Thời điểm này, nông dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang tất bật, tập trung sản xuất, chăm bón rau màu, tích cực tái đàn gia súc, gia cầm; qua đó, chủ động nguồn cung, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Nông dân tích cực tập trung sản xuất nông nghiệp, chăm sóc giống rau, hoa màu cuối năm. TRONG ẢNH: Nhân công đang chăm sóc hoa tại một vườn hoa ở phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ). Ảnh: VĂN HOÀNG |
Sản xuất, tái đàn theo nhu cầu của thị trường
Gà thả vườn Kê Sơn của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) là một trong những sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố. Dự kiến, trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, HTX sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 3.000 con gà. Theo ông Nguyễn Sĩ, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1, tình hình chăn nuôi trong năm gặp khó khăn do nhiều yếu tố, ảnh hưởng đến số lượng gà cung cấp.
Trước nhu cầu của người dân dự báo tăng cao, các hộ chăn nuôi trong khu vực đã mạnh dạn tái đàn từ khoảng 2 tháng trước để bảo đảm trọng lượng, chất lượng thịt. Dự kiến, giá thịt gà dịp cận Tết sẽ duy trì ở mức ổn định từ 90.000-100.000 đồng/kg đối với gà tươi sống và 140.000-150.000 đồng/kg gà đã qua sơ chế. Trong quá trình chăn nuôi, các hộ đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm dịch, chăm sóc, sử dụng thức ăn toàn bộ từ thiên nhiên nên chất lượng được bảo đảm.
Còn chị Phạm Thị Phương (thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) chỉ tái đàn với số lượng 40 con heo. So với 3 tháng trước, đàn heo của chị đã giảm hơn một nửa. Theo chị Phương, các hộ chăn nuôi khác trong vùng vẫn có tâm lý lo sợ dịch bệnh bùng phát vào dịp cuối năm. Mặt khác, hiện nay giá heo hơi ở mức 48.000-50.000 đồng/kg, giảm từ 5.000-7.000 đồng/kg so với mức giá thu mua vào tháng 8 nên nhiều người cũng lo ngại khi tái đàn. Tương tự, ông Phan Nghĩa (cùng thôn Phú Sơn Nam) tỏ ra bất an vì bệnh dịch trên gia súc và gia cầm vẫn diễn biến phức tạp. Được biết, gia đình ông đang nuôi khoảng 100 con heo theo hình thức bán cuốn chiếu và 400 con gà được tái đàn cách đây 2 tháng.
Vụ Tết năm nay, ông Nghĩa dự kiến xuất bán khoảng 20 con heo và toàn bộ số lượng gà thả vườn đang nuôi. Theo ông Nghĩa, việc chăm sóc đàn vật nuôi trong thời điểm này rất quan trọng, người dân cần quan sát kỹ các dấu hiệu để kịp thời xử lý, tránh dịch bệnh ảnh hưởng, lây lan toàn đàn. “Đợt rồi, gà của tôi có dấu hiệu nhiễm bệnh CRD (bệnh hô hấp mãn tính ở gà) nên thiệt hại 1/3 tổng đàn. May mắn tôi xử lý kịp thời nên đàn gà còn lại vẫn đang phát triển khỏe mạnh. Mong rằng vụ chăn nuôi năm nay sẽ mang lại thành công hơn năm ngoái”, ông Nghĩa cho hay.
Trong khi đó, nông dân tại các vùng sản xuất rau sạch trên địa bàn thành phố cũng luôn tay tất bật chăm bón, sản xuất vụ rau phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm. Tại vùng sản xuất rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), trên diện tích 8ha, 40 hộ nông dân đang tích cực xuống giống các loại rau, củ, quả… Dự kiến sản lượng tiêu thụ của vùng rau cho thị trường Tết là 2-3 tấn rau, củ, quả các loại.
Tại vùng rau La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), từ ngày 23-10 âm lịch, nông dân đã xuống giống nhiều loại nông sản, tập trung các loại rau chủ lực như: súp lơ, tần ô, xà lách, mồng tơi, rau gia vị… với thời gian thu hoạch từ 25-60 ngày. Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc HTX Sản xuất rau an toàn La Hường cho biết, khoảng 7,5ha diện tích được nông dân cày xới, gieo trồng trở lại sau các đợt mưa lớn. Dịp này, thời tiết ổn định, ít mưa nên các loại rau sinh trưởng và phát triển tốt nên kỳ vọng nguồn nông sản sắp tới sẽ dồi dào, phong phú với giá cả ổn định.
Ông Phan Nghĩa, trú thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương chăm sóc đàn heo để bán trước Tết. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Bảo đảm an toàn dịch bệnh
Ông Nguyễn Kế Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương thông tin, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn hiện khá ổn định, có thể đáp ứng nhu cầu cho thị trường Tết năm nay. Tuy nhiên, việc tái đàn gặp nhiều khó khăn do các hộ dân còn lo ngại dịch bệnh, dẫn đến tổng đàn heo chăn nuôi trên địa bàn xã giảm. Hơn nữa, do các địa phương lân cận có dịch tả heo châu Phi, tiềm ẩn nguy cơ cao nhiễm bệnh nên xã đã vận động và tuyên truyền bà con tái đàn heo theo nhu cầu của thị trường; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học để đạt được mục tiêu giữ vững vùng an toàn dịch bệnh động vật từ nay đến năm 2025.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, tính đến nay, tổng đàn heo trên địa bàn huyện khoảng 16.808 con; trong đó, các địa phương có đàn heo lớn gồm: xã Hòa Phú 4.463 con, xã Hòa Khương 3.277 con, xã Hòa Tiến 2.430 con, xã Hòa Bắc 2.420 con… Đối với gia cầm, toàn huyện có hơn 142.765 con gà, trong đó, gà đẻ là 39.040 con; vịt, ngan, ngỗng khoảng 14.410 con.
Theo Chi cục Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm được triển khai, kiểm soát rất chặt chẽ; không xảy ra các loại bệnh nguy hiểm ở động vật trên địa bàn thành phố. Chi cục đã cho tiêm vắc-xin lở mồm long móng ở trâu, bò 2 đợt năm 2023 với số lượng tiêm được là 9.341 con; vắc-xin phòng bệnh H5N1 cho gia cầm với tổng số lượng 320.953 con.
Ông Đoàn Văn Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp cho biết, thời gian đến, đơn vị sẽ tiếp tục công tác phòng, chống dịch bệnh động vật toàn thành phố; kiểm tra, đánh giá điều kiện duy trì vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh cúm gia cầm và lở mồm long móng trên địa bàn huyện Hòa Vang; đồng thời, theo dõi, hướng dẫn sản xuất cây trồng vụ đông 2023 và triển khai công tác chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2023-2024; vận động và hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, hữu cơ sinh thái bền vững, ứng dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp và hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn và hiệu quả. Chi cục cũng khuyến cáo người dân, các địa phương thường xuyên theo dõi, chăm sóc đàn vật nuôi để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, bảo đảm nguồn cung ổn định về số lượng và chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu cho thị trường.
VĂN HOÀNG – TRẦN TRÚC