ĐNO – Sáng 4-1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị công bố Nghị quyết số 259/NQ-CP của Chính phủ ngày 31-12-2024 về ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo số 47-TB/TW ngày 15-11-2024 của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Cùng chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VGP |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự tham dự đông đảo của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu, các chia sẻ, đề xuất và cam kết cụ thể đều thể hiện quyết tâm cao, tinh thần trách nhiệm, sự chia sẻ, chung sức đồng lòng với việc xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Hiện Việt Nam đang có được những thành tựu to lớn sau nhiều năm đổi mới. Đây là những điểm tựa rất quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Năm 2024, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi rất tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và có thặng dư cao, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách Nhà nước thấp hơn giới hạn quy định.
Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng và thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới với mức tăng trưởng GDP cả năm khoảng trên 7%.
Chính trị – xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, tăng cường. Đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, tiếp tục khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng đánh giá năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập nước. Cùng với đó, sắp xếp bộ máy “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”; tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
2025 cũng là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề để có thể tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thực hiện tốt hơn công tác an sinh xã hội, cuộc sống của nhân dân ngày một ấm no hơn.
Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực), cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác các không gian phát triển mới như không gian vũ trụ, không gian ngầm, không gian biển.
Cùng với đó, làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm…, đặc biệt là nghiên cứu, phát triển chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật là những lĩnh vực mà Việt Nam cần đi tắt đón đầu, đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên.
Về hạ tầng chiến lược, Thủ tướng chỉ ra một số các mục tiêu cụ thể trong năm 2025, bao gồm hoàn thành ít nhất 3.000 km cao tốc, thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau; khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; chuẩn bị tốt dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; triển khai các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các dự án sân bay, cảng biển lớn…
Thủ tướng nêu rõ, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nói trên đều cần nguồn vốn lớn cho phát triển, phải huy động mạnh mẽ cả nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp.
Hiện, tổng đầu tư toàn xã hội chiếm tỷ trọng từ 33-35% GDP, những năm tới, muốn đạt tăng trưởng 2 con số thì tỷ trọng này phải tăng lên 40-45% GDP; với nguồn vốn đầu tư khoảng 4-5 triệu tỷ đồng/năm, đặc biệt là đầu tư cho hạ tầng chiến lược. Do đó, việc xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có ý nghĩa rất quan trọng.
Các giải pháp, nhiệm vụ tập trung vào 5 trọng tâm, gồm: phát triển cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại, thúc đẩy xây dựng hệ thống thanh toán, lưu ký (lưu nhận ký gửi) và giao dịch tài chính hàng đầu; thu hút nhân tài quốc tế, tạo cơ chế đãi ngộ, môi trường sống và làm việc hấp dẫn để thu hút các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới;
Thúc đẩy đổi mới tài chính, phát triển các công cụ tài chính mới như tài chính xanh, công nghệ tài chính (fintech) và quản lý rủi ro tài chính; mở rộng hội nhập quốc tế, hợp tác với các tổ chức tài chính toàn cầu, tham gia các chuẩn mực tài chính quốc tế; bảo vệ an ninh tài chính, tăng cường giám sát và quản lý rủi ro, bao đảm ổn định hệ thống tài chính.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Kế hoạch hành động của Chính phủ phân công 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho 12 bộ, ngành, và các địa phương chủ trì triển khai, gắn với các sản phẩm đầu ra để hình thành khung pháp lý và chuẩn bị các điều kiện nền tảng phát triển các trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Tại Thông báo số 47-TB/TW, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.
Theo Kết luận của Bộ Chính trị, Trung tâm tài chính được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh, nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ.
Về áp dụng các chính sách xây dựng trung tâm tài chính và lộ trình triển khai, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương từ nay đến năm 2030, ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và cần áp dụng ngay.
Đồng thời thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các Trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Từ năm 2030 đến năm 2035, tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các Trung tâm tài chính lớn trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.
Lộ trình khung này mang tính chất định hướng; quá trình thực hiện cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhanh nhất có thể, nếu thời cơ thuận lợi, điều kiện đã chín muồi, thì có thể làm ngay, nhanh hơn các bước tiếp theo, không chờ theo thứ tự.
MAI QUẾ
Nguồn: http://baodanang.vn/kinhte/202501/5-trong-tam-de-xay-dung-trung-tam-tai-chinh-khu-vuc-va-quoc-te-3998783/