ĐNO – Ngày 26-2 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyển công tác Hoa Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh dẫn đầu đoàn công tác thành phố Đà Nẵng đến thăm, làm việc tại trụ sở của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tập đoàn công nghệ Intel.
Đoàn công tác lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đến thăm, làm việc với Trụ sở của Ngân hàng Thế giới tại Hoa Kỳ. Ảnh: PV |
Làm việc với WB, đoàn công tác thành phố Đà Nẵng giới thiệu môi trường đầu tư và những thế mạnh của địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao, đồng thời thành phố tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và vi mạch bán dẫn.
Qua đó cũng đề xuất WB có các giải pháp hỗ trợ việc đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại thành phố Đà Năng.
Chia sẻ với đoàn công tác, đại diện WB cho biết đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực giáo dục.
Hiện tại, WB đã đầu tư 400 triệu USD để hỗ trợ các đại học tại Việt Nam trong việc nâng cao cơ sở vật chất, trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ tài chính và năng lực quản lý. Trong số đó, có 100 triệu USD hỗ trợ Đại học Đà Nẵng.
Dự kiến trong thời gian sắp tới, WB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai 2 định hướng lớn: một là tư vấn cho Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về việc phát triển giáo dục nhằm nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam tới năm 2045; hai là hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng nguồn lực cho lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Trong đó, Đà Nẵng được WB đặc biệt quan tâm và hai bên thống nhất sẽ tổ chức họp thảo luận hợp tác sâu hơn vào giữa tháng 3 sau khi đoàn công tác hoàn tất chuyến đi tại Hoa Kỳ.
Đoàn công tác lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu Trụ sở của Ngân hàng Thế giới tại Hoa Kỳ. Ảnh: PV |
Ông Alex Twinomugisha, Trưởng nhóm Giáo dục công nghệ và đổi mới sáng tạo của WB, cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng để tư vấn chính sách nhằm hỗ trợ nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) cho các trường đại học trên địa bàn thành phố.
Ông cũng cho hay, Chủ tịch WB dự kiến sẽ đến thăm Việt Nam trong khoảng trung tuần hoặc cuối tháng 3-2024, đơn vị sẽ tạo điều kiện cho Đà Nẵng tiếp xúc trực tiếp và trao đổi các đề xuất hỗ trợ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh bày tỏ sự ghi nhận và trân trọng, đồng thời gửi lời mời Chủ tịch WB đến thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, đề xuất mở rộng dự án phát triển đào tạo STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán) cho học sinh phổ thông tại Đà Năng. Hai nội dung hợp tác này về STEM và đào tạo nhân lực bán dẫn được đánh giá là rất phù hợp với Đà Nẵng và phía thành phố sẽ tiếp tục cụ thể hóa và phát triển chúng trong thời gian sắp tới.
Đoàn công tác lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đến thăm, làm việc với Tập đoàn công nghệ Intel – Trụ sở tại Washington DC. Ảnh: PV |
*Tại Tập đoàn công nghệ Intel (trụ sở tại Washington DC), hai bên cùng thảo luận và thống nhất một số nội dung hợp tác cụ thể. Đà Năng được xác định là địa phương có cơ sở hạ tầng phù hợp để phát triển lĩnh vực này, đặc biệt là với Khu Công nghệ cao Đà Nẵng có quy mô lên đến 1.100ha – là một trong ba khu công nghệ cao cấp quốc gia.
Ngoài ra, Đà Nẵng còn có các khu công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin tập trung sẵn sàng phục vụ cho hoạt động của các doanh nghiệp đến thành phố đầu tư, nghiên cứu, phát triển AI.
Sự quan tâm của chính quyền thành phố đến việc phát triển nguồn nhân lực địa phương để đáp ứng nhu cầu của thị trường công nghệ được thể hiện thông qua việc thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) và liên minh 5 trường đại học hàng đầu Đà Nẵng về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Trong năm 2024, DSAC sẽ phối hợp với Tập đoàn Intel tổ chức các lớp đào tạo giảng viên (train the trainer) trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để tạo nguồn giảng viên cơ hữu, chủ động cho thành phố.
Chuyển công tác này cũng đánh dấu lần thứ hai thành phố Đà Nẵng thăm Hoa Kỳ (lần đầu tiên là vào tháng 11-2023) và là địa phương đầu tiên của Việt Nam tổ chức chuyến công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong năm 2024.
Hiện, thành phố đang nghiên cứu, xây dựng các chính sách thu hút chuyên gia, Việt kiều đến làm việc và có ý định đóng góp cho sự phát triển bán dẫn và AI của thành phố, thông qua việc miễn giảm thuế thu nhập và thuận lợi trong thủ tục cấp visa làm việc… Dự kiến, các chính sách này sẽ được thông qua trong tháng 6-2024.
Tập đoàn Intel ủng hộ mạnh mẽ cho hướng phát triển của Đà Nẵng và cam kết sẵn sàng hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc đào tạo nhân lực cần thiết phục vụ cho lĩnh vực này, trên cơ sở phát huy Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Intel và DSAC vào tháng 1-2024 vừa qua.
Ngoài ra, Tập đoàn Intel cũng giới thiệu và mời gọi các dự án nghiên cứu liên quan đến AI của các học sinh, sinh viên Đà Nẵng tham gia cuộc thi AI toàn cầu do Intel tổ chức.
Cuộc thi này không chỉ là một cơ hội để các nhà công nghệ trẻ giới thiệu các giải pháp AI, mà còn giúp phát triển kỹ năng AI và hợp tác giữa các thế hệ trẻ.
Đoàn công tác lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu Tập đoàn công nghệ Intel – Trụ sở tại Washington DC. Ảnh: PV |
Bà Sarah Kemp, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ quốc tế của Tập đoàn Intel, bày tỏ sự nhất trí với đề xuất của thành phố cũng như thể hiện cam kết của Intel đối với hợp tác này.
Hợp tác giữa Đà Nẵng và Intel không chỉ là một bước tiến quan trọng trong xây dựng nguồn nhân lực chuyên môn đủ tiêu chuẩn đáp ứng thị trường công nghệ, mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.
Việc này không chỉ tạo ra cơ hội việc làm cho địa phương mà còn tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp địa phương hợp tác và tiếp cận công nghệ hiện đại.
Được biết, sau chuyến làm việc với Tập đoàn công nghệ Intel tại Washington DC, trong khuôn khổ chuyển công tác lần này, đoàn công tác thành phố sẽ có buổi làm việc cụ thể với Tập đoàn Intel tại trụ sở chính Santa Clara để thống nhất chi tiết chương trình và cách thức triển khai nội dung đào tạo phát triển nguồn nhân lực AI tại Đà Năng trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
PV