UBND thành phố mới đây ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng. Theo đó, ban có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND thành phố điều phối các hoạt động liên quan đến phát triển logistics, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động logistics theo văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như tham mưu triển khai hiệu quả đề án Phát triển dịch vụ logistics Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một góc kho bãi chứa container trên đường ra cảng Tiên Sa. Ảnh: THÀNH LÂN |
Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics
Việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng sẽ là điều kiện thuận lợi cho Đà Nẵng phát triển thành một trung tâm kinh tế biển và trung tâm logistics lớn của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực. Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng.
Vì vậy, trong giai đoạn tới, dịch vụ logistics tiếp tục được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng của thành phố. Do đó, thành phố đang quyết liệt triển khai công tác xây dựng Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những định hướng lớn về phát triển hạ tầng, dịch vụ logistics cũng như đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm trong giai đoạn tới như khu bến cảng Liên Chiểu, trung tâm logistics tại cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, các trung tâm logistics, cảng cạn trên địa bàn…
Theo quy hoạch, UBND thành phố kêu gọi đầu tư 10 trung tâm logistics, gồm 1 trung tâm cấp vùng, 8 trung tâm cấp tỉnh và 1 trung tâm chuyên dụng hàng không. Cụ thể, trung tâm logistics cảng Liên Chiểu được quy hoạch là trung tâm logistics cấp vùng, hạng I, có quy mô 30-35ha vào năm 2030 và đến năm 2050 nâng lên thành 65-70ha. Đây sẽ là trung tâm logistics cảng biển với các dịch vụ cảng biển, bãi container, kho ngoại quan, kho CFS…
Tiếp đến là trung tâm logistics cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng được quy hoạch là trung tâm logistics chuyên dụng hàng không với quy mô đến năm 2030 là 4-5ha, mở rộng nâng cấp lên 8-10ha đến năm 2050. Đây sẽ là trung tâm logistics chuyên dụng phục vụ dịch vụ logistics hàng không. 8 trung tâm logistics cấp tỉnh còn lại gồm: ga hàng hóa Kim Liên, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, trung tâm logistics và kho bãi khác (trên các đường tránh của tuyến cao tốc, tại các khu, cụm công nghiệp) cùng 5 trung tâm logistics ở 5 địa phương Hòa Nhơn, Hòa Phước, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Hiệp Bắc.
Trong quy hoạch, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, các trung tâm logistics tại địa bàn thành phố đáp ứng được khoảng 25% về lượng xử lý logistics cho luồng hàng hóa qua cảng biển, năm 2025 là 30%, năm 2030 là 35%; đến năm 2045 là 55%… Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là 13.695 tỷ đồng, với tổng nhu cầu quỹ đất để thực hiện quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng ngành logistics đến năm 2045 ước khoảng 312ha.
Triển khai các trung tâm logistics
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT), tổng diện tích kho bãi logistics trên địa bàn thành phố hiện khoảng 30ha, doanh nghiệp có hệ thống hạ tầng kho bãi lớn nhất trên địa bàn là Công ty TNHH MTV Cảng Đà Nẵng (hơn 240.000m2), còn lại phần lớn hệ thống kho bãi của các doanh nghiệp cổ phần, tư nhân và liên doanh cung cấp dịch vụ logistics có quy mô nhỏ với tổng diện tích kho chứa khoảng 5,1ha…
Theo Giám đốc Sở GTVT Bùi Hồng Trung, thành phố đang tiếp tục phối hợp với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam triển khai dự án Đầu tư nâng cấp mở rộng nhà ga hàng hóa – Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt công suất 100.000 tấn/năm và dự án Mở rộng nhà ga hành khách T1. cảng Đà Nẵng được xác định là cửa ngõ tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) năm 2018, dự án cảng Tiên Sa (giai đoạn 2); đồng thời khẩn trương triển khai thi công dự án cảng Liên Chiểu thành cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền trung (loại IA) để đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong tương lai và giảm ách tắc giao thông trong khu vực nội đô. Cảng Liên Chiểu sau khi hoàn thành sẽ là đầu mối giao thông hàng hải lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ, có vai trò quan trọng về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và liên kết phát triển vùng của thành phố trong khu vực miền Trung…
Thời gian qua, thành phố đã triển khai cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Trung tâm logistics tại xã Hòa Nhơn và xã Hòa Sơn – huyện Hòa Vang cho Công ty CP Cảng Đà Nẵng; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Xây dựng nhà ga hàng hóa – Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam; khởi công dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B với dự kiến khởi công công trình trong năm 2024.
Cùng với đó, phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics như tuyến cao tốc đoạn Hòa Liên – Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông thành phố; đầu tư cảng Liên Chiểu giai đoạn 1; xúc tiến sớm việc xây dựng nhà ga hàng hóa Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng; xây dựng mới tuyến đường bộ kết nối cảng Liên Chiểu với quốc lộ 1A phía nam hầm Hải Vân; dự án Hành lang kinh tế Đông – Tây 2, quốc lộ 14G; di dời ga đường sắt Đà Nẵng…
Được biết, dự án Trung tâm logistics tại xã Hòa Nhơn và xã Hòa Sơn – huyện Hòa Vang đang thực hiện công việc phối hợp rà phá bom mìn; phát quang, giải phóng mặt bằng, lên thiết kế tổng thể… dự kiến khởi công vào cuối quý 1-2024.
THÀNH LÂN