Mặc dù còn những khó khăn, vướng mắc nhưng với những nỗ lực và kết quả đạt được trong 2 năm qua, có thể khẳng định mô hình tổ chức chính quyền đô thị mang lại nhiều giá trị ưu việt khi thành phố thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai mô hình chính quyền đô thị. TRONG ẢNH: Giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY |
Hiện nay thành phố đang tập trung rà soát, phân tích, tổng hợp đề xuất các cơ chế, giải pháp tháo gỡ, nhằm bổ sung, điều chỉnh chủ trương trong thẩm quyền, kiến nghị Trung ương sớm hoàn thiện mô hình để việc triển khai thực sự mang lại hiệu quả, đưa thành phố phát triển xứng tầm theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.
Tháo gỡ vướng mắc
Khó khăn, vướng mắc thể hiện rõ nhất qua hơn 2 năm triển khai chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố, tập trung chủ yếu về cơ chế quản lý tài chính, ngân sách. Tháo gỡ khó khăn này sẽ cởi bỏ được các vướng mắc, giúp chủ động trong việc cân đối thêm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương.
Trước thực trạng đó, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hồ Ngọc Phương cho biết, sở tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố quyết định một số giải pháp góp phần khắc phục phần nào hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 về quản lý, điều hành ngân sách tại các quận, phường.
Cụ thể, UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND ngày 25-6-2021; Nghị quyết số 52/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 và Nghị quyết số 66/2022/NQ-HĐND ngày 15-12-2022. Theo đó đã phân bổ chi khác ngân sách quận bằng 6% và phường 6% trên tổng chi thường xuyên tại mỗi cấp quản lý.
Qua đó, bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ đột xuất phát sinh; phân bổ nguồn tiết kiệm chi ngân sách để hỗ trợ cho các quận chi đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư cơ sở hạ tầng, kiến thiết đô thị và các chính sách an sinh xã hội phù hợp với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Đồng thời, giao UBND các quận chủ động trong cân đối, sắp xếp, điều chỉnh, phân bổ đủ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trực thuộc ngay từ đầu năm theo dự toán giao.
Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) Võ Lê Anh cho rằng, cần phân cấp các nội dung, nhiệm vụ không yêu cầu cao về chuyên môn, kỹ thuật chuyên sâu cho phường để chủ động xử lý. Dĩ nhiên, việc phân cấp phải đi kèm cơ chế giám sát.
Theo Chủ tịch UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) Đinh Hữu Phúc, cơ quan thẩm quyền thành phố cần có hướng dẫn cụ thể, phân rõ rạch ròi các quy định, cấp thẩm quyền cụ thể để khi có phát sinh chi khác, địa phương chủ động đề xuất đến địa chỉ cụ thể, giảm thời gian chờ và “tìm” cơ quan “có thẩm quyền” khi thực hiện trong nội dung phân bổ bằng 6% tổng các khoản chi thường xuyên đã tính được theo định mức phân bổ dự toán chi ngân sách quy định ở trên cho đơn vị dự toán UBND phường để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất phát sinh trên địa bàn phường theo quy định.
Quận Ngũ Hành Sơn kiến nghị cho cơ chế với cấp quận là một cấp ngân sách như giai đoạn thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường tại thời điểm năm 2005-2010. Trong khi đó, quận Hải Châu đề nghị, thành phố xem xét giao dự toán chi đầu tư đối với nguồn vốn dân sinh cho quận và ủy quyền cho UBND quận trong việc phân bổ, điều chỉnh nguồn vốn dân sinh để bảo đảm tính chủ động trong phân bổ vốn đầu tư cho các công trình dân sinh thuộc quận. Đối với phí, lệ phí của các cơ quan Trung ương không thực hiện giao dự toán thu cho UBND quận mà giao theo ngành để bảo đảm việc tổng hợp số liệu thuyết minh báo cáo tài chính của quận được chính xác.
Cần bảo đảm cơ sở pháp lý
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Lương Công Tuấn cho rằng, căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương, dự toán chi ngân sách của UBND quận, phường được bố trí khoản chưa phân bổ tối đa 6% trên tổng chi thường xuyên ngân sách quận, phường để thực hiện chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa, cứu đói, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh, chi khen thưởng và các nhiệm vụ cần thiết khác mà chưa được dự toán. Có được quy định này sẽ giải quyết vấn đề đặt ra trước mắt của chính quyền cấp quận, phường trong quá trình quản lý Nhà nước ở địa phương, để vận hành của cấp chính quyền trên dưới thông suốt hơn.
Thành phố đề xuất Trung ương cho phép thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị do thành phố quản lý với mức không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo, để cán bộ, công chức gắn bó với cơ quan, đơn vị hơn, toàn tâm toàn ý cho công việc hơn.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Trung Sơn, nhằm tạo điều kiện cho thành phố tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù được hiệu quả, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý để địa phương thực hiện, thành phố đang kiến nghị lên Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm giải quyết một số vấn đề khó khăn, vướng mắc, về quản lý tài chính ngân sách, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, công chức; cơ chế, chính sách đặc thù…
Theo đó, thành phố kiến nghị về tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, công chức, cụ thể tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận tinh gọn, năng động, phù hợp với đặc thù từng quận, phát huy hiệu quả quản lý Nhà nước theo mô hình chính quyền đô thị và thống nhất chung về chế độ công vụ đối với cán bộ tại phường để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức phường theo hướng chuyên nghiệp; bảo đảm thống nhất trong hệ thống chính trị ở phường; tạo sự chủ động, linh hoạt trong công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyên, điều động cán bộ giữa quận – phường và ngược lại.
Nhằm cụ chế hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29-12-2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW; dựa trên cơ sở sơ kết Nghị quyết số 119/2020/QH14 lần này, UBND thành phố đã nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù dự kiến áp dụng cho thành phố để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của thành phố trên các lĩnh vực, nhất là về quy hoạch, đầu tư, đô thị, đất đai, tài nguyên, ngân sách… tạo điều kiện cho thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô chính quyền đô thị, cũng như giúp cho thành phố đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết số 119/2020/QH14 Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, quan điểm của lãnh đạo Thành ủy chỉ rõ, với đặc điểm địa bàn có quy mô nhỏ, tốc độ đô thị hóa cao, thành phố có nhiều kiện thuận lợi để triển khai tổ chức chính quyền đô thị. Đây cũng là cơ sở để Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Trên tinh thần đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, ban, ngành, đoàn thể, nhất là người đứng đầu các địa phương, đơn vị cần nhất quán quan điểm và quyết tâm chính trị, tiếp tục thực hiện tốt việc thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 119/2020/QH14. |
TRỌNG HUY