9 tháng năm 2024, động lực phát triển chính của kinh tế thành phố là sự hồi phục của sản xuất công nghiệp, đóng góp của hoạt động xuất khẩu hàng hóa và trụ đỡ chính từ ngành dịch vụ, qua đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,47% so với cùng kỳ năm 2023; riêng GRDP quý 3-2024 ước tăng 8,59%.
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ảnh: MAI QUẾ |
Điểm sáng từ ngành dịch vụ
Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội thành phố 9 tháng năm 2024 của Cục Thống kê, trong mức tăng 6,47% toàn nền kinh tế 9 tháng qua, khu vực dịch vụ tăng 6,96% so với cùng kỳ năm 2023. Có thể thấy, ngành dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt, trong đó nổi bật là hoạt động du lịch.
Thành phố tổ chức nhiều hoạt động sự kiện, lễ hội mang tầm quốc gia và quốc tế, sản phẩm du lịch, dịch vụ được tổ chức và đưa vào hoạt động, góp phần tạo không khí sôi động, tươi mới thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Đà Nẵng như “Đường hoa biển Đà Nẵng”, phố đi bộ Bạch Đằng và thí điểm tổ chức dịch vụ, phục vụ du lịch về đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi; khai trương Đoàn tàu du lịch Huế – Đà Nẵng hành trình “Kết nối di sản miền Trung”; ra mắt đoàn tàu chất lượng cao Thành phố Hồ Chí Minh – Đà Nẵng; các chương trình tour “Tận hưởng Đà Nẵng”…
Trong 9 tháng năm 2024, khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 8,7 triệu lượt, tăng 33,3% so với cùng kỳ 2023, trong đó: khách quốc tế ước đạt 3,1 triệu lượt, tăng 30,6% và khách nội địa ước đạt 5,5 triệu lượt, tăng 34,9%. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành 9 tháng ước đạt hơn 26.000 tỷ đồng, tăng 26%. Tính đến tháng 9-2024, có 20 đường bay đến Đà Nẵng (5 đường bay nội địa và 15 đường bay quốc tế thường kỳ), tần suất trung bình 9 tháng đầu năm là 115 chuyến bay/ngày (64 chuyến nội địa và 51 chuyến quốc tế). Trong 9 tháng, tổng số chuyến bay đến Đà Nẵng ước đạt hơn 31.400 chuyến, tương đương với cùng kỳ năm 2023.
Các hoạt động thương mại tương đối ổn định với doanh thu bán lẻ hàng hóa thành phố 9 tháng ước đạt 55.638,9 tỷ đồng, tăng 12,4% so cùng kỳ 2023. Hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục được tăng cường, thành phố tổ chức 3 kỳ hội chợ, qua đó hỗ trợ 41 lượt doanh nghiệp tham gia các hội chợ trên; tổ chức 7 đoàn (37 lượt tổ chức, doanh nghiệp) tham gia trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện hội chợ, triển lãm trong nước nhằm giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, quà tặng lưu niệm Đà Nẵng.
Thị trường thế giới có dấu hiệu khởi sắc từ cuối quý 2-2024 nên đơn hàng tăng trở lại, góp phần giúp xuất khẩu tăng trưởng tốt trong quý 3-2024. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 2,46 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu ước đạt 1,45 tỷ USD, tăng 5,1%; nhập khẩu ước đạt 1,01 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của thành phố 9 tháng đầu năm 2024: hàng dệt may ước đạt 388 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023; thủy sản ước đạt 170 triệu USD, tăng 4,6%; đồ chơi trẻ em ước đạt 73,6 triệu USD, xấp xỉ cùng kỳ; động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 495 triệu USD, tăng 5,1%…
Thành phố tổ chức và kết nối nhiều hoạt động xúc tiến thương mại. TRONG ẢNH: Hoạt động tại triển lãm Công nghiệp và sản xuất Việt Nam lần thứ 2 – VIMF 2024. Ảnh: M.Q |
Công nghiệp và xây dựng phục hồi, tăng tốc
Tiếp nối đà phục hồi trong quý 2, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng trong quý 3 năm 2024 có những bước chuyển mạnh mẽ. Nếu tại thời điểm kết thúc quý 1, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành chỉ đạt mức tăng 1,35% so với cùng kỳ thì quý 3 tăng 8,46% so với cùng kỳ, góp phần thúc đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành 9 tháng năm 2024 tăng 5,36% so với cùng kỳ năm 2023.
Một số nhóm góp phần thúc đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp có thể kể đến như dệt tăng 38,57%; chế biến thực phẩm tăng 6,63%; sản xuất đồ uống tăng 13,68%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 9,46%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (+15,69%)…
Tính chung cả khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng năm 2024 tăng 5,03% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất xây dựng 9 tháng năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 18.156 tỷ đồng, tăng 7,04% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khối doanh nghiệp Nhà nước ước tăng 186,4%; khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 8,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,1%; xây dựng hộ gia đình tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá cả nguyên, nhiên vật liệu dùng cho xây dựng đang có xu hướng ổn định và giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 làm giảm áp lực cho ngành xây dựng. Tăng trưởng giá trị tăng thêm của ngành xây dựng 9 tháng năm 2024 ước đạt 7,19% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó: xây dựng nhà các loại tăng 9,17%; xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng tăng 22,34% và hoạt động xây dựng chuyên dụng giảm 14,17% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhìn chung, qua đánh giá của Cục Thống kê, với mức tăng trưởng từ các ngành, lĩnh vực có sự đóng góp đáng kể vào GRDP của thành phố trong 9 tháng của năm nay sẽ là bước tạo đà cho cả năm 2024 và năm tiếp theo. Có được kết quả này là nhờ thời gian qua thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động, linh hoạt thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm được giao.
MAI QUẾ
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202410/nhung-diem-sang-tang-truong-kinh-te-3991660/