ĐNO – Ngày 30-9, Sở Xây dựng tổ chức chương trình phổ biến, tập huấn, hướng dẫn triển khai ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM), chuyển đổi số trong ngành xây dựng cho đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội, tổ chức, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xây dựng trên địa bàn thành phố.
Lãnh đạo Sở Xây dựng tặng hoa cho các diễn giả và đại điện đơn vị hỗ trợ tổ chức chương trình. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Phát biểu tại chương trình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Văn Hoàng cho rằng, chuyển đổi số là một xu hướng trong ngành xây dựng, trong đó, việc áp dụng BIM là rất cần thiết trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng để nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí và tăng cường độ chính xác trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành các công trình xây dựng.
Sở Xây dựng tổ chức chương trình phổ biến, tập huấn, hướng dẫn triển khai ứng dụng BIM và chuyển đổi số trong ngành xây dựng nhằm giúp các cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp… trong ngành tiếp cận, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như giải quyết các vướng mắc về BIM và chuẩn bị sẵn sàng các kiến thức về pháp lý, chuyên môn cần thiết để thực hiện lộ trình áp dụng BIM theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, từ năm 2023, việc áp dụng BIM được bắt buộc đối với các công trình cấp 1, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) mà bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án. Từ năm 2025, việc áp dụng BIM là bắt buộc đối với việc bắt đầu thực hiện công việc chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng các công trình cấp 2 trở lên…
Ông Trần Văn Hoàng cũng nhấn mạnh, Sở Xây dựng khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng sớm hơn lộ trình nói trên.
Đồng thời, đề nghị nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đang thực hiện đề tài nghiên cứu thúc đẩy ứng dụng mô hình thông tin BIM, chuyển đổi số trong ngành xây dựng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2023-2024, cần xây dựng, tham mưu thành phố ban hành chính sách đặc thù để đẩy mạnh ứng dụng BIM trong ngành, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Tại chương trình, các giảng viên Khoa Quản lý dự án, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng và các kỹ sư có kinh nghiệm trong ứng dụng BIM cũng chia sẻ các chuyên đề như: tư duy công nghiệp 4.0 và chiến lược chuyển đổi số trong ngành xây dựng; BIM và một số ứng dụng; tổng quan tiêu chuẩn triển khai BIM và mô hình cho các chủ đầu tư; ứng dụng BIM trong thiết kế và áp dụng trên công trình thực tế…
HOÀNG HIỆP