Theo Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử (NXB Chính trị Quốc gia, 1992) thì ngày 28-1-1941, tức Mồng 2 Tết Tân Tỵ, sau 30 năm xa, Bác Hồ về nước. Khi bước tới cột mốc 108 nằm trên biên giới Việt – Trung (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Người đứng lặng hồi lâu, xúc động. Người lấy tên là Già Thu và ở lại Pắc Bó để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Người chủ trì hội nghị lần thứ tám của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ 10 đến 19-5-1941. Hội nghị đã ra nghị quyết quan trọng, đưa cách mạng Việt Nam đến bước ngoặt giải phóng: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Theo sáng kiến của Người, hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, bảo đảm cho sự thành công của Tổng khởi nghĩa sắp tới, tối 13-8-1942, Nguyễn Ái Quốc, với tên mới Hồ Chí Minh lên đường sang Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam và lực lượng Đồng minh. Cùng đi có đồng chí Lê Quảng Ba. Ngày 25-8-1942, Hồ Chí Minh đến Ba Mông thuộc huyện Tĩnh Tây và ở nhà Từ Vĩ Tam, một nông dân nghèo, từng kết nghĩa anh em hai ngày nhân Tết Trung nguyên.
Sáng sớm 27-8, Hồ Chí Minh lên đường đi Bình Mã, có Dương Đào (tức Dương Thuần Cương, một thanh niên nông dân người Choang, lúc này chưa đầy 20 tuổi) dẫn đường. Hai người đến phố Túc Vinh (huyện Thiên Bảo, Quảng Tây) thì bị quân tuần cảnh Quốc dân đảng bắt giữ.
Theo báo cáo của Trương Phát Khuê, Tư lệnh Đệ tứ chiến khu của Quốc dân đảng lúc đó, thì khi kiểm tra căn cước, tuần cảnh phát hiện ra ngoài Chứng minh thư của “Quốc tế phản xâm lược hiệp hội Việt Nam phân hội” ra, Hồ Chí Minh còn mang theo Thẻ hội viên đặc biệt của “Quốc tế tân văn xã”, và Giấy thông hành của quân dụng của Văn phòng tư lệnh Đệ tứ chiến khu cấp. Tất cả giấy tờ đều cấp năm 1940, đã quá thời hạn sử dụng nên bị nghi là gián điệp.
Bác viết về chuyện này trong Nhật ký trong tù như sau:
Túc Vinh mà để ta mang nhục
Cố ý dằng dai, chậm bước mình
Bịa chuyện tình nghi là gián điệp
Cho người vô cớ mất thanh danh
(Bị bắt giữ ở phố Túc Vinh – Nguyên văn chữ Hán, Huệ Chi dịch)
Từ đó Bác bị giam trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch 14 tháng.
Ngày 10-9-1943, Bác được trả tự do. Sức khỏe Người giảm sút: mắt bị mờ, chân đi không vững. Người vừa tự tập luyện để phục hồi sức khỏe, vừa tìm cách liên hệ với những tổ chức chống phát xít Nhật và thực dân Pháp của người Việt Nam ở Liễu Châu, đồng thời tìm cách chắp nối liên lạc với Trung ương Đảng ở trong nước.
Tổ chức Đồng minh hội của một số người Việt Nam lúc này do Nguyễn Hải Thần làm chủ nhiệm, đặt dưới sự giám sát của cơ quan chính trị của quân đội Tưởng Giới Thạch.
Tại Liễu Châu, Hồ Chí Minh dự một bữa tiệc do Hầu Chí Minh, Chủ nhiệm Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu chiêu đãi. Trong bữa tiệc, Nguyễn Hải Thần vốn tự phụ về trình độ văn học, Hán học nhân đó đọc một vế đối: “Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, lưỡng vị đồng chí, chí giai minh” (Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, hai vị đồng chí, chí đều sáng). Mọi người còn đang suy nghĩ thì Hồ Chí Minh ung dung đọc: “Nhĩ cách mệnh, ngã cách mệnh, đại gia cách mệnh, mệnh tất cách” (Anh cách mạng, tôi cách mạng, mọi người cách mạng, mạng phải cách).
Mọi người vỗ tay tán thưởng. Hầu Chí Minh ca ngợi không ngớt: “Đối hay lắm!”. Nguyễn Hải Thần cũng cung kính nói: “Hồ tiên sinh tài trí mẫn tiệp. Bội phục! Bội phục!”.
Trong những năm tháng ở tù, Bác có một tập nhật ký bằng thơ. Tập thơ “Nhật ký trong tù” ấy được NXB Văn hóa xuất bản lần đầu năm 1960. Cũng năm ấy được xuất bản ở Liên Xô, Trung Quốc, nay thì đã được dịch sang hàng chục thứ tiếng khác nhau. Ngay từ lần xuất bản đầu tiên đã gây được tiếng vang mạnh mẽ trên văn đàn thế giới.
Học giả Quách Mạt Nhược (Trung Quốc) nhận định: “Đó không đơn thuần là thơ, mà là một bộ sử thi”. Nhà thơ Viên Ưng (Trung Quốc) viết trong bài “Bác Hồ, một nhà thơ lớn” rằng: “Trong tập sách nhỏ gồm hơn 130 bài thể thơ cũ của Trung Quốc, không những chúng ta thấy được lại bộ mặt tàn khốc, đen tối của nhà tù mà chúng ta còn được gặp một tâm hồn vĩ đại của một nhà ái quốc, một tâm hồn vĩ đại của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng”. Nhà văn Pháp Bu-đa-ren viết: “Trong những bài tứ tuyệt của Hồ Chí Minh, có cảnh màn đêm buông xuống, có cảnh bình minh bừng sáng, nhưng đây không phải là những bức tranh công thức, mà lại nói lên những vấn đề thiết thân của con người trong thời đại chúng ta”. Tổng Biên tập Tạp chí Lăng kính Phương Bắc của Thụy Điển, TS P. Xđi-la-ghi viết: “Đây là một cuốn sách mà tất cả mọi người yêu thơ đều nên đọc, vô luận người đọc ấy mang chính kiến như thế nào”.
Đã tròn 80 năm trôi qua kể từ khi bài thơ cuối cùng của Nhật ký trong tù được đặt dấu chấm hết, tập thơ khép lại bằng chữ “hoàn”. Đã 63 năm từ khi tập thơ được xuất bản và phổ biến rộng rãi. Mọi góc cạnh, mọi giá trị của tập thơ dường như đã được khám phá.
Song, tôi tin rằng, nó vẫn mang nhiều bí mật, bí ẩn với các nhà nghiên cứu; nó vẫn còn rất nhiều bổ ích nếu các bạn trẻ tiếp cận được và hiểu sâu về nó.
Một tác phẩm nghệ thuật lớn không bao giờ đặt giới hạn nó ở đâu, ở thời điểm nào. Mà nó mãi mãi tỏa sáng, lung linh những trường nghĩa mới trong những người tiếp nhận mới trong quá trình đồng sáng tạo.
Nhật ký trong tù là một tác phẩm như vậy.
Chúng ta là người Việt Nam. Ngày nay, đọc Nhật ký trong tù, điều trực tiếp nhất, giản dị nhất là thấm thía hơn nỗi khổ cực, gian lao mà Bác đã phải trải qua trên con đường cứu nước. Và chúng ta càng đồng cảm với nhà thơ Tố Hữu: Lại thương nỗi đọa đày thân Bác/ Mười bốn trăng tê tái gông cùm. Và để Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn, làm một con người có đạo đức, có tình yêu thương, làm người cách mạng trong sáng, kiên cường cống hiến nhiều hơn nữa cho dân, cho nước. Không có gì vinh quang hơn, hữu ích hơn, hạnh phúc chân chính hơn là đi theo con đường Bác Hồ đã chọn.
Chúng ta đọc Nhật ký trong tù để học cách làm người. Trước hết là sự tự tin. Không có ai, không có gì là nhỏ bé. Một cái gậy, một cột cây số… cũng có thể dìu đỡ người khác, chỉ hướng cho người khác. Chúng ta học cách luyện chí anh hùng qua gian nan, thử thách như thép phải tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, như hạt gạo phải qua xay giã giần sàng mới thành hạt ngọc. Muốn nhìn rộng cuộc đời, muốn nhìn sâu sự vật phải nâng cao tầm mình, Dục cùng thiên lý mục/ Cánh thướng nhất tằng lâu; muốn vượt qua hoạn nạn, muốn thành công phải lạc quan tin tưởng, nắm vững quy luật và phấn đấu cho một tương lai tươi sáng: Người cùng vạn vật đều phơi phới/ Hết khổ là vui vốn lẽ đời…
Ở Nhật ký trong tù, bằng những bức tranh tả thực sinh động, khi đau xót, khi hài hước châm biếm, có nhiều bài tố cáo sự hà khắc, bất công trong nhà tù và cả chế độ Tưởng Giới Thạch, nhưng đó không phải là nội dung chủ yếu.
Như chúng ta đã biết, Bác sang Trung Quốc để tìm thêm nguồn lực cho cách mạng. Điều quan tâm số một, suy nghĩ ngày đêm của Bác là làm thế nào để Tổng Khởi nghĩa thành công Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh. “Học đánh cờ” là một binh thư trong đó có chớp thời cơ, hành động mau lẹ, thần tốc; có sự điều hành lực lượng, biết công, biết thủ, nhìn cho rộng cả thế cuộc, suy nghĩ cho kỹ càng từng việc Nhãn quang ưng đại, tâm ưng tế. Học đánh cờ là một bài huấn luyện cán bộ rất hữu ích, có giá trị lâu dài.
Năm 1965, Bác Hồ đi nghỉ và dưỡng bệnh ở núi Hoàng Sơn, phía nam tỉnh An Huy. Phó Chủ tịch Trung Quốc Đổng Tất Vũ có làm một bài thơ tặng Người. Người đáp:
Đổng công tặng ngã dĩ trường thi
Ngã dục tác thi phụng họa chi
Khả thị kháng Mỹ cứu quốc sự
Hoàn toàn chiếm lĩnh ngã tâm ti
Phan Văn Các dịch là:
Cụ Đổng tặng tôi bài thơ dài
Tôi muốn làm thơ họa lại Người
Nhưng việc nước nhà đang chống Mỹ
Hoàn toàn chiếm trọn trái tim tôi.
NGUYỄN SĨ ĐẠI