TPO – Ngày 28/9, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet – thuộc Liên hiệp các hội Khoa học – Kỹ thuật TP. Đà Nẵng) tổ chức trao hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng bảo tồn voọc Chà vá chân xám ở xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).
Đợt này, GreenViet đã trao 4.400 cây giống dổi và lim xanh cùng gần 900kg phân vi sinh hữu cơ cho các hộ gia đình để trồng gần 5ha rừng cây gỗ lớn. Đây là các hộ có rẫy giáp ranh với khu vực rừng tự nhiên đang ưu tiên bảo tồn loài voọc Chà vá chân xám.
4.400 cây giống sẽ được các hộ trồng để phủ xanh gần 5ha rừng tự nhiên trên địa bàn |
Trước đó, từ tháng 2/2024, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Núi Thành và UBND xã Tam Mỹ Tây họp và lựa chọn các hộ có mong muốn, nguyện vọng và đủ điều kiện chuyển đổi trồng cây gỗ lớn. Đồng thời, các hộ cũng được chuyên gia tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây.
Được biết, đây là một trong những hoạt động để hỗ trợ sinh kế cộng đồng nhằm bảo vệ sinh cảnh và bảo tồn bền vững loài voọc Chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, do GreenViet phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam triển khai.
Dự án được thực hiện trong vòng một năm (từ tháng 2/2024 đến tháng 2/2025) nhằm giảm áp lực lên rừng tự nhiên xã Tam Mỹ Tây bằng cách cải thiện sinh kế và thu nhập bền vững cho người dân địa phương. Tổng vốn thực hiện dự án là 40 nghìn USD (tương đương gần 987 triệu đồng).
Theo ông Võ Ngọc Danh (người dân thôn Tú Mỹ, xã Tam Mỹ Tây), với việc hỗ trợ chuyển đổi sinh kế sang trồng cây gỗ lớn, người dân địa phương mong muốn chung tay bảo vệ môi trường sống cho loài voọc Chà vá chân xám, đồng thời, góp phần bảo vệ diện tích rừng, giữ đất và giữ nước.
Ông Lê Bá Phong, Phó chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây đánh giá cao các dự án bảo tồn loài voọc Chà vá chân xám ở địa phương. “Trong đó, hướng đi hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân địa phương thực sự thiết thực, hỗ trợ bà con làm kinh tế bền vững dưới tán rừng, khuyến khích cộng đồng giữ rừng, bảo vệ sinh cảnh và môi trường sống cho loài voọc Chà vá chân xám”, ông Phong nói.
Trước đó, dự án cũng triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương gồm: thí điểm sinh kế từ chăn nuôi, hỗ trợ vốn vay quay vòng không tính lãi và nâng cao năng lực chăn nuôi và trồng trọt cho bà con.
Cụ thể, dự án đã hỗ trợ 9 hộ gia đình chăn nuôi thí điểm 21 con heo và 1.000 con gà giống bản địa; cung cấp 850kg thức ăn chăn nuôi heo, 2.900kg thức ăn nuôi gà và các loại thuốc phòng ngừa dịch bệnh.
Dự án hỗ trợ gần 1 tỷ đồng để chuyển đổi sinh kế bền vững cho cộng đồng người dân xã Tam Mỹ Tây nhằm bảo vệ sinh cảnh và bảo tồn loài voọc Chà vá chân xám |
Bên cạnh đó, chuyên gia của dự án luôn theo sát và thường xuyên hỗ trợ, tư vấn cho người dân trong quá trình chăn nuôi. Kết quả, heo giống và gà giống của các hộ phát triển tốt, tỉ lệ sống sót cao và có hộ đã tái đàn dựa trên số heo và gà giống được hỗ trợ.
Dự án cũng hỗ trợ 10 hộ gia đình vay vốn quay vòng không tính lãi từ nguồn dự án để chăn nuôi, trồng trọt, góp phần phát triển sinh kế cho gia đình từ nguồn vốn 100 triệu của dự án.
Ngoài ra, dự án cũng nâng cao năng lực chăn nuôi và trồng trọt thông qua tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn xã. Qua đó, 19 hộ gia đình đã thực hiện các mô hình sinh kế chăn nuôi, tạo được thu nhập và đầu tư tái đàn.
Theo kiểm đếm của các chuyên gia và nhóm cộng đồng tiên phong bảo tồn địa phương, rừng tự nhiên xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) có khoảng 75 cá thể voọc Chà vá chân xám.
Đây là loài động vật đặc hữu nằm trong danh sách các loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và là một trong “25 loài linh trưởng bị đe dọa nhất thế giới”.