Triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhiều lĩnh vực đã tạo được dấu ấn và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, trong đó có lĩnh vực du lịch. Nghị quyết số 43-NQ/TW được xem là cơ sở, động lực để ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, từng bước khẳng định thương hiệu điểm đến Đà Nẵng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Du khách thưởng thức chương trình nghệ thuật tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: THU HÀ |
Khẳng định vị thế của điểm đến
Nghị quyết đưa ra tầm nhìn đến năm 2045 Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh; là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á; có chính sách ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố, trong đó có du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng.
Trên cơ sở đó, UBND thành phố ban hành, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp với định hướng như: thí điểm chính sách thu hút khách du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, khen thưởng, hội nghị) đến Đà Nẵng; trong năm 2022 thành phố đón 53 đoàn khách MICE với hơn 30.000 khách; xây dựng và triển khai đề án Phát triển du lịch MICE Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tổ chức tọa đàm phát triển du lịch MICE Đà Nẵng (2021); tổ chức nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc tế như hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng VITM 2022; diễn đàn Phát triển đường bay châu Á – Routes Asia 2022.
Những năm qua, nhiều khu du lịch, khách sạn, nghỉ dưỡng cao cấp đưa vào hoạt động góp phần đa dạng hóa hệ thống dịch vụ, lưu trú của thành phố như Mikazuki Japanese Resorts & Spa, Radisson Hotel Danang, Le Sands Oceanfront Danang, Gold Plaza Đà Nẵng, Wink Hotel Danang Centre, Wink Hotel Trần Hưng Đạo; khởi động dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân, khởi công Khu du lịch sinh thái Nam Ô; khởi công dự án tổ hợp khách sạn BRG Danang Golf Resort…
Chỉ tính trong 10 tháng qua, hơn 20 sự kiện, lễ hội đặc sắc đã được thành phố và các doanh nghiệp tổ chức, tạo không khí sôi động, thực sự là sản phẩm hiệu quả để kích cầu thu hút và phục vụ khách du lịch đến Đà Nẵng, qua đó khẳng định thương hiệu “Đà Nẵng, điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á”.
Đặc biệt, sự trở lại của lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2023 đã trở thành điểm nhấn ấn tượng trong hoạt động du lịch thành phố sau dịch bệnh. Trong thời gian diễn ra DIFF 2023 đã thu hút hơn 942.000 lượt khách, tăng 29% so với dịp DIFF 2019, riêng tổng lượng khách do các cơ sở lưu trú phục vụ trong 5 ngày cao điểm diễn ra sự kiện đạt khoảng 321.700 lượt. Cùng với đó, lễ hội Tận hưởng mùa hè đã tạo cú hích kích cầu du lịch hè với gần 782.000 lượt khách lưu trú trong tháng 7-2023, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 78,5% so với cùng kỳ năm 2022; Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng và Giải Golf Phát triển châu Á – BRG Open Golf Championship Danang 2023 thu hút hơn 38.000 lượt khán giả theo dõi trực tuyến; cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng Manulife 2023 đã đón 9.000 vận động viên từ khắp nơi trên thế giới…
Phục hồi và phát triển mạnh mẽ
Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ trong 10 tháng năm 2023 ước đạt gần 6,4 triệu lượt, tăng 96,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,7 triệu lượt, tăng 153,3% so với cùng kỳ; khách trong nước đạt hơn 4,7 triệu lượt, tăng 83,5% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 19.073 tỷ đồng, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 8.217 tỷ đồng, tăng 60,6%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 10.856 tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện có 34 đường bay đến Đà Nẵng, trong đó có 8 đường bay nội địa và 26 đường bay quốc tế (15 đường bay trực tiếp thường kỳ và 11 đường bay trực tiếp thuê chuyến; đến nay thành phố có khoảng 1.190/1.287 cơ sở lưu trú đã hoạt động trở lại với hơn 42.200/46.767 phòng, trong đó có 45% tổng số phòng (19.107 phòng) đạt tiêu chuẩn hạng 4-5 sao và tương đương; có hơn 4.000 cơ sở ăn uống và 200 nhà hàng… phục vụ du khách.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh, có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng tham gia phục hồi và phát triển du lịch thành phố. Nhờ đó, điểm đến Đà Nẵng vẫn giữ được sức hấp dẫn riêng và có thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới.
Mục tiêu tổng quát của ngành là huy động các nguồn lực để tạo ra bứt phá hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025; khôi phục hoàn toàn hoạt động du lịch, đặc biệt là thị trường khách quốc tế, tiếp tục phát triển du lịch bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tập trung phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao. Trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu các chỉ tiêu phát triển du lịch: khách do cơ sở lưu trú phục vụ tăng 25,66%/năm (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố là 20-22%/năm), trong đó, khách quốc tế tăng 41,53%/năm (nghị quyết là 40-41%/năm); doanh thu lưu trú, lữ hành tăng 41,32%/năm (nghị quyết là 20-22%/năm).
Để hiện thực hóa mục tiêu, tới đây, ngành du lịch tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch triển khai đề án Định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề án Phát triển kinh tế ban đêm; đề án Phát triển du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; kế hoạch phát triển ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc và các đề án, kế hoạch trọng tâm phát triển du lịch các quận, huyện đã được thành phố phê duyệt theo lộ trình.
Ngành du lịch cũng tìm kiếm những giải pháp đột phá, mạnh dạn triển khai một số hoạt động thí điểm để triển khai các nội dung trên…; đồng thời làm mới các sản phẩm du lịch, tổ chức các sự kiện lễ hội đặc sắc quy mô lớn để thu hút khách cũng như tăng cường, đa dạng hơn nữa hoạt động xúc tiến tại các thị trường quốc tế…
Nhiều giải thưởng quốc tế Nhờ những nỗ lực không ngừng suốt thời gian qua, ngành du lịch thành phố được các đơn vị, tổ chức quốc tế vinh danh: Top 21 điểm đến được yêu thích nhất châu Á năm 2022 do trang TripAdvisor (website du lịch nổi tiếng thế giới của Mỹ) công bố; Top 3 thành phố du lịch hàng đầu Đông Nam Á của Giải thưởng du lịch châu Á 2022 do tạp chí Travel & Leisure (Mỹ) tổ chức và giải thưởng “Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á” năm 2022 của Tổ chức du lịch thế giới (World Travel Award); được trang Booking (trang đặt phòng trực tuyến lớn) thống kê là Điểm đến trong nước được tìm kiếm nhiều nhất bởi du khách Việt trong hè 2023; trang Micenet của Úc đánh giá là Điểm đến lý tưởng để các doanh nghiệp lựa chọn tổ chức du lịch MICE… |
THU HÀ