Cùng với các hoạt động xúc tiến, quảng bá để thu hút khách, ngành du lịch thành phố cũng rất quan tâm đến chất lượng ngành du lịch. Nhiều lớp tập huấn, nâng cao nghiệp vụ dành cho nhân lực ngành du lịch thường xuyên được tổ chức đã góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho nhân lực của ngành.
Các doanh nghiệp rất quan tâm đến chất lượng nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ. TRONG ẢNH: Một buổi đào tạo nghiệp vụ tại chỗ của Công ty CP Bắc Mỹ An Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ |
Chú trọng từng thị trường khách
Các lớp kỹ năng, nghiệp vụ được ngành du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thường xuyên cho các vị trí khác nhau như giám đốc, quản lý, chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhân viên, hướng dẫn viên, trong đó tập trung vào các nội dung chính: giải pháp để thu hút phát triển các thị trường khách trong hoạt động kinh doanh khách sạn; cách xây dựng sản phẩm dịch vụ khai thác các thị trường khách trọng điểm cũng như kỹ năng ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống trong hoạt động đón tiếp và phục vụ khách du lịch.
Theo đánh giá của những người làm du lịch, đây là một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch thành phố. Các doanh nghiệp cần phải nhìn vào thực tế để có được các giải pháp phù hợp nhất.
Ông Nguyễn Quang Sơn, Giám đốc quốc gia Tổ chức Phát triển du lịch toàn cầu (GTDO) tại Việt Nam cho rằng, xu hướng hiện nay của khách du lịch là đề cao trải nghiệm tại điểm đến khi đi du lịch. Vì vậy, trong quá trình tìm kiếm khách hàng và quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp cần mở rộng chia sẻ thông tin về điểm đến hơn là chỉ tập trung giới thiệu về cơ sở của mình.
Các doanh nghiệp phải nhìn từ thực tiễn của doanh nghiệp mình với từng thị trường khách để xây dựng sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn, tìm hiểu cụ thể về nhu cầu, thị hiếu thị trường để thuận tiện hơn trong quá trình tiếp cận, giao dịch. Bên cạnh việc lựa chọn hướng đi mới, doanh nghiệp cần mạnh dạn cập nhật và triển khai các xu hướng marketing mới trong ngành khách sạn để thu hút và giữ chân khách. Đó có thể là cá nhân hóa trải nghiệm, kể những câu chuyện về thương hiệu hay tối ưu hóa các trang bán hàng trực tuyến…
Tương tự, khi chia sẻ về kinh nghiệm phục vụ, xây dựng sản phẩm, dịch vụ ẩm thực khai thác thị trường khách Ấn Độ, ông Sai Raghupatruni (chuyên gia người Ấn Độ), Phó Giám đốc Công ty Indovietholidays cho rằng, Ấn Độ là thị trường rất tiềm năng, dù có nhiều khác biệt về văn hóa, phong cách ẩm thực nhưng nếu những người làm du lịch dịch vụ hiểu cách phục vụ, công tác chuẩn bị, nhân viên được đào tạo tốt thì sẽ mang lại nguồn khách khá ổn định.
Ông Sai Raghupatruni gợi ý các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nên lưu ý các vấn đề về ăn uống, các món ăn trong thực đơn; các hướng dẫn viên lưu ý trong cách truyền tải thông tin; xây dựng sản phẩm phù hợp với thị hiếu thích mua sắm của khách, giới thiệu các sản phẩm liên quan đến lễ hội văn hóa để khách trải nghiệm…
Nhân lực ngành du lịch rất chủ động trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng. TRONG ẢNH: Các hướng dẫn viên đang trao đổi nghiệp vụ tại một hoạt động đào tạo đầu tháng 10. Ảnh: THU HÀ |
Chủ động hơn trong việc đào tạo nhân sự
Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh cho rằng bên cạnh việc tạo dựng sản phẩm, tổ chức sự kiện, ngành du lịch thành phố, các doanh nghiệp đều rất quan tâm đến việc đào tạo nhân lực ngành du lịch; thường xuyên có các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên. Ngay bản thân các doanh nghiệp hiện nay cũng chủ động mời các chuyên gia, người có kinh nghiệm đến tập huấn tại doanh nghiệp mình hoặc chủ động đào tạo nghiệp vụ tại chỗ, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho từng vị trí của doanh nghiệp. Điều này góp phần nâng cao sự chuyên nghiệp của ngành du lịch dịch vụ.
Theo Sở Du lịch, tính đến hết 9 tháng năm 2024, Đà Nẵng có 56.135 lao động đang làm việc trong lĩnh vực du lịch, tăng 10,7% (tương ứng tăng 5.435 người) so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 28,7% so với cùng kỳ 2019, tương ứng tăng 12.521 người.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Hoài An cho hay, trong bối cảnh ngành du lịch đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ, việc cập nhật, trang bị thêm kiến thức về xu hướng thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh, bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao nghiệp vụ cho nhân lực ngành du lịch là hết sức cần thiết, giúp đội ngũ nhân lực tại các doanh nghiệp nâng cao kiến thức, chất lượng dịch vụ, từ đó nâng cao chất lượng tại cơ sở, góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch Đà Nẵng.
Để phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng phục vụ ngành du lịch thành phố năm 2024, Sở Du lịch đã ban hành và triển khai Kế hoạch số106/KH-SDL ngày 26-4-2024 về Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng phục vụ ngành du lịch thành phố Đà Nẵng.
Đến nay, sở đã tổ chức 20 chương trình bao gồm 7 lớp cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch, 7 chương trình trao đổi thông tin và bàn giải pháp thu hút các thị trường khách nội địa và quốc tế và 6 chương trình tọa đàm trao đổi, chia sẻ và hướng dẫn nâng cao nghiệp vụ cho nhân lực ngành du lịch; duy trì website e-learning daotaodulichdanang.com với 19 khóa tập huấn bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ trực tuyến; phối hợp với Hiệp hội Du lịch và các hội thành viên tổ chức các chương trình đào tạo và hoạt động dành cho lữ hành, hướng dẫn viên, chương trình “Offline 2024 – Kết nối vươn xa”; tuần lễ việc làm Đại học Duy Tân (DTU) 2024 ngành du lịch – ngoại ngữ – xã hội nhân văn và pháp luật; ngày hội việc làm thường niên 2024 Đại học Đông Á; cùng với nông dân Cơ tu ở vùng cao Tây Giang xây dựng mô hình hợp tác để đưa hàng hóa vùng cao về Đà Nẵng; phối hợp góp ý các chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo du lịch, kết nối các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp du lịch.
Sở tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện các bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch và bộ tiêu chí chuẩn an toàn phục vụ khách du lịch đến các đơn vị kinh doanh du lịch và các đơn vị liên quan thông qua các chương trình tập huấn, hội nghị, hội thảo, đi thực tế kiểm tra hướng dẫn…
THU HÀ
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202410/nang-cao-chat-luong-nhan-luc-nganh-du-lich-3991944/