Khởi từ các làn điệu dân ca, dân nhạc dân gian gắn liền với các nghi thức tín ngưỡng, lễ hội mùa màng và công việc lao động hằng ngày của những người nguyên thủy, âm nhạc được xem là một trong những loại hình nghệ thuật ra đời sớm nhất của loài người.
Các nhạc công Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn tiết mục hòa tấu đàn đá “Cội nguồn” tại chương trình nghệ thuật “Hồn Việt”. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Là đất nước có đến 54 dân tộc anh em, sống trải dài từ Bắc vào Nam, từ núi rừng đến đồng bằng, biển khơi và hải đảo với thiết chế khá chặt chẽ của đời sống văn hóa làng xã; nền dân ca, dân nhạc Việt Nam được xem là một trong những nền âm nhạc có nhiều làn điệu nhất, loại hình phong phú và đa dạng của nhân loại.
Chỉ tính riêng về các thể điệu hò, lý, hát ru, hát ví, hát dặm, hát xoan, hát then… ta đã có đến hàng trăm thể điệu khác nhau, phong phú hơn tổng các thể điệu của nền tân nhạc hiện đại thế giới. Ta có hàng chục điệu hò tát nước khác nhau, tùy theo nhịp điệu tát gàu giai hay tát gàu sòng. Độ dài ngắn của từng câu hò tát nước còn tùy thuộc vào độ cao của từng đợt tát, cách hát còn tùy thuộc vào tát gàu đơn hay tát gàu đôi, gàu ba…
Hát ru con cũng có hàng trăm cách hát khác nhau tùy theo âm giọng của từng địa phương. Dường như cũng câu hát đó, nhưng mỗi làng, thậm chí là mỗi xóm lại có một cách hát riêng biệt theo âm giọng của xóm làng mình. Tương tự như vậy, chỉ riêng điệu lý con sáo, chúng ta đã có đến gần 20 lý con sáo khác nhau…
Âm nhạc thuộc loại hình văn hóa của nghệ thuật thanh sắc, nhưng ở Việt Nam, loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền lại cũng là nghệ thuật thanh sắc chứ không đơn thuần là nghệ thuật ngôn ngữ và hành động như sân khấu kịch của các dân tộc khác. Vì sao vậy? Vì âm nhạc Việt Nam phong phú và đa dạng. Đến mức, âm nhạc có đủ khả năng thay thế ngôn ngữ giao tiếp thông thường để trình bày cả một câu chuyện dài với nhiều xung đột và mâu thuẫn từ mở đầu cho đến kết thúc một vở kịch.
Cho nên, người Việt ta thường nói: đi coi kịch, nhưng lại đi nghe hát chèo, nghe hát bội và nghe hát cải lương… chứ hoàn toàn không phải đi xem. Nghĩa là, nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam lại thuộc loại hình nghệ thuật thanh sắc lấy âm nhạc làm lời thoại kết hợp nghệ thuật múa và hành động, chứ hoàn toàn không phải loại hình nghệ thuật sân khấu chỉ dùng ngôn ngữ đối thoại thông thường và hành động làm công cụ biểu đạt như kịch nói. Ta gọi, sân khấu cổ truyền của Việt Nam là sân khấu kịch hát là vì thế. Kịch hát của Việt Nam đã ra đời rất sớm so với loại hình nhạc kịch hiện đại nói chung.
Nghệ thuật sân khấu chèo, tuồng, dân ca kịch, cải lương trải dài khắp Bắc – Trung – Nam, kể cả nghệ thuật sân khấu dân tộc Chăm và sân khấu Dù-kê của người Khơ-me Nam bộ đều là sự tổng hợp các làn điệu dân ca và vũ đạo dân gian từng vùng miền, từng dân tộc rồi đưa lên sân khấu diễn lại thành tuồng tích với sự trợ lực của âm thanh, ánh sáng mà nên. Cũng hiếm có dân tộc nào mà âm nhạc có thể đủ sức diễn thành kịch hát như ở Việt Nam. Nếu có thì cũng chỉ thưa thớt vài loại hình mà dường như hiện nay đã lùi vào quá khứ. Riêng nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam cho đến nay vẫn tiếp tục tồn tại, gìn giữ và không ngừng phát huy.
Nói lên điều đó để thấy rằng, dân tộc ta tự hào vì có một nền âm nhạc đồ sộ và phong phú trước khi có tân nhạc hiện đại và kịch nói của phương Tây nhập vào. Và tự hào hơn, hầu hết “Những bài ca đi cùng năm tháng” của nền tân nhạc Việt Nam, xưa nay, hầu hết vẫn là những tác phẩm mang âm hưởng các làn điệu dân ca, dân nhạc cổ truyền của dân tộc.
Với tất cả những nguyên nhân, ý nghĩa thiêng liêng và sâu xa trên, khi Đảng và Nhà nước chủ trương “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”, ngày Âm nhạc Việt Nam đầu tiên được tổ chức vào năm 2010. Sau 5 năm tổ chức thành công và được công chúng ủng hộ, ngày 26-9-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg lấy ngày 3-9 hằng năm là ngày Âm nhạc Việt Nam, với mục đích động viên đội ngũ văn nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của nền âm nhạc Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm âm nhạc hay, nhiều hoạt động âm nhạc phong phú.
Sau thời gian ảnh hưởng Covid-19, năm 2020, ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 11 được tổ chức trở lại trên cả nước với chủ đề “Sống và hy vọng”, lần thứ 12 (năm 2021) chủ đề “Nhịp điệu mới” và lần thứ 13 (năm 2022) chủ đề “Hát lên Việt Nam!”. Năm nay (2023), ngày Âm nhạc Việt Nam (3-9) lần thứ 14, Hội Nhạc sĩ Việt Nam không nêu lên chủ đề cụ thể, các địa phương tự chọn chủ đề trên tinh thần “Âm nhạc hội tụ và lan tỏa”, “Âm nhạc đồng hành cùng dân tộc”.
|
ẨN LAN