Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025 xác định một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới; nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.
Nhóm sáng tạo sản phẩm Blockchain, ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý tài sản số, phát triển kinh tế số tại Đà Nẵng. Ảnh: PV |
Công nghệ cao trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp công nghệ thông tin là 2 trong 5 mũi nhọn phát triển kinh tế thành phố. Khi Khu công nghệ cao (KCNC) Đà Nẵng hình thành, nhiều dự án của doanh nghiệp nước ngoài được xây dựng, cơ cấu nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ chỉ chiếm 30%, trong khi đó lĩnh công nghiệp trở thành lực hút mới khi chiếm hơn 50%.
Ngày 26-10-2021, UBND thành phố ban hành Quyết định số 3395/QĐ-UBND về “Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 thu hút 3 tỷ USD vốn đầu tư , giai đoạn 2026 – 2030 thu hút 4 tỷ USD. Đến năm 2025, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường hướng đến công nghệ cao tăng 50% so với năm 2018; tỷ lệ nội địa hóa đạt 30%; tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động đạt 75% (các mục tiêu này đến năm 2030 lần lượt là 100%, 40% và 80%).
Xác định công nghệ cao là một trong những định hướng chiến lược trong quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố xây dựng KCNC Đà Nẵng là một trong 3 khu công nghệ cao đa chức năng cấp quốc gia, là khu duy nhất ở miền Trung được đầu tư hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh.
Ông Trần Văn Tỵ, Bí thư Đảng ủy, Phó trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) Đà Nẵng cho biết, KCNC Đà Nẵng đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng mặt bằng sạch và đồng bộ để nhà đầu tư thuận lợi trong việc triển khai xây dựng dự án, nhà máy.
Thành phố cũng áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi đầu tư vào KCNC như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất… Đối với những dự án có vốn đầu tư lớn, Ban quản lý thành lập các tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp từ giai đoạn tiếp xúc, làm hồ sơ đến khi trao giấy chứng nhận đầu tư. “Định hướng của thành phố rất đúng đắn khi cơ cấu lại nền kinh tế, tập trung phát triển công nghệ cao và công nghệ thông tin.
Trong nửa nhiệm kỳ, KCNC, Khu Công nghệ thông tin và các khu công nghiệp đã thu hút 71 dự án; trong đó có 59 dự án đầu tư trong nước và 12 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 557,7 triệu USD, đạt 55,7% mục tiêu đề ra”, ông Trần Văn Tỵ nhấn mạnh.
Hiện nay, Ban Quản lý KCNC&CKCN đang đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xúc tiến đầu tư các khu công nghiệp mới gồm: KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Ninh, KCN Hòa Cầm – giai đoạn 2, trong đó KCN Hòa Ninh, KCN Hòa Cầm – giai đoạn 2 đang lập thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, KCN Hòa Nhơn đang điều chỉnh quy hoạch và xây dựng mô hình khu đô thị thông minh tại KCNC.
Thúc đẩy kinh tế số
Ngày 28-8-2021, UBND thành phố ban hành Đề án “Chuyển đổi số” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định chuyển đổi số là động lực, “chìa khóa” quan trọng để giải quyết các điểm nghẽn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: “Trong những năm qua, công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đã diễn ra đồng bộ, mạnh mẽ, cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã chủ động, tích cực tham gia triển khai và đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực. Cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) được chú trọng đầu tư khá đồng bộ; hình thành một số cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành; triển khai cung cấp dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước; phát triển các nền tảng số dùng chung và các ứng dụng, tiện ích thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp”.
Đến nay toàn thành phố có 3 khu CNTT tập trung, bao gồm Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu CNTT Đà Nẵng và Khu CNTT tập trung FPT Complex. Thành phố hiện có khoảng 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (tăng khoảng 200 doanh nghiệp so với cuối năm 2022), chỉ xếp thứ hai sau Thành phố Hồ Chí Minh và cao gấp 3 lần tỷ lệ trung bình cả nước là 0,7 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân. Tổng nhân lực CNTT thành phố tính đến cuối năm 2022 khoảng 47.500 người, chiếm 7,7% trong tổng lực lượng lao động toàn thành phố.
Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Công ty Kardiachain triển khai giới thiệu nền tảng Blockchain cho thành phố Đà Nẵng (gọi là DaNangChai) để đưa vào triển khai các ứng dụng về tài sản số, tài chính số, quản lý văn bản số, dự kiến cuối năm 2023 sẽ thí điểm trên lĩnh vực tài sản số.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số của Đà Nẵng năm 2021 đóng góp 12,57% GRDP thành phố. Theo ước tính sơ bộ của Vụ Kinh tế số và Xã hội số, kinh tế số Đà Nẵng năm 2022 đóng góp khoảng 17,5% GRDP thành phố, dự kiến năm 2025 sẽ đạt 20% GRDP. Trong đó ngành công nghiệp CNTT có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân trên 20%/năm).
Doanh nghiệp công nghệ số thành phố có nhiều sản phẩm chủ lực và đạt giải thưởng lớn, như: Nền tảng Cảng Chuyển đổi số ePort và Giải pháp tự động hóa ứng dụng công nghệ RPA của Công ty Irtech đoạt giải thưởng Sao Khuê 2022; Nền tảng chuyển đổi số ngành dệt may của Công ty Retex là 1 trong 5 sản phẩm đoạt Giải thưởng Viet Solutions 2022; 4 sản phẩm được trao Giải thưởng Sản phẩm Make in Viet Nam năm 2022 gồm: Giải pháp Green Data của Công ty Cổ phần CNTT Toàn cầu Xanh; Giải pháp ERP của Công ty CP Phần mềm quản lý doanh nghiệp, Sản phẩm công-tơ điện tử và Trạm sạc nhanh cho ô-tô điện của Tổng công ty Điện lực miền Trung. Tháng 3-2023, sản phẩm Sàn thương mại điện tử Selly của Công ty TNHH Selly đoạt giải thưởng Sao Khuê năm 2023 cho hạng mục dành cho các sản phẩm, giải pháp khởi nghiệp số. |
HOÀNG NHUNG