Trước dự báo nhu cầu, sức mua của người dân sẽ tăng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối đang tập trung chuẩn bị nguồn cung nhằm không để xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn hàng, gây biến động mạnh về giá. Các đơn vị chức năng cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường.
Bên cạnh việc chuẩn bị hàng hóa, nhiều chương trình, sự kiện khuyến mãi sẽ được tổ chức nhằm kích cầu mua sắm dịp cuối năm. Ảnh: VĂN HOÀNG – Đồ họa: MAI ANH – Nguồn: Sở Công Thương |
Bảo đảm nhu cầu người dân
Thời điểm này, nhiều tiểu thương, doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn đã bắt đầu chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2024. Kinh doanh nhiều năm tại chợ Cồn, bà Trương Thị Lý, tiểu thương quầy hàng đặc sản – hải sản khô cho biết, hiện sức mua của người dân trong năm nay không mạnh bằng những năm trước bởi người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. “Tôi và các chị em ở chợ đang cân đối, xem xét tình hình thị trường, nhu cầu rồi mới quyết định nhập hàng. Trước mắt, tôi chỉ nhập lượng hàng vừa đủ để tránh hàng tồn đọng, phải bán lỗ sau Tết”, bà Lý cho hay.
Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ, nhà phân phối đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng từ nhiều tháng trước. Ông Phan Thống, Giám đốc siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho rằng, nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp cuối năm và Tết này sẽ tăng nhưng không tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Khách hàng chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như thịt các loại, nông sản, gia vị, đồ khô, hạt dưa, bánh kẹo, đồ uống…
Dịp Tết 2024, siêu thị đã chuẩn bị hơn 20 tấn thịt các loại; 172 tấn rau, củ, quả; 25 tấn gạo, nếp; 181 tấn bánh, kẹo; 3,3 tấn mứt; 1 tấn hạt dưa; 26.000 thùng bia, nước giải khát; 13.500 thùng mì ăn liền… với mức giá bán ra ổn định, bảo đảm nhu cầu mua sắm của người dân. Lượng hàng trưng bày sẽ liên tục được siêu thị bổ sung, không để tình trạng khan hiếm hoặc hết hàng xảy ra trong hệ thống.
Bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc siêu thị GO! Đà Nẵng thông tin, từ tháng 9, siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp để chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Các nhãn hàng lớn sẽ triển khai nhiều chương trình khác nhau để quảng bá hàng Tết tại siêu thị. Năm nay, lượng hàng dự trữ tại Go! Đà Nẵng tăng khoảng 35% so với cùng kỳ năm trước. Để bảo đảm các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe của người tiêu dùng, siêu thị sẽ kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng lương thực, thực phẩm từ khâu đầu vào đến đầu ra.
“Chúng tôi đang nỗ lực cùng các đối tác, nhà cung cấp đưa đến cho người tiêu sản phẩm bảo đảm chất lượng với giá tốt nhất để mọi người, mọi nhà có Tết ấm no và vui vẻ. Mặc dù nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng kênh phân phối MT (Modern Trade) trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán vẫn tăng trưởng mạnh vì vấn đề bình ổn giá, vệ sinh thực phẩm và chất lượng”, bà Thủy nhận định.
Lượng hàng chuẩn bị phục vụ người dân trong dịp Tết được các đơn vị, nhà phân phối chuẩn bị rất dồi dào và đa dạng với mức giá bình ổn. TRONG ẢNH: Người dân chọn mua hàng hóa tại siêu thị GO! Đà Nẵng. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Bình ổn thị trường, tăng cường kiểm tra, giám sát
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin, sở đã chuẩn bị phương án bảo đảm cung ứng hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng thực phẩm thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; kết nối các doanh nghiệp phân phối, nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết. Đồng thời, sở phối hợp với các địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết; qua đó, đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng.
Từ đây đến cuối năm, Sở Công Thương sẽ tổ chức một số sự kiện như phiên chợ thanh toán không tiền mặt kết hợp phát động “Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday” từ ngày 1 đến 3-12 với quy mô 50 gian hàng; phát động Tháng khuyến mại kích cầu mua sắm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đợt 2-2023 từ ngày 4-12-2023 đến 4-2-2024; chương trình quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng – Đà Nẵng 2023 (đợt 3) từ ngày 5 đến 7-12… Đặc biệt, từ ngày 23 đến 28-1-2024 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng (số 9, đường Cách mạng Tháng Tám) dự kiến có 250 gian hàng của doanh nghiệp trong và ngoài thành phố tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm Hội chợ Xuân Đà Nẵng 2024.
Ông Phạm Ngọc Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố cho biết, đơn vị đã xây dựng và ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo đó, từ ngày 15-11-2023 đến 29-2-2024, Cục QLTT sẽ kiểm tra hơn 200 đơn vị trên địa bàn thành phố. Cục QLTT yêu cầu các lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân dịp Tết Nguyên đán; tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Các đơn vị tăng cường kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng thực phẩm (đồ uống, bánh kẹo, thực phẩm chế biến…), đồ điện gia dụng, hàng tiêu dùng; phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ kinh doanh, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
VĂN HOÀNG