Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tháng 7-2023 cả nước có 13,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 126,9 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 79 nghìn lao động, tăng 4,3% về số doanh nghiệp, tăng 2,4% về số vốn đăng ký và giảm 25,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Làm thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội). Ảnh (tư liệu): Danh Lam/TTXVN |
Tính chung 7 tháng năm 2023, cả nước có 89,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 834,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 588,9 nghìn lao động, tăng 0,2% về số doanh nghiệp, giảm 17,1% về vốn đăng ký và giảm 5,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng năm 2023 đạt 9,3 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Nếu tính cả 1.117,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 28,9 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2023 là 1.952,2 nghìn tỷ đồng, giảm 41,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 42,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2023 lên 131,9 nghìn doanh nghiệp, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 18,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, 7 tháng năm nay có 945 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 23,7% so với cùng kỳ năm trước; 21,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 5%; 67,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 2,5%.
Cũng trong tháng 7, có 6.884 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34,9% so với tháng trước và tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2022; có 5.257 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 8,6% và tăng 19%; có 1.581 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,7% và giảm 10,5%.
Tính chung 7 tháng năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 66,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước; 36 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,9%; 10,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,6%. Bình quân một tháng có 16,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhìn vào bức tranh “ra – vào” thị trường của doanh nghiệp chưa thực sự ổn định, cho thấy việc phục hồi kinh tế của Chính phủ cùng các bộ, ngành còn nhiều thách thức. Do đó, những chính sách hỗ trợ được Chính phủ ban hành gần đây cần sớm đưa vào thực thi một cách hiệu quả, trợ sức cho doanh nghiệp ổn định và phục hồi dần sản xuất, kinh doanh.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, đánh giá chính sách nước sở tại, từ đó kịp thời tham mưu cho Bộ Công Thương về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương.
Bên cạnh đó, đưa ra khuyến cáo giúp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; tiếp nhận các ý kiến đề xuất của hiệp hội doanh nghiệp, địa phương để có kế hoạch hỗ trợ hiệp hội, địa phương trong phát triển thị trường.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp chủ động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực của mỗi đơn vị, chủ động chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp với xu hướng thị trường đặc biệt chuyển đổi xuất khẩu xanh, bền vững.
Mặt khác, tập trung cung cấp thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, trao đổi kịp thời với các đơn vị thuộc Bộ và các Bộ ngành liên quan, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp thực hiện có hiệu quả.
Đối với doanh nghiệp, Thứ trưởng lưu ý tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ quy định, chính sách của nhà nước, hướng dẫn của bộ, ngành trong tổ chức sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và quy trình, quy định, yêu cầu, điều kiện của thị trường ngoài nước.
Theo baotintuc.vn