Theo nguồn gốc phát sinh, phần lục địa của Đà Nẵng bao gồm 3 loại đất: Đất vùng núi và gò đồi; Đất vùng đồng bằng; Nhóm đất cồn cát ven biển. Nguồn khoáng sản của thành phố có đá cẩm thạch ở Non Nước – Ngũ Hành Sơn, cát thạch anh ở Hòa Khánh, cát thủy tinh ở Nam Ô, than bùn ở Bàu Tràm, Bàu Sấu, Hòa Tiến, nhóm vật liệu xây dựng ở Hòa Mỹ và Hòa Tiến.
* Phân loại đất theo nguồn gốc phát sinh thì phần lục địa của Đà Nẵng bao gồm các loại đất sau: Đất vùng núi và gò đồi; Đất vùng đồng bằng; Nhóm đất cồn cát ven biển.
– Đất vùng núi và gò đồi: có tổng diện tích là 71.190,0 ha, chiếm 72,65% diện tích đất phần lục địa, bao gồm các nhóm đất sau: Đất đỏ vàng (69.167,00 ha), đất mùn vàng đỏ (256,0 ha), đất dốc tụ (1.767,0 ha); các nhóm đất này có nguồn gốc chủ yếu từ đá biến chất phát triển trên các đá mẹ như mắc-ma, gra-phit…;
– Đất vùng đồng bằng có tổng diện tích là 17.352,0 ha, chiếm 17,71% diện tích đất vùng lục địa, bao gồm các nhóm đất: Nhóm đất phù sa không nhiễm mặn (15.542 ha), nhóm đất mặn (1.149 ha), nhóm đất phèn mặn (616 ha);
– Nhóm đất cồn cát ven biển có tổng diện tích là 9.446 ha, chiếm 9,64% diện tích đất phần lục địa.
Bản đồ địa chất thành phố Đà Nẵng
* Khoáng sản Thành phố Đà Nẵng có đá cẩm thạch ở Non Nước – Ngũ Hành Sơn, cát thạch anh ở Hòa Khánh, cát thủy tinh ở Nam Ô, than bùn ở Bàu Tràm, Bàu Sấu, Hòa Tiến, nhóm vật liệu xây dựng ở Hòa Mỹ và Hòa Tiến.
– Khoáng sản kim loại: phân bố rải rác ở các khu vực núi cao gồm các điểm quặng: Đồng (Cu) ở Hòa Ninh; wolfram (W), thiếc (Sn) ở An Lợi, Đồng Nghệ, vàng (Au): Điểm vàng gốc Hang Dơi có biểu hiện nghèo, hàm lượng thấp và quy mô nhỏ. Điểm vàng gốc Khe Đương phân bố ở thượng nguồn Khe Đương, thuộc xã Hòa Bắc hiện UBND thành phố cấp phép khai thác cho Công ty TNHH MTV Bông Sen Vàng Đà Nẵng. Điểm vàng sa khoáng Tà Lang: vàng phân bố trong thêm I của sông Bắc, diện phân bố không lớn, hàm lượng thấm và không đều, trữ lượng nhỏ.
– Khoáng sản phi kim loại: gồm có: điểm sét cao lanh, điểm pirit Hòa Bắc… ở quy mô nhỏ. Vật liệu xây dựng thông thường gồm có: đá granit Hải Vân, Cẩm Khê – Phước Tường, Hòa Khương, Bà Nà. Đá phiến sừng Phước Thuận (Hòa Nhơn), Hòa Sơn; Đá phiến tổ họp Phò Nam (Hòa Bắc). Sét gạch ngói phân bố ở Nam Thành (xã Hòa Phong). Vật liệu san lấp: Chủ yếu là đất đồi được phong hóa từ các đá phiến phân bố ở các xã ở huyện Hòa Vang.
CỔNG TTĐTTP TỔNG HỢP
(THAM KHẢO TỪ BAN THUYẾT MINH ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045; NIÊN GIÁM THỐNG KÊ: 2018 – 2019)