Mặt bằng lãi suất cho vay giảm dần là điều kiện để các ngân hàng trên địa bàn thành phố đẩy mạnh cho vay sản xuất và kinh doanh ngay sau Tết Nguyên đán, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng.
Khách hàng đến giao dịch tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh nam Đà Nẵng. Ảnh: MAI QUẾ |
Ghi nhận đến giữa tháng 2-2024, lãi suất huy động (tiền gửi) trên địa bàn ở mức: không kỳ hạn và dưới 1 tháng khoảng 0,1-0,5%/năm; 1 tháng đến dưới 6 tháng 3-4%/năm; 6 tháng đến 12 tháng 4-5%/năm và từ trên 12 tháng 4,5-5,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-6,5%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa Việt Nam đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4%/năm; lãi suất cho vay trung dài hạn phổ biến ở mức 8 – 9,5%/năm. So với cuối tháng 12-2023, lãi suất cho vay đã giảm 0,5%/năm ở các kỳ hạn. Nhìn chung, các ngân hàng thương mại tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp.
Ông Trần Đình Chánh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) – chi nhánh Nam Đà Nẵng thông tin, chi nhánh đang triển khai các gói cho vay ưu đãi như: cho vay ngắn hạn khách hàng cá nhân phục vụ sản xuất kinh doanh lãi suất 4,6-6,8%/năm; cho vay khách hàng cá nhân đầu tư, sản xuất kinh doanh chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) 3-5 sao với lãi suất ngắn hạn 4,1-6,3%/năm, trung và dài hạn 7,2-9%/năm; cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ lãi suất 4,9-6,8%/năm; cho vay ưu đãi các dự án đầu tư dành cho doanh nghiệp khoảng 6-6,8%/năm. Theo ông Chánh, các chương trình trên đều thấp hơn cho vay thông thường 1,5-2%/năm, qua đó giúp khách hàng tối ưu chi phí và kịp thời bổ sung nguồn vốn phục vụ cho các kế hoạch kinh doanh sắp tới.
Bà Đinh Thị Kim Ngân, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) – chi nhánh Sông Hàn cho biết, từ nay đến ngày 30-4-2024, khách hàng vay sản xuất kinh doanh, tiêu dùng sẽ được VietinBank hỗ trợ mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,7%/năm với khoản vay ngắn hạn, mức lãi suất cho vay từ 6,4%/năm với khoản vay trung, dài hạn. Bên cạnh đó, trong năm 2024, Vietinbank triển khai gói vay tài chính xanh Green up dành cho các dự án mang lại lợi ích về môi trường và xã hội thuộc các lĩnh vực như năng lượng xanh, xuất khẩu xanh (dệt may, vải, da giày, cà phê, gạo, gỗ, thủy sản), công trình xanh… với lãi suất 5,8%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và từ 6,2%/năm đối với khoản vay trung dài hạn.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – chi nhánh Đà Nẵng, mặt bằng lãi suất tính đến ngày 31-12-2023 giảm đáng kể so với năm 2022 (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân giảm khoảng hơn 2,5%/năm) và dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024. Bên cạnh đó, dư nợ cho vay của 5 lĩnh vực ưu tiên tại địa phương lũy kế đến nay: lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 10.163 tỷ đồng, chiếm 4,62%; lĩnh vực xuất khẩu đạt 2.729 tỷ đồng, chiếm 1,24%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 1.551 tỷ đồng, chiếm 1,16%; doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 57.654 tỷ đồng, chiếm 26,23%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 25 tỷ đồng, chiếm 0,01% trên tổng dư nợ. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Công văn số 117/NHNN-CSTT ngày 7-2-2024 yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về vấn đề lãi suất và báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân.
Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – chi nhánh Đà Nẵng thông tin, để thúc đẩy tín dụng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đang tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đẩy mạnh thực hiện chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình 15.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản và cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23-4-2023, qua đó hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội địa phương, đồng thời, kiểm soát chặt tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Bên cạnh các giải pháp của ngành ngân hàng, ông Võ Minh cho rằng cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành nhằm kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; khai thác thị trường nội địa; cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xử lý các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, , bền vững…
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – chi nhánh Đà Nẵng, lũy kế từ khi triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN đến tháng 11-2023, doanh số cho vay đạt 3.512 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất đạt 19,3 tỷ đồng cho 92 lượt khách hàng. Lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (từ ngày 24-4-2023 đến 30-11-2023) theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN là 4.861 tỷ đồng, với 502 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. |
MAI QUẾ