Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp tiếp tục giữ đà phục hồi từ tháng 11 năm 2023, đạt 11,2 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Sản xuất nội thất tại Công ty trách nhiệm hữu hạn nội thất Mạnh Hệ, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN) |
Trong bức tranh chung của nền kinh tế, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6-6,5%, ngay trong tháng đầu năm, những tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế dù mới chỉ là bắt đầu nhưng đã dần xuất hiện; nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường và sự lạc quan đã quay trở lại, tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay.
Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng đầu năm 2024 đạt 27.335 doanh nghiệp, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023, gấp hơn 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2023 (20.891 doanh nghiệp).
Cụ thể, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đầu tiên của năm 2024 đạt 13.536 doanh nghiệp, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Đây là số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong tháng đầu tiên của năm cao nhất từ trước đến nay, gấp 1,3 lần so với bình quân doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1 giai đoạn 2018-2023 (10.522 doanh nghiệp). Con số này tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Điểm sáng thứ hai là quy mô vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp tiếp tục giữ đà phục hồi từ tháng 11 năm 2023, đạt 11,2 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Điều này phần nào cho thấy các chính sách của Chính phủ giúp doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn từ nửa cuối năm 2023 tiếp tục phát huy hiệu quả, tăng niềm tin cho doanh nghiệp khi quyết định bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1-2024 là 370.101 tỷ đồng (giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 151.451 tỷ đồng (tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2023).
Tuy nhiên, số liệu cũng ghi nhận doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 1-2024 lên tới 43.925 doanh nghiệp, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2023 và là mức cao nhất trong tháng đầu tiên của năm từ trước tới nay.
Tính cả các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, giải thể, thì trong tháng 1-2024 có 53.888 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù, tháng 1 hàng năm là thời điểm thường có số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn thường tăng cao so với các tháng còn lại trong năm do doanh nghiệp thường lựa chọn thời gian tạm ngừng vào thời điểm đầu năm tài chính.
Tuy nhiên, Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh nhận định. những khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp từ năm 2023 vẫn còn hiện hữu.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 1-2024 là 13.799 doanh nghiệp, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 6/17 lĩnh vực, cụ thể: kinh doanh bất động sản có 645 doanh nghiệp, tăng 29,3%; Thông tin và truyền thông có 355 doanh nghiệp, tăng 11,6%; Công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.758 doanh nghiệp, tăng 6,9%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản có 216 doanh nghiệp, tăng 5,9%…
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1 năm 2024 có sự gia tăng mạnh mẽ, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023 và 31,8% so với tháng 12 năm 2023.
Ông Hà Mạnh Cường, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hamakyu nhìn nhận, nhiều cơ hội đang mở ra đối với doanh nghiệp; trong đó, có cơ hội mở rộng thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do như: CPTPP, EVFTA… Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng các cam kết tại các FTA đã ký kết, đẩy nhanh việc ký kết các FTA đang đàm phán và nghiên cứu các thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời, cảnh báo và cập nhật những thông tin mới nhất về các biện pháp phòng vệ thương mại, các tiêu chuẩn, kỹ thuật mới của các đối tác xuất khẩu.
Thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, nhất là thông qua các nền tảng số và thương mại điện tử.
Còn ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam lạc quan nhận định ngành dệt may Việt Nam sẽ xác lập xu hướng phục hồi, với kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.
Gần đây, nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là ngành bán dẫn. Tờ báo Globely News (Mỹ) nhận định, Việt Nam rất có tiềm năng để trở thành con hổ châu Á tiếp theo.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam đứng thứ 20 trong danh sách các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2024…
Đối với công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có lợi thế về quy mô dân số, sự tham gia đầu tư của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới (Samsung, LG, Foxconn, Panasonic, Canon…); có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các cường quốc bán dẫn như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, là điều kiện thuận lợi cho thị trường công nghiệp chip bán dẫn.
Từ những yếu tố này, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh cho rằng, có thể hy vọng vào tín hiệu tích cực của hoạt động đăng ký thành lập doanh nghiệp trong năm 2024.
Nhằm phát triển và khơi dậy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh đón làn sóng mới đầu tư vào những lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết hiện, có nhiều quỹ đầu tư tiếp cận thị trường Việt Nam, nhưng Việt Nam còn thiếu những doanh nghiệp đạt chuẩn về quản trị, về công khai minh bạch chất lượng sản phẩm, tính liên kết kém, thiếu kỹ năng biến sản phẩm của mình trở thành thế mạnh để thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư.
“Do vậy, các doanh nghiệp cần phải chú trọng khâu nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm và thay đổi trong các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu, xu hướng của thị trường trong và ngoài nước,” Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Việt Anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đơn hàng giảm, doanh nghiệp cần giảm chi phí kinh doanh.
Hiện tại ở nhiều nơi, nhiều chỗ vấn đề chi phí kinh doanh rất cao, nên những giải pháp để giảm chi phí kinh doanh cần phải phát huy triệt để, cần có gói giải pháp tổng thể cho việc giảm chi phí kinh doanh này.
“Mặt khác, rất nhiều doanh nghiệp cảm nhận được khi thực hiện thủ tục hành chính ở các địa phương hiện nay đó là đang có tâm lý đình trệ, chờ đợi khá phổ biến. Vì vậy, cần thúc đẩy, tạo lập được không khí thực thi tốt hơn nữa ở nhiều cấp. Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Chính phủ và bộ máy chính quyền các cấp đó là đẩy mạnh nâng cao chất lượng thực thi. Đây là yếu tố thực sự quan trọng trong năm 2024 cũng như thời gian tới,” ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nỗ lực thực hiện các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước; đồng thời, chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp; chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để biến thách thức thành cơ hội; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Về phía các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất, cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng; đồng thời, đề xuất với Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để phát triển doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.
Theo TTXVN