Tại Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn lắng nghe những ý kiến trao đổi, tập trung bàn thảo và tìm đáp án cho 3 câu hỏi lớn.
Toàn cảnh khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Sáng 19-9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì khai mạc Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023, với sự tham dự của khoảng 450 đại biểu tham dự trực tiếp.
Diễn đàn có chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững.”
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức.
Đồng chủ trì Diễn đàn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Cùng tham dự có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế, tập đoàn kinh tế, doanh nhân, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế…
Ngoài điểm cầu chính ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia (NCC), Diễn đàn còn kết nối với sáu điểm cầu của các Học viện, trường đại học trong nước.
Góp phần ban hành các quyết sách mạnh mẽ, ứng phó kịp thời
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam là sự kiện thường niên hằng năm của Quốc hội.
Thành công của Diễn đàn Kinh tế 2021 và Diễn đàn Kinh tế-Xã hội 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển bền vững” đã để lại nhiều bài học quý, nhiều luận cứ khoa học có tính thực tiễn cao, cung cấp các thông tin hữu ích phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, điều hành, nhất là công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.
Nhiều đề xuất, gợi mở hữu ích tại Diễn đàn đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát, nghiên cứu để xây dựng, hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh, quyết liệt, ứng phó kịp thời, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế trên cơ sở phù hợp với bối cảnh, tình hình mới nhất là yêu cầu phục vụ nhiệm vụ kép vừa kiểm soát Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Tiếp nối những thành công của Diễn đàn năm 2021, nhiều đề xuất, gợi mở chính sách tại Diễn đàn Kinh tế-Xã hội 2022 đã được nghiên cứu, chọn lọc kịp thời trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2023, trong đó lấy trọng tâm xuyên suốt năm 2023 là “củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế,” bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như yếu tố “bất biến’’ để ứng với “vạn biến’’ của tình hình kinh tế quốc tế và là “chìa khóa” quan trọng để Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống của người dân. Đây cũng chính là thông điệp chủ đạo của Diễn đàn năm 2022.
Các chính sách đề xuất tại Diễn đàn năm 2022 tiếp tục được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để xây dựng, ban hành các quyết sách mạnh mẽ, ứng phó kịp thời với tình hình mới; trong đó có Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, triển khai các gói tín dụng, thành lập các Hội đồng điều phối vùng, thúc đẩy liên kết vùng…; hay cho phép áp dụng thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và vượt trội phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những đầu tàu quan trọng của nền kinh tế.
“Chính nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, chưa từng có tiền lệ thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, điều hành quyết liệt của Chính phủ, nhìn tổng thể nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước ‘những cơn gió ngược’ và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện,” Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, xếp hạng tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện. Các cân đối lớn được bảo đảm, tỷ lệ nợ công, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách đều dưới ngưỡng Quốc hội cho phép; nợ xấu được kiểm soát, tỷ giá khá ổn định. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, an ninh lương thực được bảo đảm. Các công trình, dự án quan trọng quốc gia, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, vùng và cả nước được đẩy mạnh; củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, hỗ trợ hướng tới phát triển bền vững các ngành và các lĩnh vực.
Trong 8 tháng năm 2023, thu hút vốn đầu tư FDI , giải ngân đầu tư công, khu vực dịch vụ có chuyển biến tích cực hơn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng khoảng 10%, khách quốc tế dự báo sớm đạt và vượt mức chỉ tiêu cả năm (8 triệu lượt khách); một số địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi hoặc duy trì đà tăng nhanh như Hải Phòng, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh…; công tác an sinh xã hội được quan tâm, bảo đảm 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp kịp thời; các hoạt động về tăng cường kết nối cung cầu, hỗ trợ người lao động được tiếp tục đẩy mạnh.
Nhận diện khó khăn, thách thức
Chủ tịch Quốc hội đánh giá mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng thời gian qua, có thể nhận thấy nền kinh tế đang còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý còn lại của năm, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn.
Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực lớn từ bên ngoài.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà suy giảm, 8 tháng đầu năm giảm 10% so với cùng kỳ, đây là mức giảm mạnh nhất trong cùng kỳ 12 năm trở lại đây; nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, nhất là điện thoại, linh kiện, giầy dép, dệt may, đồ gỗ tiếp tục giảm sâu. Các thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản,… giảm hoặc tăng ở mức rất thấp.
Xuất siêu tăng do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm, cho thấy nhu cầu đầu vào sản xuất trong nước tiếp tục chậm lại. Bên cạnh vấn đề cầu thế giới giảm mạnh, chi phí logistics và các chi phí khác (chi phí nhân công, nguyên vật liệu đầu vào,…) của Việt Nam cao, tiến trình xanh hóa một số lĩnh vực còn chậm, khiến một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh hơn các quốc gia khác (đơn cử là mặt hàng dệt may). Trong khi đó, năng lực sản xuất của nền kinh tế còn ở mức thấp với việc phải nhập khẩu hầu hết công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên vật liệu cho sản xuất.
Trong cơ cấu nền kinh tế hiện nay khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đóng góp khoảng 20% GDP, chiếm tỷ trọng gần 74% trong tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, thu hút FDI chưa thật sự bền vững; vốn đăng ký liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm. Từ tháng Bảy, vốn đăng ký tăng trở lại nhờ một số dự án lớn của Hàn Quốc, Singapore, tuy nhiên nhìn chung thu hút vốn FDI vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là trong việc thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa sâu, rộng, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội. Nhập khẩu của khu vực FDI ngày càng tăng cao cho thấy tính kết nối và năng lực sản xuất trong nước vẫn còn nhiều hạn chế.
Đầu tư công được coi là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên, đến nay giải ngân vốn đầu tư công dù có cải thiện (8 tháng đạt 42,35% kế hoạch) nhưng chưa đạt được mức như kỳ vọng, chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một số cơ quan trung ương, địa phương giải ngân vốn thấp so với mặt bằng chung, các vướng mắc được phản ánh nhiều nhất là về thủ tục pháp lý liên quan tới đất đai, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất nông nghiệp, thủ tục hành chính chậm chễ do cán bộ, công chức, viên chức còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Khu vực công nghiệp và xây dựng không còn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo từng được coi là động lực dẫn dắt tăng trưởng trong nhiều năm, giờ suy giảm, quý I giảm 0,49%, 6 tháng tăng thấp, chỉ đạt 0,44%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng vẫn giảm 0,4% (trong khi cùng kỳ tăng 10,1%). Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển khiến Việt Nam chưa thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tiêu dùng trong nước phục hồi chưa vững chắc. Khu vực dịch vụ hiện đóng góp 79% vào tăng trưởng GDP, đang là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của năm 2023 và ngay từ đầu năm nhiều chính sách hỗ trợ lĩnh vực này được ban hành như giảm mặt bằng lãi suất, giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với một số mặt hàng, tăng lương cơ sở…
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng duy trì đà tăng trưởng, tuy nhiên đang có dấu hiệu chậm lại. Thị trường trong nước chưa được thúc đẩy hiệu quả, trong đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đại biểu trong nước và quốc tế dự diễn đàn. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Trong nước, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đang bị bào mòn, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nhất là về thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng.
Thị trường lao động gặp khó khăn khi doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm ca. Trong nước chưa có nhiều tập đoàn kinh tế mạnh, quy mô lớn đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tổ chức các chuỗi cung ứng, hệ sinh thái sản xuất nội địa; doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, công nghệ sản xuất thấp, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào.
Năng lực nội sinh, tính tự chủ, khả năng chống chịu của doanh nghiệp, nền kinh tế còn hạn chế và ngày càng bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết trước tác động bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây đều là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó ngay trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược và lâu dài.
Tăng cường nội lực, khai thác hiệu quả ngoại lực để thích ứng và phát triển
Chủ tịch Quốc hội cho biết qua các cuộc khủng hoảng, các khó khăn, thách thức, chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng và vai trò quyết định của nội lực, tính tự cường, tự chủ trong phát triển kinh tế.
Từ thực tế vươn lên trong đại dịch khi đối diện với những khó khăn, thử thách khắc nghiệt như 3 năm vừa qua, một trong những bài học quan trọng nhất là xây dựng và thúc đẩy nội lực mạnh mẽ để ứng phó với những thách thức và tính chất bất định của các yếu tố bên ngoài.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Chúng ta cần tăng cường, phát huy nội lực, vận dụng, khai thác hiệu quả ngoại lực có hiệu quả để thích ứng và phát triển, đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt đặc biệt trong bối cảnh, tình hình mới với nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng. Việt Nam cần tập trung giải quyết các thách thức bên trong cả trước mắt, lẫn trong trung và dài hạn.”
Xuất phát từ tình hình đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định lựa chọn vấn đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” làm chủ đề cho Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2023.
Với tinh thần “đồng lòng, chung sức, cùng nhau vượt khó,” để đạt được các mục tiêu của Diễn đàn, có tính thiết thực, Chủ tịch Quốc hội mong muốn lắng nghe những ý kiến, trao đổi, tập trung bàn thảo và tìm đáp án giải quyết 3 câu hỏi lớn sau:
Một là dự báo bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính khu vực, thế giới, cơ hội, rủi ro, thách thức nào đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, 2024 và trong giai đoạn tiếp theo?
Hai là nhận diện thực trạng kinh tế-xã hội, những khó khăn, thách thức, nút thắt chủ yếu và năng lực chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động Việt Nam hiện nay thực sự là như thế nào? dự báo cho cả năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 5 năm 2021-2025?
Ba là năng lực nội sinh, động lực và giải pháp căn cơ nào nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021-2025?
Diễn đàn diễn ra trong vòng 1 ngày với phiên khai mạc, phiên toàn thể, phiên chuyên đề 1 về “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó” và phiên chuyên đề 2 về “Nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới.”
Tuyên bố khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các diễn giả và đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận thật ngắn gọn, tập trung, đi thẳng vào các nội dung cốt lõi và trọng tâm, đề xuất những giải pháp cụ thể và thiết thực.
Chủ tịch Quốc hội cho biết căn cứ vào các đề xuất, kiến nghị và giải pháp, ngay sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban tổ chức Diễn đàn sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc 23-10 và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tiếp theo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đã có bài phát biểu quan trọng.
Theo Vietnam+