác.
Chủ tịch Saudi Aramco khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán tích cực với PVN và sớm cử đoàn công tác sang Việt Nam để tiến hành hợp tác, đầu tư, bằng những dự án cụ thể như Thủ tướng gợi mở.
Ngay sau cuộc tiếp, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, PVN và Saudi Aramco đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thương mại dầu khí.
Trong chuyến thăm Qatar, Thủ tướng cũng đề nghị Qatar Energy tăng cường hợp tác với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam để thực hiện các dự án lớn tăng cường khả năng tự chủ của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất điện khí; thúc đẩy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Abu Dhabi xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ dầu thô và sản phẩm lọc hóa dầu tại Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường tại khu vực.
Chia sẻ thêm với phóng viên trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Lê Ngọc Sơn cho biết để ký được những thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn lớn như Saudi Aramco, là điều không hề dễ dàng.
Bởi vậy, Biên bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thương mại dầu khí giữa PVN và Saudi Aramco lần này là một thành công có ý nghĩa rất quan trọng.
Theo ông Sơn, cũng trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng, PVN đã làm việc, trao đổi với Quốc Vụ khanh phụ trách các vấn đề năng lượng Qatar kiêm Giám đốc Điều hành Công ty QatarEnergy, về các tiềm năng hợp tác giữa hai bên, để cùng đi đến những thỏa thuận cụ thể.
Nhìn lại quá trình hợp tác, ông Sơn cho biết Tập đoàn này và các đối tác dầu khí tại Trung Đông hợp tác lâu dài từ nhiều năm, chủ yếu ở lĩnh vực cung cấp dịch vụ và trao đổi thương mại. Trong đó, PVN cung cấp dịch vụ chế tạo giàn khoan tại Qatar, các dịch vụ dầu khí khác, còn phía bạn cung cấp sản phẩm như khí LNG, LPG, lưu huỳnh, dầu thô… với các hợp đồng lên tới hàng tỷ USD.
Dù vậy, chuyến công tác của Thủ tướng tới các nước Trung Đông lần này, theo ông Sơn, đã mở thêm nhiều cơ hội mới để PVN vừa phát huy thế mạnh của mình, vừa khai thác hiệu quả thế mạnh của nhà đầu tư dầu mỏ Trung Đông, vừa giúp Việt Nam có thêm nguồn vốn, công nghệ hiện thực hóa các dự án như điện khí, năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp điện.
Ngoài ra, lãnh đạo PVN cho rằng một số trao đổi hợp tác và thu hút đầu tư về năng lượng tái tạo với các tập đoàn, quỹ đầu tư hàng trăm tỷ USD của Ả Rập sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh và mở ra nhiều cơ hội mới, hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.
Trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo Ả rập hay các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần đưa ra cam kết mạnh mẽ về cải cách thể chế, cụ thể là sửa đổi những vướng mắc liên quan Luật Điện lực để giúp ngành năng lượng của Việt Nam kết nối cởi mở hơn với khu vực Trung Đông.
Đó cũng là động lực mạnh mẽ giúp các nhà đầu tư Ả Rập có thêm niềm tin khi quyết định đầu tư ở Việt Nam.
“Chạy đua”, “máu lửa” là tinh thần được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhiều lần nhắc đến trong các cuộc làm việc với đối tác ở 3 nước Trung Đông.
Sự khích lệ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền động lực mạnh mẽ cho Bộ trưởng Công nghiệp và Khoáng sản Ả-rập Xê-út Bandar Alkhorayef trong cuộc gặp tại Thủ đô Riyadh.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo Việt Nam và các nước Trung Đông đều có chung tầm nhìn, chung tư duy, cùng coi trọng thời gian và trí tuệ.
“Lãnh đạo hai đất nước cùng có tư duy đổi mới, tầm nhìn lâu dài, khát vọng đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Lãnh đạo hai nước cũng rất chú trọng thời gian và trí tuệ để phát triển đất nước”, Thủ tướng chia sẻ.
Ông đề nghị Bộ trưởng Bandar Alkhorayef hợp tác với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhằm kết nối hai nền kinh tế chặt chẽ hơn, thúc đẩy thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USDT trong thời gian tới.
“Bộ trưởng hãy cùng Bộ trưởng Diên chạy đua xem ai chạy nhanh hơn. Tôi và Hoàng Thái tử sẽ làm trọng tài và là khán giả chứng kiến cuộc đua này”, Thủ tướng động viên.
Ông Bandar Alkhorayef cam kết sẽ cùng các bộ, ngành của Việt Nam sớm triển khai, thúc đẩy việc hợp tác và xác định “sẽ chạy marathon” như thông điệp của Thủ tướng.
Tinh thần máu lửa trong hợp tác cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính lan tỏa khi cùng bàn bạc, trao đổi với Bộ trưởng Thông tin và Công nghệ truyền thông Qatar Mohammed bin Ali bin Mohammed Al Mannai tại Thủ đô Doha (Qatar).
Nhắc đến kế hoạch thành lập Trung tâm doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại Qatar để kết nối với thị trường Trung Đông, Thủ tướng mong có sự máu lửa từ Bộ trưởng Thông tin và truyền thông của hai nước.
“Làm gì cũng phải máu lửa, quyết liệt đến cùng, không phải nói xong rồi để đấy”, Thủ tướng nói hai bên cần tận dụng thời gian và trí tuệ, bởi thời gian không chờ đợi ai, và muốn làm được việc lớn, trí tuệ phải vượt ra khỏi giới hạn của bản thân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Lao động Qatar Ali bin Saeed bin Samikh Al Marri (Ảnh: Đoàn Bắc).
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng những điều này Việt Nam phải học tập Qatar bởi họ dám chấp nhận rủi ro, vượt qua chính mình để có được thành quả như ngày nay.
Lưu ý “lãng phí thời gian là lãng phí lớn nhất trong cuộc đời”, Thủ tướng đề nghị việc hợp tác cần triển khai trong thời gian sớm nhất. Bộ trưởng hai nước vì tinh thần này, cũng cam kết sẽ không bỏ lỡ cơ hội và không có lý do gì để chậm trễ.
Có thể nói, dấu ấn đặc biệt trong chuyến thăm 3 nước Trung Đông của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này là thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với cả ba nước nói riêng và khu vực Vùng Vịnh, Trung Đông nói chung. Đây là bước đi khai mở thị trường Trung Đông – một nơi vốn rất giàu tiềm năng nhưng Việt Nam chưa có nhiều điều kiện để khai phá.
Trong các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao 3 nước, tiếp xúc, gặp lãnh đạo các tập đoàn và quỹ đầu tư lớn, cũng như khi phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 (Hội nghị FII8), Thủ tướng đã gửi thông điệp về một Việt Nam đổi mới, năng động và sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thông qua việc mở rộng kết nối và hợp tác cùng các nước thúc đẩy đầu tư.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/cuoc-dua-marathon-buoc-chan-mo-duong-va-dau-an-lich-su-tren-dat-a-rap-20241102180721984.htm