Khảo sát cho thấy sản phẩm của doanh nghiệp đạt hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua chiếm 80%, có thương hiệu uy tín 60%, sản phẩm đa dạng chủng loại 47% hay giá bán cạnh tranh 39%.
Các sản phẩm mang thương hiệu Việt không ngừng được cải thiện hơn về chất lượng, mẫu mã, giá cả hợp lý. (Ảnh: TTXVN) |
Từ sự gần gũi thân quen, hàng Việt đã từng bước chiếm lĩnh sự tin tưởng của người tiêu dùng thông qua chất lượng hàng hoá, mẫu mã đa dạng và giá cả cạnh tranh. Hiện nay, tại các quầy kệ trong hệ thống phân phối lớn, hàng Việt cũng đang chiếm tỷ lệ áp đảo so với hàng hoá nhập khẩu.
Tuy nhiên, để hàng Việt chinh phục người tiêu dùng Việt, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp cần chú trọng hướng tới sản phẩm xanh, truy xuất nguồn gốc rõ ràng cũng như áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động mua sắm.
Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sức mua của người tiêu dùng với hàng Việt ngày càng tăng cao và có tới hơn 90% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt; 75% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt; tỷ trọng hàng Việt tại các chợ chiếm trên 70%…
Riêng với địa bàn Hà Nội, qua khảo sát một số siêu thị như Co.opmart, Vinmart, Hapro… hàng Việt đang chiếm tỷ lệ áp đảo với 90-95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market…hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ từ 60-96%.
Ngoài ra, tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên. Điều này đã cho thấy, nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi, không chỉ là sự vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà hiện tại, hàng Việt Nam đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt.
Điều này đã khẳng định nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi, không chỉ là vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà hàng Việt đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt. Đặc biệt, hàng Việt không chỉ định danh ở thị trường nội địa mà còn vươn xa ra thế giới như Vinamilk, TH True Milk, cà phê Trung Nguyên, gạo Lộc Trời…
Khảo sát cho thấy sản phẩm của doanh nghiệp đạt hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua chiếm 80%, có thương hiệu uy tín 60%, sản phẩm đa dạng chủng loại 47% hay giá bán cạnh tranh 39%. Ngoài ra, có trên 50% đánh giá doanh nghiệp có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua. Đây là tín hiệu đáng mừng để doanh nghiệp nỗ lực hơn trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như mong đợi của người tiêu dùng.
Ông Võ Phi Hải – Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart chi nhánh Nha Trang, cho biết hàng Việt chiếm đến 90% cơ cấu hàng hóa của chi nhánh cũng như hệ thống. Các sản phẩm đều có xuất xứ rõ ràng, có các chứng nhận như hàng Việt chất lượng cao, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm)…
Hơn nữa, nhà cung cấp hàng Việt thay đổi mẫu mã các sản phẩm thường xuyên, thực hiện các chương trình khuyến mãi hàng tuần, hàng tháng, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm hàng Việt tốt, một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh được so với hàng nước ngoài.
Hiện tại, siêu thị Co.opmart chi nhánh Nha Trang có nhiều chương trình kích cầu thiết thực nhằm đẩy mạnh hơn nữa hàng Việt đến với người tiêu dùng, đồng thời tăng cường chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp sản xuất hàng tại Việt Nam. Qua đó, hàng hoá luôn được siêu thị ưu tiên diện tích, vị trí trưng bày trên quầy kệ; chương trình khuyến mãi cũng đặc biệt chú trọng tới sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng và hướng tới dòng sản phẩm chất lượng, công nghệ cao, đầu tháng 6/2023, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã ra mắt thương hiệu nước uống ion kiềm KQA. Đây là dây chuyền sản xuất loại nước uống ion kiềm công nghệ Nhật Bản có tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng, công suất 3.000 lít/giờ.
Cùng đó, để nâng cao lợi thế cạnh tranh, hợp tác xã chú trọng xây dựng thương hiệu qua việc đẩy mạnh quảng bá, truyền thông; thiết lập hệ thống nhận diện thương hiệu, công khai nhật trình sản xuất sản phẩm. Vì vậy, dù mới thâm nhập thị trường chưa lâu nhưng Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Khai Quang đã mở rộng mạng lưới phân phối tại hàng chục tỉnh, thành lân cận với hơn 100 cộng tác viên. Các gian hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee và Lazada, mạng xã hội đã bắt đầu đi vào hoạt động và được người tiêu dùng đón nhận.
Thời trang may mặc là một trong những mặt hàng có sức mua tăng cao tại hệ thống siêu thị Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN) |
Xung quanh vấn đề này, quan điểm của chuyên gia cho rằng, tới đây cần mở rộng và nâng cao chất lượng Cuộc vận động từ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sang “Hàng Việt chinh phục người Việt”. Ngoài ra, tập trung giải pháp hỗ trợ, định hướng, giúp chuẩn hóa có truy xuất nguồn gốc những mặt hàng thiết yếu gắn liền với đời sống hàng ngày; xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết chặt chẽ, lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ hoạt động nuôi trồng, sản xuất đến phân phối.
Mặt khác, hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong cung ứng, phân phối hàng hóa, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt nhanh chóng, thuận tiện.
Nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai hoạt động xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm hàng Việt theo hình thức phù hợp với tình hình mới.
Điều này nhằm nâng cao vị thế, chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, hướng tới hàng Việt chinh phục người Việt và tự hào sử dụng hàng Việt.
Theo TTXVN