Giá trị hệ thống phòng thủ ven biển thời Nguyễn ở Đà Nẵng, giáo dục truyền thống chống ngoại xâm trong học đường qua di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858-1860) hay các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản liên quan chiến tranh Mậu Ngọ gắn với phát triển du lịch… là những nội dung được các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tập trung thảo luận tại tọa đàm khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858-1860” do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức ngày 30-8.
Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải mang trong mình giá trị to lớn gắn liền với cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha của quân và dân Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Bảo vệ di sản của tiền nhân
Thông tin từ Bảo tàng Đà Nẵng, hiện nay, trên địa bàn thành phố có tổng số 89 di tích đã được xếp hạng với các loại hình như: lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ và danh lam thắng cảnh. Trong đó, có 5 di tích đã được xếp hạng liên quan đến cuộc chiến tranh chống xâm lược của liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858-1860), gồm: Thành Điện Hải, Nghĩa trủng Phước Ninh (quận Hải Châu), Nghĩa trủng Hòa Vang (quận Cẩm Lệ), Hải Vân quan và Nghĩa trủng Nam Ô (quận Liên Chiểu). Ngoài ra, còn có 3 di tích nằm trong danh mục kiểm kê, gồm: Nghĩa địa Pháp – Tây Ban Nha (quận Sơn Trà), Đồn Chân Sảng và Pháo đài Định Hải (quận Liên Chiểu).
Theo các nhà nghiên cứu, đây đều là những di tích có giá trị đặc biệt, nơi lưu giữ ký ức thời kháng chiến không chỉ cho Đà Nẵng mà còn của cả nước. Những năm qua, thành phố đã có rất nhiều nỗ lực trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị những di tích này. Trong đó, Thành Điện Hải với quy mô bề thế, mang trong mình giá trị lịch sử to lớn được thành phố giữ gìn tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Theo NSND Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Thành Điện Hải hiện nay có lịch sử tròn 200 năm xây dựng (1823-2023) và chẵn 165 năm là “nhân chứng” cho một thời kỳ lịch sử của dân tộc, gắn liền với tinh thần quả cảm cùng biết bao máu xương của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.
Vì vậy, việc bảo tồn Thành Điện Hải nhằm góp phần phát huy truyền thống và giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ hiện nay và mai sau là vô cùng cần thiết. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý của chúng ta hôm nay. “Đối với các di tích chưa được xếp hạng liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ, chúng ta phải nhanh chóng nghiên cứu, có đầy đủ cơ sở khoa học để bảo vệ di sản của cha ông để lại, không để xảy ra tình trạng xâm phạm di tích”, ông Huỳnh Hùng nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, nhà nghiên cứu Hồ Xuân Tịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa Đà Nẵng, cho rằng các di tích liên quan cuộc chiến tranh Mậu Ngọ được trùng tu khoa học, tạo được mỹ quan sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan tìm hiểu về lịch sử, văn hóa địa phương.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện tu bổ, phục hồi các công trình này, cần tham khảo các tài liệu viết, bản vẽ có liên quan đến Thành Điện Hải xưa, khảo sát dấu tích nền móng các công trình trước đây, cũng cần tham khảo các công trình có kiến trúc tương tự và cùng thời kỳ ở Việt Nam để có thiết kế tu bổ chuẩn xác, chỉ phục hồi khi có đầy đủ tư liệu, chứng cứ, cơ sở khoa học. Nếu không chắc chắn mà vẫn phục hồi các công trình đã biến mất thì chẳng khác gì xâm hại di tích.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho UBND thành phố, sở đang nỗ lực hết sức để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ nói riêng, các di sản trên địa bàn thành phố nói chung.
Trong đó, sở xác định một nguyên tắc bất di bất dịch là phải giữ được giá trị văn hóa cốt lõi của di sản. Vì vậy, quan điểm của sở là phải tìm, nghiên cứu, xác định được yếu tố gốc thì mới triển khai trùng tu di tích. Qua đó, giữ được giá trị lịch sử, yếu tố văn hóa vốn có, bảo đảm việc bảo tồn và phát huy di tích một cách hài hòa với sự phát triển bền vững của thành phố.
Phát huy giá trị di sản
Theo các nhà nghiên cứu, những di sản văn hóa liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ không chỉ là tài nguyên du lịch mà còn là tài liệu để giáo dục truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm trong học đường.
Ông Nguyễn Quang Trung Tiến, nguyên Trưởng hoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) cho rằng, 165 năm trôi qua, những công trình thuộc vành đai phòng thủ vịnh Đà Nẵng đã biến mất bởi nhiều lý do, ngoại trừ di tích Thành Điện Hải. Diễn biến của cuộc chiến ở quá khứ rất khó hình dung, không dễ nắm bắt nếu chỉ dựa vào chữ nghĩa trên giấy tờ, sách vở và khó lôi cuốn người đọc.
Do vậy, những bản đồ và hình ảnh đương thời về vành đai phòng thủ này cần được sưu tầm, chắt lọc và xây dựng thành những gian trưng bày có hệ thống về cuộc chiến, với trung tâm di tích thực sự còn lại là Thành Điện Hải. Ngoài ra, cũng cần xây dựng những video clip dễ hiểu và sinh động bằng tư liệu hình ảnh giàu cảm xúc, để giáo dục thế hệ trẻ về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc trên mảnh đất Đà Nẵng; hay dùng để quảng bá trong hoạt động tham quan, du lịch tại Đà Nẵng và cả trong nước lẫn quốc tế, để phát huy được giá trị lịch sử của cuộc chiến tranh vệ quốc thắng lợi này.
Đối với vấn đề giáo dục truyền thống, ông Vũ Hùng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy, cho biết sự kiện lịch sử 1858-1860 đã đưa vào giáo trình lịch sử trong trường học phổ thông và chương trình giáo dục lịch sử và văn hóa địa phương cho học sinh thành phố. Đề nghị ngành giáo dục thành phố cần tổ chức cho học sinh tham quan một hoặc vài nghĩa trủng, nghĩa địa liên quân trước khi tập trung tại Thành Điện Hải nghe thuyết minh về kiến trúc của thành và diễn biến trận đánh lịch sử tại thành phố.
Giáo dục trực quan này sẽ giúp học sinh cảm nhận sâu sắc và sinh động hơn về lịch sử, bồi đắp lòng tự hào về quê hương, đất nước. Ngoài ra, ngành du lịch cần quảng bá và khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đưa các di tích nghĩa trủng, nghĩa địa liên quân tại cảng Tiên Sa, nhất là Thành Điện Hải, trở thành những điểm đến trong hành trình du lịch tại Đà Nẵng, hoặc thành tour du lịch lịch sử – văn hóa, để thu hút du khách. “Giá trị kiến trúc và lịch sử của Thành Điện Hải rất quý, là thành trì Vauban duy nhất còn lại so với các địa phương khác (trừ kinh đô nhà Nguyễn tại Huế)”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng, điều cốt lõi của giáo dục truyền thống chống giặc ngoại xâm trong học đường phải bắt đầu từ các nhà trường phổ thông. Trong đó, các trường cần tổ chức cho học sinh tham quan thực địa tại Thành Điện Hải và Nghĩa trủng Hòa Vang; tổ chức dạy – học có hiệu quả trên cơ sở tài liệu giáo dục địa phương thành phố Đà Nẵng theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia hoạt động “tìm địa chỉ đỏ thất truyền” nhằm tìm kiếm trên hồ sơ lưu trữ và khảo sát thực địa để xác định vị trí cụ thể của các căn cứ phòng thủ cùng thời với Thành Điện Hải nay không còn dấu tích, như: Thành An Hải, pháo đài Định Hải… Đây là cơ sở để cơ quan quản lý di tích của thành phố tiến hành dựng bia tưởng niệm. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng là một giải pháp cần được quan tâm thích đáng nhằm hiện đại hóa việc giáo dục truyền thống chống ngoại xâm trong học đường qua di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ.
THIÊN DUYÊN