Cách đây 165 năm, liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ phát súng đầu tiên tấn công xâm lược nước ta tại Đà Nẵng. Sự kiện nhân dân Đà Nẵng thay mặt cả nước đương đầu với lực lượng quân đội hiện đại, với tàu to, súng lớn… đã viết nên những trang sử bi hùng của dân tộc ta.
Tàu chiến quân Pháp tấn công Đà Nẵng ngày 1-9-1858. Nguồn: Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp |
Kỳ 1: Đồn Chân Sảng và trạm Nam Chơn
Nếu nói rằng trận “thư hùng đích thực” giữa quân dân Việt Nam tại Đà Nẵng với liên quan Pháp-Tây Ban Nha thì trận nào? Đó chính là trận đồn Chân Sảng? Nếu hỏi rằng hiện nay tại Đà Nẵng cần gấp rút bảo vệ, phục hồi, tôn tạo di tích lịch sử nào liên quan trực tiếp đến cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha thì đó phải làm trạm Nam Chân. Từ tra cứu các nguồn tài liệu và khảo sát trực tiếp trên thực địa, chúng tôi xin đề cập đôi điều về hai di tích lịch sử này.
Trước hết cần xác quyết rằng Nam Chơn cũng chính là Nam Chân (người Pháp gọi là Kien Chan), Chơn Sảng cũng chính là Chân Sảng trong hầu hết các tài liệu ghi chép về hai địa danh này cũng như trong cách gọi quen thuộc của người dân địa phương. Trong cuộc kháng chiến bảo vệ cửa Hàn năm 1858-1860, thì Nam Chơn, Chơn Sảng nằm trong một khu vực phòng thủ sộng lớn khắp tây bắc Đà Nẵng vòng qua vịnh và đến bán đảo Sơn Trà của triều đình Huế.
Hệ thống phòng thủ nơi đây bao gồm pháo đài Định Hải nằm trên ngọn núi thấp sát mé biển về phía đông bắc làng Chân Sảng, cạnh đó là đồn Chân Sảng (nằm gần bên đường Thiên lý từ Hải Vân quan đi xuống, nay làm trạm biên phòng); rồi đến trạm Nam Chân (nằm phía nam đồn Chân Sảng, dấu tích nay vẫn còn khá rõ). Khu vực này được chốt chặn bởi Hải Vân quan, điểm chốt chặn cuối cùng ranh giới hai tỉnh để ra Huế. Kế tiếp là khu vực Cu Đê bao gồm các đồn, lũy, tấn Cu Đê và Hóa Ổ. Phía nam đồn Hóa Ổ có trạm Nam Ô. Về phía tây, phía thượng nguồn Cu Đê thì sau ngày Pháp đánh Đà Nẵng, nhà Nguyễn thiết lập thêm hai đồn Quan Nam và Trường Định.
Đồn Chân Sảng Đồn Chân Sảng nằm về phía nam chân núi Hải Vân, cạnh núi Thông Sơn (tục gọi là Hòn Hành), năm Minh Mạng thứ 4 đặt là núi Định Hải và dựng pháo đài ở đây gọi là pháo đài Định Hải (vị trí phỏng đoán hiện nay vị trí mỏm núi phía sau đồn biên phòng Làng Vân chừng 300 mét đường chim bay về phía tây, cách đỉnh đèo Hải Vân đi xuống phía nam chừng 800 mét, cách hòn Sơn Trà về phía đông bắc chừng 600 mét).
Đồn Chân Sảng nằm dưới chân núi Sảng về phía nam của đèo Hải Vân, nếu nhìn từ máy bay xuống, dãy núi Chân Sảng nhô ra biển như một nắm tay dài mà điểm cuối cùng là hòn Sơn Trà nhỏ, tạo cho vịnh nước sâu Liên Chiểu có hình vòng cung rất thuận lợi cho tàu bè neo đậu. Trên núi này, nhà Nguyễn đã thiết lập hệ thống đồn binh để canh giữ cửa biển: “Ngoài biển về phía đông bắc nổi vọt một ngọn, năm Minh Mạng thứ 21 đặt tên là đảo Ngự Hải, ở đó có đặt đài Phòng hỏa, là mốc giới phía bắc của cửa biển”, ở đó cũng thiết lập một pháo đài có tên là Định Hải, với chu vi 25 trượng 3 thước linh, cao 5 thước 8 tấc, mở một cửa, dựng 1 kỳ đài và 7 sở pháo đài (theo Đại nam nhất thống chí).
Về tên gọi, trên giấy tờ hành chính dưới thời Nguyễn gọi là đồn Chân Sảng, còn dân địa phương ở Cu Đê và cửa Hàn thì cứ quen gọi là Đồn Nhất (Chân Sảng) và Đồn Nhì (tức là pháo đài Định Hải). Nếu tính từ Hải Vân quan vào, đồn ta gặp đầu tiên chính là Chân Sảng, đồn thứ hai chính là Định Hải, vì vậy nên ca dao có câu: “Tính từ Đồn Nhất tính vô – Liên Chiểu, Thủy Tú, Nam Ô, cửa Hàn”.
Năm 1856, vua Tự Đức cho sửa sang chỉnh đốn lại hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng, Đào Trí được giao nhiệm vụ phối hợp với Tổng đốc Quảng Nam trù liệu việc bố phòng. Sau khi điều nghiên, họ Đào đề nghị nên “triệt hạ Đồn Nhất, Đồn Nhì vì không cần thiết”, tuy nhiên Tôn Thất Cáp vào xem xét lại thì đề nghị vua Tự Đức rằng “Cửa biển ấy là chỗ hệ trọng các Đồn Nhất, Đồn Nhì xin giữ nguyên”.
Dấu tích trạm Nam Chơn còn lại hiện nay. Ảnh: LƯU ANH RÔ |
Trạm Nam Chơn
Thời vua Nguyễn, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhà Nguyễn đã đặt “thất trạm” để truyền tin của các tỉnh phía nam về kinh đô, gồm: Nam Chơn, Nam Ổ, Nam Giản, Nam Phúc, Nam Ngọc, Nam Kì và Nam Vân. Như vậy, Nam Chơn là trạm đầu tiên trong số các trạm này dọc theo đường Thiên lý, nó cách đỉnh đèo – Hải Vân quan không xa, nơi được xem là “yết hầu của Thuận Quảng”, vị trí đó cho thấy tính tiền tiêu của trạm này, nơi mà chiến tranh còn dựa vào cung kiếm, việc đi lại đèo Hải Vân còn bị thú hoang gây kinh hoàng cho du khách.
Căn cứ vào dấu tích của đường Thiên lý, bắt đầu từ Hải Vân quan, con đường mòn uốn cong hình cánh cung về hướng tây nam vài dặm thì đến trạm Nam Chính (tức Nam Chơn), đây là quán trạm cực bắc của Quảng Nam lúc đó. Trạm Nam Chơn đứng chân tại núi Sảng, đời Gia Long, đặt tên là trạm Chơn Sảng (tên ngôi làng có đặt trạm này). Năm Minh Mạng thứ ba (1823), trạm đổi tên là trạm Nam Chơn. Sử nhà Nguyễn có chép: “Phía nam chân núi là núi Thông Sơn, tục gọi là Hòn Hành, phía tây có núi Sen, núi Sảng là chỗ dừng trạm (Nam Chơn) để đi qua… đường núi gập ghềnh cây cối lẫn lộn, chân núi phía nam kề liền vụng biển, có ghềnh đá đứng sững ở bờ biển, cao thấp lô nhô như hình non bộ, sóng biển đập vào nước phun như mưa”.
Khi quân Pháp tấn công Đà Nẵng, vua Tự Đức đặc biệt quan tâm đến việc bảo về con đường quan lộ đi qua hai trạm Nam Chơn và Nam Ổ, nhà vua đã cho tăng cường nhân lực bảo vệ và phát dọn con đường quan báo, để bảo đảm thông tin thông suốt. Vua đã “sức cho viên Lãnh Tri huyện Hòa Vang Phạm Đăng Dương tùy tình hình mà khai thông đường núi. Sau đó theo phúc trình của viên ấy, đã xem xét chọn phái dân phu đi phạt cây mở một con đường thẳng từ sau lưng trạm Nam Chơn xuyên qua vùng núi xã Liên Chiểu thẳng đến bến đò Câu Đê, giáp với trạm Nam Ô. Việc mở con đường mới này, dân tình không tránh khỏi có khó khăn, nên xin xét cấp cho số dân phu đó mỗi người mỗi ngày 40 văn tiền, 1 bát gạo để chi dùng”.
Tri huyện Phạm Đăng Dương cho tiến hành mở con đường mới, bắt đầu từ trạm Nam Chân đến xã Liên Chiểu, Câu Đê và đến trạm Nam Ổ, đã “chọn phái 100 dân phu đi phát quang mở rộng 1 trượng 5 thước mất khoảng 20 ngày, xin cấp cho mỗi người mỗi ngày 1 mạch tiền, 1 bát gạo”. Khi quân Pháp phong tỏa đường Hải Vân, vua Tự Đức chỉ đạo tìm con đường mới để bảo đảm thông tin liên lạc, Nguyễn Tri Phương đã dựa vào người dân địa phương hai phía Quảng Nam và Thừa Thiên để thiết lập con đường: “3 tên dân người phủ Thừa Thiên là bọn Hoàng Văn Xuân, hiện ở ấp Sơn Lĩnh đều nói, bọn chúng nguyên trước ở núi Hải Vân lấy củi sinh sống.
Trước đây thấy núi bên phải của Hải Vân có 1 con đường nhỏ qua Liên Sơn đi xuống dưới xứ Liên Chiểu, xuống đến Cu Đê. Hành trình so với con đường cũ Nam Chân có khác nhau. Hiện nay có 1 đoạn bị lấp. Nay nếu như khai phá khi cần hành quân. Còn nếu tàu giặc Tây đậu gần ven biển có dụng tâm dòm ngó, thì phía ngoài có núi rừng chắn nên đại bác không thể bắn đến đường đó. Thiểm chức xét thấy đúng sự thực, nghĩ nên do Thị vệ Hồ Văn Hiển cùng 15 dân, lính do bọn chúng dẫn đến con đường đó chặt cây mở lại con đường đó để khi quan báo tới đồn Cu Đê cho được gần tiện”.
Hiện nay dấu tích trạm Nam Chơn còn rất rõ, đồn Chân Sảng thì chỉ là đoán định, tuy nhiên trận Nam Chơn đã gây kinh ngạc cho chúng ta về tính quy mô, sự quý giá về giá trị lịch sử, văn hóa mà các vòng thành đá xếp chồng lên nhau là một ví dụ. Đây chính là cơ sở để chúng ta cần nhanh chóng bảo vệ, trùng tu, khai thác di tích quí giá này. Bởi lẽ, xét trên khắp các trạm trên đường Thiên lý xưa, chỉ có trạm Nam Chơn còn khá rõ hình thù nguyên vẹn, sau hàng mấy trăm năm qua.
LƯU ANH RÔ
Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử
thành phố Đà Nẵng