Để nguồn vốn của các chương trình tín dụng chính sách triển khai đúng đối tượng, một phần có sự đóng góp không nhỏ của các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) địa phương, trong đó có các tổ do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố quản lý. Họ chính là “cánh tay nối dài” của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), luôn sát cánh cùng các hộ dân khó khăn giúp họ tiếp cận và sử dụng vốn hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Chị Nguyễn Thị Bé (bên trái), Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn phụ trách tổ dân phố 18 và 20 phường Bình Thuận (quận Hải Châu) nộp lãi và gốc cho các tổ viên vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố. Ảnh: X.D |
Hơn 18 năm làm tổ trưởng tổ TK&VV, phụ trách quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại tổ dân phố 18 và 20 phường Bình Thuận (quận Hải Châu), chị Nguyễn Thị Bé, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 9 (phường Bình Thuận) luôn được bà con nhân dân trong tổ TK&VV hết mực tin tưởng và yêu mến. Có được điều này là bởi chị luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm, giúp nhiều tổ viên và đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH để làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Để quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách, chị Bé tích cực tham gia các đợt tập huấn nghiệp vụ vay vốn của NHCSXH và các cấp hội tổ chức, tham gia giao ban tại điểm giao dịch của phường, tổ chức sinh hoạt tổ định kỳ, theo dõi kiểm tra việc sử dụng vốn của các hộ vay. Qua đó, kịp thời nắm bắt những vấn đề liên quan đến chính sách tín dụng để tư vấn cho tổ viên; giúp các hộ vay trả lãi và gốc đúng thời gian quy định, không để tình trạng lãi tồn và nợ quá hạn.
Đối với những hộ vay sử dụng vốn không đúng mục đích, chậm triển khai dự án, chị kịp thời nhắc nhở, đồng thời lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của tổ viên để cùng địa phương, hội cấp trên và ngân hàng có biện pháp tháo gỡ phù hợp.
Hiện nay, tổ TK&VV do chị Bé làm tổ trưởng có 57 thành viên với tổng dư nợ hơn 3,1 tỷ đồng để thực hiện các chương trình vay vốn của NHCSXH như: cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, sinh viên, giải quyết việc làm và nhà ở xã hội. Dưới sự hướng dẫn và quản lý chặt chẽ của chị, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả. Tổ không có nợ quá hạn, lãi tồn, tổ viên tham gia tiền gửi tiết kiệm đạt 100% số hộ vay.
“Triển khai cho tổ viên vay vốn là một chuyện, nhưng bảo đảm tổ viên sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, đặc biệt là trả lãi và nợ đúng hạn lại là chuyện không hề đơn giản. Vì vậy, tôi thường xuyên quan tâm, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư của tổ viên. Từ đó, có hướng quản lý, vận động tổ viên chấp hành tốt quy định về vay vốn tín dụng, linh động dùng biện pháp “mềm – chặt” theo từng tình huống, hoàn cảnh cụ thể”, chị Bé chia sẻ.
Tham gia công tác hội phụ nữ từ năm 2005 và lần lượt trải qua các vị trí như: phó chi hội trưởng, chi hội trưởng phụ nữ số 6, phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), chị Lê Thị Em thân thuộc toàn bộ người dân trong khu vực, được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố 14, kiêm Tổ trưởng tổ TK&VV phụ trách quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại tổ dân phố 12 và 14 của địa phương.
Trong suốt những năm qua, tổ TK&VV do chị Em quản lý là một trong số ít tổ không có lãi tồn đọng và nợ quá hạn, 100% tổ viên tham gia gửi tiết kiệm với số tiền gần 200 triệu đồng. Chị Em cho biết, tổ TK&VV do chị quản lý có 58 hộ vay với tổng dư nợ gần 2 tỷ đồng. Đa số các hộ vay đều là lao động phổ thông và buôn bán nhỏ đời sống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, chị thường xuyên đề xuất với Hội Liên hiệp Phụ nữ phường tín chấp cho bà con được vay vốn từ các chương trình như: hộ nghèo, cận nghèo, giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên.
Cùng với đó, chị tư vấn cho bà con cách sử dụng vốn vay hiệu quả, thực hành tiết kiệm, đầu tư phương tiện sinh kế để làm ăn, phát triển kinh tế. Đến nay, nhiều tổ viên đã thoát nghèo, đời sống gia đình từng bước ổn định, tích cực tham gia các phong trào tại địa phương.
Theo chị Em, đối với công việc quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại địa phương, tổ trưởng tổ TK&VV phải nhiệt tình, tâm huyết, hết lòng giúp người dân thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, phải luôn sâu sát, nắm bắt kịp thời từng hoàn cảnh gia đình, nhu cầu vay vốn của các thành viên trong tổ TK&VV; học hỏi, nghiên cứu kỹ nội dung các chương trình tín dụng chính sách xã hội để tư vấn, hỗ trợ cho tổ viên thông qua các buổi họp tổ TK&VV, bảo đảm nguồn vốn được triển khai đúng đối tượng và phát huy hiệu quả.
“Ngoài ra, người tổ trưởng phải thường xuyên tuyên truyền, vận động tổ viên hình thành ý thức tự giác, thói quen tiết kiệm để vừa trả lãi và gốc đúng theo thỏa thuận, vừa có nguồn tiền để trang trải cho cuộc sống, tránh tình trạng làm đồng nào ăn đồng đó”, chị Em chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Nguyễn Thị Huyền, hiện toàn thành phố có 1.869 tổ TK&VV, trong đó có 699 tổ do kênh Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ TK&VV, Thành Hội chủ động chỉ đạo và hướng dẫn các cấp hội cơ sở lựa chọn những người có uy tín trong cộng đồng để làm tổ trưởng, quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ hằng năm cho ban quản lý tổ TK&VV. Với vai trò “cầu nối”, các tổ trưởng tổ TK&VV như chị Nguyễn Thị Bé và Lê Thị Em, cùng với các chị tổ trưởng tổ TK&VV do Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý đã chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, theo dõi các hộ vay thực hiện tốt việc trả lãi, trả nợ. Qua đó, giúp chị em phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên toàn thành phố.
Ngày 15-8, NHCHXH thành phố tổ chức hội nghị tôn vinh tổ trưởng tổ TK&VV. Dịp này, NHCHXH thành phố tôn vinh 185 tổ TK&VV trên toàn thành phố có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, có 67 tổ do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố quản lý được tôn vinh. |
THIÊN DUYÊN