ĐNO – Sáng 30-8, phát biểu khai mạc hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết đánh giá, những kết quả bước đầu phát huy những ưu điểm, tính ưu việt của chính quyền đô thị, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của người dân, góp phần quan trọng trong phát triển thành phố.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông; Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đồng chủ trì hội nghị.
Lãnh đạo thành phố và các bộ đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: TRỌNG HUY |
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết, từ ngày 1-7-2021, thành phố thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương ở thành phố gồm HĐND và UBND, tại 6 quận và ở 45 phường thuộc các quận là UBND, không tổ chức HĐND quận, phường.
Trong bối cảnh đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn do những bất ổn của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực, đặc biệt là sự bùng phát và diễn biến phức tạp, kéo dài của Covid-19, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương và đặc biệt là sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, với quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị thành phố, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, qua gần 3 năm việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đạt được những kết quả tích cực, bước đầu phát huy những ưu điểm, tính ưu việt của chính quyền đô thị, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của người dân, góp phần quan trọng trong phát triển thành phố thời gian qua.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TRỌNG HUY |
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần xử lý để mô hình này hoạt động có hiệu quả hơn. Vì vậy, hội nghị sơ kết có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm đánh giá, nhận định rõ nét hơn về kết quả đạt được từ khi triển khai thí điểm đến nay, những thuận lợi, tính ưu việt của mô hình chính quyền đô thị, những mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo của thành phố; tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc, cần rút kinh nghiệm; đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả hơn mô hình chính quyền đô thị tại thành phố.
Hội nghị là dịp để các đại biểu thảo luận, đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương có thêm các cơ chế chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho thành phố phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian đến.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, công tác quán triệt được tổ chức kịp thời, chặt chẽ, nghiêm túc, tạo được sự đồng thuận của các cấp, các ngành trong toàn hệ thống chính trị.
Công tác bố trí, sắp xếp cán bộ bảo đảm theo đúng tiến độ; tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, phân cấp, ủy quyền tạo sự linh hoạt trong triển khai, nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, rút ngắn quy trình, bớt khâu trung gian, giảm bớt thủ tục và thời gian giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp.
UBND quận, phường hoạt động theo cơ chế thủ trưởng đã phát huy tính chủ động, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước. Chế độ công vụ mới tạo cơ sở cho việc chuẩn hóa đội ngũ công chức phường theo hướng chuyên nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG HUY |
Công tác tổ chức điều hành phát triển kinh tế – xã hội của UBND thành phố, quận, phường ổn định, thông suốt; quốc phòng, an ninh, chính trị được bảo bảo đảm. Việc quản lý, điều hành ngân sách được quản lý chặt chẽ; thực hiện tiết kiệm chi và sử dụng, có hiệu quả các nguồn thu.
Quyền dân chủ của người dân tiếp tục phát huy và tăng cường; tổ chức đối thoại với dân được quan tâm tổ chức chất lượng, hiệu quả, kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân.
Việc phân cấp cho thành phố thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố rút ngắn trình tự, thời gian, tạo sự chủ động cho địa phương trong việc triển khai công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các dự án trên địa bàn thành phố, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù như quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách thành phố; HĐND thành phố quyết định phí, lệ phí, đã góp phần bảo đảm nguồn lực cho thành phố thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội nói chung và các chính sách an sinh xã hội, phòng chống Covid-19 nói riêng.
Đến nay, có 91 nội dung phân cấp, ủy quyền với tỷ lệ 100% đã được triển khai. Ước tổng thời gian giảm của 89 nội dung phân cấp, uỷ quyền là 233 ngày.
Với việc thực hiện chế độ làm việc thủ trưởng, chủ tịch UBND quận, UBND phường đã phát huy tính chủ động, thẩm quyền và chế độ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu UBND quận, phường; công tác chỉ đạo, điều hành của UBND cấp trên đối với cấp dưới thông suốt, hiệu quả, cụ thể hơn, bảo đảm sự điều hành trực tiếp, nâng cao tính chủ động của cơ quan hành chính và trách nhiệm người đứng đầu.
Mệnh lệnh quản lý từ chính quyền thành phố xuống quận, phường không bị cắt khúc hoặc bị triển khai chậm do phải thông qua nhiều cấp họp triển khai và ban hành văn bản thực hiện. Công tác quản lý tài chính, ngân sách được thực hiện đảm bảo theo quy định và đạt được một số kết quả tích cực.
Về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thí điểm chính quyền đô thị, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, khi thực hiện chuyển ngân sách quận, phường từ một cấp ngân sách thành đơn vị dự toán thì không còn nguồn kết dư, chi khác, dự phòng và tăng thu ngân sách.
Từ đó, UBND quận, phường gặp khó khăn trong việc chủ động đảm bảo kịp thời nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng về quốc phòng, an ninh, phòng, chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ phát sinh đột xuất trong năm trên địa bàn.
Việc thực hiện theo quy định đảm bảo đúng số lượng và tên gọi cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận theo Nghị định số 37/2014/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP không tạo tính linh hoạt trong việc thực hiện cơ cấu tổ chức, sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận.
Khi thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, nhiệm vụ của HĐND thành phố tăng lên và đối tượng giám sát trực tiếp của HĐND thành phố nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay số lượng đại biểu chuyên trách không nhiều. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
Các chức danh cán bộ phường chưa có quy định liên thông ít nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng, hiệu quả quản lý công tác cán bộ tại địa phương.
Đến nay, Trung ương vẫn chưa xây dựng, ban hành và áp dụng chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Do đó, chưa đủ cơ sở để dự kiến nhu cầu sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách, dẫn đến chưa thể đề xuất HĐND thành phố sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho đầu tư phát triển theo chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 119/2020/QH14.
“Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng nêu trên, kính đề nghị Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép bổ sung nội dung xây dựng nghị quyết mới của Quốc hội để ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù mới, áp dụng đối với thành phố Đà Nẵng vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ giữa năm 2024”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.
TRỌNG HUY