Năm 2023, mặc dù đối mặt với bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và cả nước, các vấn đề nội tại của địa phương, song, Đảng bộ, chính quyền thành phố cùng với nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã quyết tâm vượt qua trở ngại, thách thức để triển khai thực hiện Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ chủ đề năm 2023. Nhân dịp năm mới 2024, Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh về những thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội, cũng như các cơ hội mở ra cho Đà Nẵng trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh. |
Quy mô nền kinh tế tăng gần 10.000 tỷ đồng
* Thưa Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, năm 2023, thành phố Đà Nẵng chọn chủ đề “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư; giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Nhìn lại một năm nền kinh tế đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do ảnh hưởng sau dịch bệnh, thiên tai…, Đà Nẵng đã đạt được những kết quả nổi bật gì?
– Với quyết tâm thực hiện cao nhất mục tiêu đề ra, lãnh đạo thành phố đã tập trung chỉ đạo, điều hành các sở, ban, ngành, quận, huyện tham mưu nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy các lĩnh vực thế mạnh của địa phương tiếp tục phát triển (du lịch, giao thông vận tải, công nghệ thông tin,…); ban hành nhiều quy định, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các vấn đề tồn tại nhiều năm; tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ. Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương vừa làm tốt nhiệm vụ thường xuyên, vừa xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh và các nhiệm vụ tồn đọng từ các năm trước, bảo đảm thích ứng với bối cảnh mới.
Kết quả dự báo tổng mức tăng trưởng năm 2023 là 2,58% trên nền tăng trưởng cao năm 2022 là 14,05%; quy mô nền kinh tế tăng gần 10.000 tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó, nổi bật cụ thể là các lĩnh vực: dịch vụ tiếp tục là điểm sáng đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Một số ngành dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá trên nền tăng trưởng rất cao của năm trước như: doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 6,2% (năm 2022 tăng 15%); doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tăng 44,5% so với năm 2022 (năm 2022 tăng 94,5% so với năm 2021).
Thành phố đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế, trong đó phối hợp xã hội hóa tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng 2023, Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng và Giải Golf Phát triển châu Á – BRG Open Golf Championship Danang 2023, Cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng Manulife 2023… cùng với các sự kiện, sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn khác diễn ra liên tục, thu hút đông đảo du khách đến Đà Nẵng.
Thành phố đã tích cực làm việc với các quốc gia và các hãng hàng không, đến nay đã khôi phục 15 đường bay quốc tế thường kỳ, 11 đường bay quốc tế thuê chuyến, 8 đường bay nội địa và trong năm 2023 đã mở mới đường bay đến Macau (Trung Quốc), Nhật Bản, Lào, Trung Quốc và Philippines. Doanh thu vận tải, kho bãi, bưu chính ước tăng 31,6% (năm 2022 tăng 42,4%); doanh thu ngành thông tin – truyền thông năm 2023 ước tăng 8,1% so với năm 2022; kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước tăng 12%.
Thành phố tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, thực hiện cấp mới và điều chỉnh cho 40 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 46.698,5 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2022 là 11.722,9 tỷ đồng) và 181 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI (cùng kỳ 2022 thu hút 133,4 triệu USD). Ước cả năm 2023, tổng vốn đầu tư trong nước đạt khoảng 60.000 tỷ đồng, thu hút FDI đạt hơn 200 triệu USD, nhờ tích cực tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư cũ với tổng số vốn tăng thêm trên 47.500 tỷ đồng. Thành phố tập trung xử lý tốt các vấn đề an sinh – xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội; giải quyết việc làm đạt 104,3% kế hoạch; hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn thành phố thoát nghèo đạt 100,14% kế hoạch. Tình hình quốc phòng, an ninh trật tự được bảo đảm, không xảy ra điểm nóng; trật tự an toàn giao thông được duy trì, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài.
Thành phố đã thực hiện sơ kết 3 năm Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sắc đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; qua đó đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 119/2020/QH14 nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù mới, tạo động lực phát triển thành phố trong giai đoạn đến và đã được Quốc hội thống nhất chủ trương.
Ngay từ đầu năm, thành phố đã tập trung nhiều giải pháp, kế hoạch triển khai thực hiện, qua đó hoàn thành đầu tư, đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát điều hành đa nhiệm (IOC, giai đoạn 1); tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương giải quyết vướng mắc để đưa vào vận hành Khu công viên phần mềm số 2. Trong năm, thành phố đạt được nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế về thành phố thông minh, chuyển đổi số như: Cổng Dịch vụ công thành phố được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xếp loại A; Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số ICT Index 2022; lần thứ 4 liên tiếp nhận Giải thưởng Cơ quan Nhà nước Chuyển đổi số xuất sắc và Giải thưởng Thành phố thông minh; đạt giải “Top Công nghệ 4.0 Việt Nam – Hạng mục Top tổ chức/địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và Chuyển đổi số…
Du khách thích thú chụp hình tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: THU HÀ |
* Với những kết quả trên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, thành phố đã nhận diện những thời cơ và thách thức, khó khăn cho sự phát triển của Đà Nẵng như thế nào, thưa ông?
– Đà Nẵng với điều kiện hiện hữu là một trung tâm giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ và y tế của cả vùng, nơi tập trung đội ngũ trí thức đông đảo nhất của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây là một ưu thế để Đà Nẵng chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ thâm dụng đất đai và lao động sang mô hình tăng trưởng dựa trên tri thức, tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo có giá trị gia tăng cao phục vụ cho cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Trong giai đoạn tới, địa phương sẽ phải đối diện với những thách thức về kết nối với thị trường toàn cầu, về năng lực cạnh tranh, thu hút FDI, thị trường kinh tế có quy mô nhỏ, dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thiên tai và các tác động không lường trước được (như Covid-19…). Vị thế cảng biển Đà Nẵng cũng bị cạnh tranh với các cảng biển dọc theo khu vực miền Trung của các địa phương phía bắc và phía nam của Đà Nẵng. Hệ thống đường sắt cao tốc Bắc – Nam thúc đẩy giao thương thuận lợi giữa các địa phương trong vùng sẽ làm giảm vị thế của Đà Nẵng nếu không sớm chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển về kinh tế trí thức, là trung tâm cung cấp các dịch vụ khoa học kỹ thuật, công nghệ mang lại giá trị gia tăng cao của cả vùng.
Mặt khác, nhiều rủi ro cản trở đà tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn đang hiệu hữu và một số có xu hướng gia tăng được coi là hệ lụy sau dịch bệnh, chiến tranh thương mại, sự điều chỉnh lại chiến lược nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài của các nước lớn làm thay đổi các chuỗi cung ứng, xu hướng đan xen giữa tự do hóa thương mại với bảo hộ mậu dịch, gia tăng chủ nghĩa dân tộc, chiến tranh thương mại, chống toàn cầu hóa, rủi ro tài chính,… khiến tăng trưởng kinh tế thế giới nhiều khả năng sẽ chậm lại, tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế – xã hội cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.
Những diễn biến không thuận lợi của kinh tế thế giới sẽ tác động nhiều chiều, mạnh và nhanh đến sự phát triển mọi mặt của thành phố. Chính sách phát triển hạ tầng từ huy động đầu tư vốn và nguồn lực đất đai gần như hết dư địa phát triển; cách thức tổ chức quản lý kinh tế không còn phù hợp với một nền kinh tế đô thị phát triển nhanh dựa vào dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao; chưa có cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển; thời gian thẩm tra, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư ngoài ngân sách còn tương đối dài. Ngoài ra, các vấn đề nhân lực, hạ tầng đô thị, đất đai, khí hậu, môi trường… cũng là những thách thức tác động không nhỏ đến đời sống xã hội đòi hỏi phải có sự chuyển hướng kịp thời, đổi mới và thích ứng để tạo ra những đột phá cho thành phố Đà Nẵng.
Thiết kế chip bán dẫn, sản xuất và lắp ráp máy tính bảng tại Công ty CP EMS Trung Nam (Trung Nam Group) – Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: ĐĂNG KHIÊM |
Diện mạo đô thị tầm cỡ trong tương lai
* Cuối tháng 11-2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này mở ra cơ hội gì để Đà Nẵng bứt phá hơn nữa trong thời gian tới?
– Đà Nẵng là thành phố đầu tiên trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương được phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh; đã tổ chức lễ công bố quy hoạch và đang lập kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, đến nay đã phê duyệt và trình phê duyệt 2/9 đồ án phân khu đô thị: đồ án Ven sông Hàn và bờ Đông; đồ án Đô thị huyện lỵ Hòa Vang… Về điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế – chính trị, liên kết vùng, việc phát triển và hợp tác khu vực tiểu vùng sông Mê Kông dựa trên hành lang kinh tế Ðông – Tây, Hành lang kinh tế Đông – Tây 2 kết nối Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với Lào, Thái Lan, Myanmar là một dư địa phát triển vô cùng lớn cho thành phố Đà Nẵng và vùng miền Trung và Tây Nguyên.
Nếu hệ thống giao thông đường bộ kết nối nội vùng, liên vùng được nâng cấp và hoàn thiện và đạt được các thuận lợi về thủ tục hải quan xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và các điều kiện thông quan từ cả phía Lào với Thái Lan và xa hơn là Myanmar thì Đà Nẵng sẽ thu hút được lượng du khách lớn và thúc đẩy giao lưu hàng hóa của các thị trường này với các thị trường khu vực Đông Bắc; khi đó, cảng Đà Nẵng trở thành cửa biển chính hướng ra Thái Bình Dương của cả vùng miền Trung và Tây Nguyên…
Tác động tích cực từ xu thế hợp tác, liên kết vùng ở khu vực Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hiệu ứng từ sự phát triển kinh tế – xã hội nhanh của các vùng lân cận tạo điều kiện cho Đà Nẵng trong việc mở rộng không gian kinh tế vượt khỏi không gian hành chính chật hẹp của thành phố. Đà Nẵng là đô thị hạt nhân của chuỗi đô thị Huế – Đà Nẵng – Chu Lai, Kỳ Hà (Quảng Nam) – Dung Quất (Vạn Tường) – Quy Nhơn, hình thành vùng đô thị Đà Nẵng bao gồm Chân Mây (Lăng Cô) – Đà Nẵng- Điện Bàn – Hội An – Nam Hội An.
Liên kết trong quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị, tạo không gian đô thị đồng bộ, hiện đại, tạo sự liên kết mang tính hệ thống giữa Đà Nẵng và các địa phương, tạo động lực để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Khu vực này có thể đóng vai trò là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm và dịch vụ của Đà Nẵng; là đối tác chính cho thương mại và hợp tác giữa Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam và khu vực Đông Dương rộng lớn hơn.
Thành phố Đà Nẵng cũng nhận được sự ủng hộ của Trung ương để trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị chính là định hướng nền tảng cho sự phát triển của thành phố trong tương lai. Bên cạnh đó, Đà Nẵng và các địa phương vùng miền Trung là khu vực có vị trí trọng yếu của cả nước về kinh tế biển và an ninh trên biển, do vậy sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của Trung ương trong những hành động phối kết hợp liên tỉnh để thực hiện có hiệu quả những phương án vừa phát triển kinh tế biển, vừa bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên biển.
Hiện nay, kinh tế thế giới đang phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn, sáng tạo, bền vững và dựa trên những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; sự kết nối phát triển giữa các quốc gia, giữa các ngành lĩnh vực đang ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn. Cơ cấu kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục chuyển dịch theo hướng dịch vụ, Chính phủ sẽ huy động các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để nâng cấp, xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phục vụ phát triển dịch vụ, một trong các đầu mối dịch vụ quy mô lớn về thương mại, du lịch, tài chính và logistics sẽ được hình thành tại thành phố Đà Nẵng.
Việc phát triển đô thị sân bay là xu hướng phát triển tương lai, do đem lại các lợi ích khả quan về kinh tế, xã hội, môi trường, bản sắc… cho thành phố và cả khu vực, đây chính là cơ hội phát triển mới cho sân bay quốc tế Đà Nẵng với vị trí thuận lợi nằm ở trung tâm thành phố. Đà Nẵng cũng có những điều kiện hết sức thuận lợi để thúc đẩy phát triển thành một đô thị thông minh.
Sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ, kinh tế chia sẻ, kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có thể tạo ra những đột phá hỗ trợ đà tăng trưởng của kinh tế thành phố Đà Nẵng. Tất cả các yếu tố đã phân tích ở trên là cơ sở để khẳng định Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ đem lại cho địa phương một diện mạo đô thị tầm cỡ trong tương lai.
* Đà Nẵng xác định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghiệp chip bán dẫn là hai hệ sinh thái ưu tiên đầu tư phát triển. Vậy định hướng phát triển hai lĩnh vực mới này của thành phố cụ thể như thế nào, thưa ông?
– Về lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030 “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”. Tầm nhìn đến năm 2045, “Thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”.
Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian qua, thành phố đã tập trung xây dựng, kiến tạo, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của thành phố. Nhiều văn bản pháp lý quan trọng được ban hành tạo cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động KNĐMST trên địa bàn thành phố. Với các kết quả đạt được, năm 2023, thành phố Đà Nẵng đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam hạng mục Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do VINASA trao tặng. Đây là lần thứ 3 thành phố Đà Nẵng nhận được giải thưởng này. Đà Nẵng cũng được Bộ Khoa học và Công nghệ vinh danh là địa phương có đóng góp nổi bật cho hệ sinh thái KNĐMST.
Về công nghiệp chip bán dẫn, phải nhìn nhận rõ để phát triển lĩnh vực này, trong đó KHĐMST cho lĩnh vực này là hết sức cần thiết và mang tính đột phá nhằm tạo ra các giá trị mới vượt bậc, tạo điều kiện để người Việt Nam làm chủ công nghệ với sản phẩm Make In Danang. Tại kế hoạch về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 đã xác định ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch. Mục tiêu đến năm 2030: kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố; đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu 7 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm.
Đến nay, Đà Nẵng có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số (trung bình 2,3 doanh nghiệp công nghệ/1.000 dân, đứng thứ 2 toàn quốc và gấp 3 lần trung bình toàn quốc); có 46.000 nhân lực công nghệ số. Đà Nẵng cũng định hướng tiếp cận tham gia vào chuỗi sản xuất vi mạch, bán dẫn toàn cầu dựa trên nguồn nhân lực là yếu tố quyết định và ưu tiên phát triển nhân lực cho khâu thiết kế và khâu kiểm thử, đóng gói và cần tập trung thị trường quốc gia để xuất khẩu và thu hút các doanh nghiệp…
Đối với nguồn nhân lực xác định đào tạo bổ sung, đào tạo lại là nhiệm vụ cần chú trọng bên cạnh đào tạo mới, trong đó tập trung cho 3 nhóm nhân lực gồm: đào tạo ngắn hạn đội ngũ giảng viên thông qua các hỗ trợ của các hãng để hình thành nhân lực lõi lâu dài phục vụ cho công tác đào tạo kỹ năng; đào tạo các kỹ sư đã và vừa mới ra trường nắm sử dụng các công cụ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế để đào tạo nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp địa phương, trong nước và quốc tế; thu hút chuyên gia có kinh nghiệm đã thành công, đặc biệt là Việt kiều về thành phố để làm việc, chuyển giao tri thức.
Để phát triển Đà Nẵng thành một trung tâm KNĐMST, thành phố tập trung thực hiện một số nội dung như: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hệ sinh thái KNĐMST; tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc triển khai sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó, có nội dung đề xuất áp dụng cơ chế, chính sách cho thành phố Đà Nẵng. Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù trình Quốc hội, trong đó có các cơ chế, chính sách đặc thù cho KNĐMST. Xây dựng và triển khai Đề án Đà Nẵng – Thành phố Đổi mới sáng tạo làm cơ sở để triển khai các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố.
Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ KNĐMST. Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại Trung tâm Hỗ trợ KNĐMST Đà Nẵng, khu ươm tạo tại Khu Công nghệ cao, xây dựng và ban hành cơ chế vận hành Không gian đổi mới sáng tạo tại Khu Công viên phần mềm số 2,…; tiếp tục phối hợp với Bộ KH&CN về thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng và triển khai các hoạt động có liên quan.
Thứ ba, hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp KNĐMST; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ KNĐMST của thành phố, ưu tiên hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp KNĐMST trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, nghiên cứu thiết kế chip bán dẫn,…; đồng thời, triển khai các hoạt động về Đề án hỗ trợ đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, phụ nữ khởi nghiệp…
Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về KNĐMST trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiếp tục tổ chức các sự kiện, cuộc thi về KNĐMST để xây dựng văn hóa, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng và kết nối mạnh mẽ mạng lưới KNĐMST thành phố và mạng lưới quốc gia, quốc tế.
Thứ năm, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực KNĐMST; mở rộng hợp tác với các hệ sinh thái KNĐMST của các địa phương trong nước và quốc tế, tổ chức các chương trình, sự kiện kết nối đầu tư để thu hút các quỹ đầu tư, chuyên gia, các dự án, doanh nghiệp KNĐMST, các đối tác tiềm năng; xây dựng thương hiệu Đà Nẵng thành điểm đến quốc tế về KNĐMST trong khu vực.
Tạo bứt phá hoàn thành kế hoạch 5 năm
* 2024 được xem là năm có ý nghĩa rất quan trọng thực hiện các mục tiêu nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, thành phố sẽ định hướng chỉ đạo và triển khai các giải pháp quan trọng, đột phá nào?
– Thành phố chọn chủ đề của 2024 là năm “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được cần phát huy, cũng như công tác dự báo tình hình trong nước và quốc tế thành phố sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; sớm hoàn thành việc xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển thành phố theo mục tiêu Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII đã đề ra.
Thành phố sẽ tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công; phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, triển khai mạnh mẽ chuyển đối số trong tất cả các ngành, lĩnh vực; phát triển du lịch bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Đà Nẵng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư xây hạ tầng các cụm công nghiệp, khu công nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, các dự án lớn có tác động lan tỏa.
Cùng với thành phố, các sở, ban, ngành và nhân dân đồng tâm triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Đề án thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” gắn với chương trình thành phố “5 không”, “3 có” nhằm bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; giữ vững và tăng cường an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước; thực hiện tốt công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế; thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư – xây dựng cơ bản, quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường, thu – chi và điều hành ngân sách nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, tập trung công tác xây dựng chính quyền phát triển các lĩnh vực.
Đối với thành phố Đà Nẵng, năm 2024 được xác định là năm cần tạo ra bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025; bên cạnh việc Trung ương kịp thời ban hành các chính sách nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thành phố cũng đề xuất Trung ương bổ sung một số cơ chế chính sách đặc thù hơn đối với thành phố Đà Nẵng, hoàn thành lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật… Năm 2024, thành phố phấn đấu tăng trưởng kinh tế 8-8,5% và sẽ nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện các mục tiêu đề ra.
* Trân trọng cảm ơn Chủ tịch UBND thành phố đã trả lời phỏng vấn!
DUYÊN ANH thực hiện