Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đơn vị, địa phương, cộng đồng ngư dân đã và đang thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) để nhanh chóng gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).
Nhiều biện pháp được các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện để chung tay gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. TRONG ẢNH: Lãnh đạo UBND quận Hải Châu và các đơn vị trao cờ Tổ quốc và quà tặng động viên ngư dân vươn khơi bám biển trong sáng 23-2. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Nâng cao hiệu quả quản lý
Tại quận Hải Châu, cuối tháng 2-2024, nhiều ngư dân trên địa bàn được Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng Đà Nẵng tuyên truyền, hướng dẫn, giới thiệu các quy định về chống khai thác IUU. Đây là hoạt động thường niên được địa phương và các đơn vị phối hợp tổ chức nhằm nâng cao ý thức chấp hành của ngư dân. Sau buổi tuyên truyền, các ngư dân đều đồng thuận ký cam kết tuân thủ, không vi phạm các quy định trong quá trình hoạt động.
Bà Phan Thị Thắng Lợi, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho hay, các phong trào khuyến ngư, hoạt động hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển luôn được địa phương quan tâm, chú trọng và triển khai trong nhiều năm qua. Quận thường xuyên phối hợp với các đơn vị, yêu cầu các địa phương trên địa bàn tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của ngư dân, đặc biệt là thực hiện nghiêm các nội dung trong Luật Thủy sản và các quy định liên quan đến chống khai thác IUU; nâng cao kỹ năng cần thiết để ngư dân an tâm, chủ động đánh bắt hải sản an toàn và hiệu quả trên các ngư trường của đất nước.
Theo Chi cục Thủy sản thành phố, việc triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU trên địa bàn thành phố đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo đó, công tác tuyên truyền được tăng cường, việc kiểm tra, rà soát, báo cáo số liệu thực tế về tàu cá Đà Nẵng được thực hiện tốt. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 1.192 chiếc tàu cá đã đăng ký; trong đó, 286 chiếc khai thác ven bờ, 311 chiếc khai thác vùng lộng, 595 chiếc khai thác vùng khơi. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá khai thác vùng khơi được hoàn thành; tổ chức theo dõi, giám sát suốt ngày đêm đối với 100% tàu cá Đà Nẵng hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá và xử lý kịp thời các tàu cá mất tín hiệu trên biển, tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài.
Trong năm 2023, chi cục đã tổ chức 8 đợt tuần tra, kiểm tra xử lý 53 trường hợp hành vi vi phạm khai thác IUU với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng; Bộ đội Biên phòng thành phố đã kiểm tra 5.710 phương tiện/40.874 lao động và xử phạt 25 trường hợp không chấp hành việc kiểm tra kiểm soát. Nhờ triển khai tốt các biện pháp, đến nay thành phố không có tàu cá vi phạm khai thác tại vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý; không có trường hợp tàu cá mất tín hiệu giám sát.
Ông Lưu Quang Khánh, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, thời gian đến, chi cục tiếp tục thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn các quy định pháp luật cho ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, không vi phạm khai thác IUU; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản, kiểm soát tàu cá ra/vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác; thường xuyên rà soát, cập nhập bổ sung thông tin tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc qua (VNFishbase). Chi cục cũng đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá, thuyền viên; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm; theo dõi, quản lý chặt chẽ tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12m, bảo đảm không để phát sinh thêm phương tiện sai quy định…
Đẩy nhanh truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử
Cũng theo Chi cục Thủy sản, đầu tháng 3-2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn triển khai sử dụng “Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử – eCDT VN” với sự tham gia của các đơn vị quản lý, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xuất khẩu và các chủ tàu, thuyền. Đây là phần mềm dùng chung, được cài đặt và sử dụng bằng điện thoại thông minh nhằm cung cấp đầy đủ quy trình và chức năng khai báo theo quy định do Cục Thủy sản xây dựng và đưa vào triển khai áp dụng trên toàn quốc. Phần mềm bảo đảm chức năng của tất cả cơ quan quản lý, tàu thuyền… theo đúng quy trình của pháp luật, giúp minh bạch hóa các bước truy xuất nguồn gốc, tiến tới tự động hóa hoàn toàn quy trình để thay thế cho việc truy xuất trên bản giấy như hiện nay.
Được biết, trong phần mềm có các chức năng quản lý tàu cá xuất cảng và ghi nhận dữ liệu ban đầu về tàu và thuyền viên; ghi chép sản lượng khai thác tại thời điểm đánh bắt thông qua thiết bị nhật ký điện tử; quản lý tàu vào cảng, cập nhật sản lượng khai thác; giám sát sản lượng qua cảng, cấp biên nhận bốc dỡ, mua cá tại cảng; cấp giấy xác nhận và giấy chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Đặc biệt, phần mềm này còn hỗ trợ ghi nhật ký khai thác và nhật ký chuyển tải sản phẩm khai thác trong môi trường không có internet, tự động đồng bộ khi tàu cập cảng và kết nối internet.
Theo ông Nguyễn Lại, Trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, việc áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử sẽ tạo điều kiện cho tàu cá xuất, nhập cảng nhanh chóng, xác nhận sản lượng và chứng nhận sản lượng cho doanh nghiệp cũng dễ dàng. Mặt khác, phần mềm này sẽ giúp ban quản lý rút ngắn thời gian xác nhận, chứng nhận, đáp ứng được nhu cầu cập/rời cảng của các tàu cá, tránh sai sót và nhầm lẫn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phan Văn Mỹ nhấn mạnh, việc triển khai “Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử” là rất quan trọng, cần thiết và bắt buộc phải thực hiện để đáp ứng các yêu cầu thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, chung tay cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Thời gian tới, các đơn vị, tổ chức có liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, chung tay phối hợp, tổ chức đồng bộ và hướng dẫn ngư dân thực hiện cài đặt, sử dụng hiệu quả phần mềm.
VĂN HOÀNG