Ngành công thương và các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; qua đó, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh thương mại.
Việc minh bạch trong thông tin, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa giúp cho người tiêu dùng an tâm khi lựa chọn sản phẩm. TRONG ẢNH: Công ty TNHH Thực phẩm Nhiên Tâm giới thiệu sản phẩm Bưởi non giòn Ngoon cho người tiêu dùng tại Hội chợ Xuân Đà Nẵng 2024. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Xử lý nhiều vụ vi phạm trên thị trường
Trong đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết, Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm trên địa bàn. Đơn cử, tại quận Liên Chiểu, vào tháng 1-2024, Đội Quản lý thị trường số 5 phát hiện hộ kinh doanh S.C.S (phường Hòa Hiệp Nam) bày bán các sản phẩm áo thun, áo khoác, quần dài có dấu hiệu giả mạo một nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm và hoàn thiện hồ sơ trình Cục QLTT thành phố ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh này theo quy định.
Tại quận Sơn Trà, Đội QLTT số 2 phát hiện tại cửa hàng L.S (phường An Hải Bắc) trưng bày các loại túi xách của các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Chanel… Qua kiểm tra sơ bộ, các sản phẩm trên có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo đối với nhãn hiệu có bảo hộ. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa và phối hợp với các đơn vị đại diện chủ sở hữu các nhãn hiệu trên tại Việt Nam để xác nhận hàng thật – hàng giả nhằm bảo đảm tính pháp lý, làm cơ sở xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Tại quận Thanh Khê, trong đợt cao điểm kiểm tra thị trường trước Tết (từ 20-11-2023 đến 1-2-2024), Đội QLTT số 3 đã tổ chức kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính hơn 100 vụ việc. Trong quá trình kiểm tra, đội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh, đơn vị về quyền lợi, trách nhiệm, tác hại, mức độ ảnh hưởng và các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thương mại. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức, cá nhân ký cam kết niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết; không bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; không vận chuyển, tàng trữ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không sản xuất, vận chuyển, tàng trữ kinh doanh hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Phối hợp thực hiện nhiều giải pháp
Tại các chợ trên địa bàn thành phố, việc bảo đảm nguồn gốc xuất xứ hàng hóa được ban quản lý chợ và các tiểu thương, hộ kinh doanh quan tâm, chú trọng.
Ông Phan Thành Thoại, Trưởng Ban quản lý chợ Cồn cho biết, trung bình mỗi ngày, chợ Cồn có khoảng 3.000 lượt khách tham quan, mua sắm và số lượt khách còn tăng mạnh trong các dịp lễ, Tết. Do vậy, vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, niêm yết giá cả và bán theo giá niêm yết… là nhiệm vụ thường xuyên được ban quản lý chợ triển khai, phối hợp với các đơn vị, lực lượng kiểm tra, giám sát. Đối với các mặt hàng có tem, nhãn của đơn vị sản xuất, ban quản lý yêu cầu các hộ kinh doanh dán tem phụ, có địa chỉ lô, quầy hàng tại chợ khi bán lẻ để người tiêu dùng được minh bạch, thông tin rõ ràng khi truy xuất nguồn gốc; chịu trách nhiệm về hàng hóa bán ra tại quầy.
Theo Sở Công Thương, trong năm 2024, sở tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; từng bước đưa ngày Quyền của người tiêu dùng (ngày 15-3) trở thành động lực, điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh.
Cụ thể, từ ngày 15 đến 17-3 năm nay, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng (số 9 Cách Mạng tháng Tám) diễn ra Chương trình quảng bá sản phẩm – Phát động ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2024 với quy mô 30 gian hàng của 30 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thương mại đặc trưng trên địa bàn.
Trong khuôn khổ chương trình, Cục QLTT thành phố phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố Đà Nẵng tổ chức “Gian hàng giới thiệu hàng giả, hàng thật” nhằm thông tin, tuyên truyền đến các nhà sản xuất, kinh doanh nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thông tin, phổ biến, tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng trên địa bàn thành phố tìm hiểu các chính sách pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, những vụ việc, hàng hóa vi phạm và thủ đoạn vi phạm.
VĂN HOÀNG