Tổng cục Thống kê vừa cho biết, tháng 7 là tháng cao điểm của mùa du lịch hè nên hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sôi động, doanh thu tăng, đặc biệt là du lịch.
Khách du lịch ở Cô Tô (Quảng Ninh). Ảnh minh họa: TTXVN phát |
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7-2023 ước đạt 512,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.529,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,7%).
Theo giá hiện hành, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2023 đạt quy mô cao hơn nhưng tốc độ tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm 2023 ước đạt 2.777,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,7% tổng mức và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,9%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 10,1%; may mặc tăng 8,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 3,6%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 1,7%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm 2023 ước đạt 377,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng mức và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng năm 2023 ước đạt 18,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,5% tổng mức và tăng 53,6% so với cùng kỳ năm trước do tháng Bảy là tháng cao điểm mùa du lịch hè.
Doanh thu 7 tháng năm 2023 của một số địa phương so với cùng kỳ năm trước như sau: Đà Nẵng tăng 99,7%; Hà Nội tăng 89,7%; Quảng Ninh tăng 82,5%; Khánh Hòa tăng 75,1%; Hải Phòng tăng 68,1%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 43,5%; Cần Thơ tăng 33,4%; Bình Dương tăng 21,3%.
Doanh thu dịch vụ khác 7 tháng năm 2023 ước đạt 356,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước.
Xác định thị trường trong nước là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP cả nước, để phát triển thị trường trong nước trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.
Cùng với đó, tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước; Đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường.
Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam.
Nhằm tăng cường thúc đẩy du lịch, mới đây, 3 địa phương Bình Định – Quảng Ninh – Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị liên kết phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của ba địa phương trong việc liên kết đẩy mạnh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch; đồng thời, đề nghị, các địa phương cần triển khai hiệu quả và thực chất các thỏa thuận hợp tác; phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương, doanh nghiệp để thúc đẩy liên kết hiệu quả. Các tỉnh, thành phố chú trọng tạo ra các chuỗi sản phẩm liên địa phương đặc trưng, có chất lượng, mang tính cạnh tranh và hấp dẫn du khách.
“Các địa phương cần đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và cách thức xúc tiến quảng bá; kết hợp xúc tiến quảng bá trực tiếp với trực tuyến trên các nền tảng số và mạng xã hội; chủ động chuyển đổi số các nền tảng dữ liệu du lịch, xây dựng các hệ thống điều hành du lịch hiệu quả”, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Theo Baotintuc.vn