Trở lại văn phòng sau Tết vào ngày vía Thần tài, nhiều nhân viên văn phòng không khỏi ngán ngẩm khi phải chịu cảnh kẹt xe, đội nắng vượt qua dòng người đông đúc.
Ra khỏi nhà từ 6h
5h ngày 19/2 (mùng 10 tháng Giêng), Thùy Linh (24 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) lật đật thức dậy khi tiếng chuông báo thức vang lên. Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, Linh cho hay bản thân dù không muốn nhưng vẫn phải dậy thật sớm trong ngày đầu đi làm trở lại.
Người dân chen chân trên tuyến đường chuyên doanh cá lóc trên địa bàn TPHCM vào ngày vía Thần Tài (Ảnh: Nam Anh). |
Nhà Linh cách công ty hơn 10km. Cô gái thường ra khỏi nhà lúc 7h để kịp đến công ty lúc 8h. Nhưng hôm nay, Linh quyết định đi sớm hơn 1 giờ so với ngày thường. Hơn nữa, vì ngày đầu đi làm trở lại trùng vào dịp vía Thần tài, Linh không thể chủ quan ngủ “nướng” thêm giây phút nào.
“Thời gian đầu mới đi làm, tôi không nghĩ đường sá sẽ ùn tắc trở lại sau Tết nên đã đến công ty rất muộn, bị trừ lương và còn không được nhận lì xì đầu năm. Năm nay rút kinh nghiệm, tôi quyết định phải ra khỏi nhà lúc 6h, để vừa kịp ăn sáng, vừa không bị trễ làm”, Linh bộc bạch.
6h, Linh bắt đầu ra khỏi nhà, len lỏi qua nhiều khu chợ đông đúc để đến cơ quan. Mặc dù đã lường trước được cảnh này, cô vẫn khá hồi hộp khi phải “chôn chân” hơn 1 giờ trên đường vì người dân xếp hàng dài chờ mua vàng, cá lóc.
Không giống như Linh, Phương Uyên (22 tuổi, ngụ quận 12) đã phải nhắn tin xin đến trễ ngay trong ngày đầu tiên đi làm sau Tết.
Người lao động nhích từng chút để đến chỗ làm vào ngày đầu tiên trở lại sau Tết (Ảnh: Nam Anh). |
“Thật sự rất xấu hổ và khó chịu. Tôi quên mất hôm nay là ngày vía Thần tài nên 7h mới ra khỏi nhà để đi ăn sáng. 7h30 tôi bắt đầu di chuyển đến công ty nhưng đã bị đám đông “giữ lại” khi đi ngang một khu chợ ở quận Tân Phú”, Uyên thở dài, nói.
Cuộc họp đầu năm bắt đầu từ 8h, nhưng lúc 8h20, Uyên vẫn đang nhích từng chút ở đường Tân Kỳ Tân Quý, nơi đang kẹt xe kéo dài hơn 1km. Tiến không được, quay đầu cũng không xong, cô gái rơi nước mắt khi phải “chặt” hẻm bằng… niềm tin.
Mong thoát cảnh uể oải sau Tết
Đến công ty khi cuộc họp đã kết thúc, Uyên ngại ngùng nhìn đồng nghiệp cầm trên tay vài chiếc bao lì xì, còn mình thì bị khiển trách vì đến trễ.
Không dừng lại ở đó, vì mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, Uyên cứ ngỡ chỉ phải làm việc từ hôm nay nên vẫn chưa có sự chuẩn bị từ tối qua. Hậu quả, nữ nhân viên văn phòng đã bị nhắc nhở khi chưa gửi báo cáo tiến độ cho cấp trên.
Ngồi vào bàn làm việc, đầu óc Uyên trống rỗng vì vẫn còn vương vấn “mùi” Tết. Nữ nhân viên văn phòng mong sẽ sớm thoát khỏi cảm giác uể oải.
“Kỳ nghỉ dài nên giờ vẫn chưa quen với giờ giấc lắm. Có lẽ năm sau tôi sẽ rời quê, đến thành phố sớm hơn để ổn định tinh thần. Không những vậy, bản thân cũng sẽ dậy thật sớm, đến công ty đúng giờ”, Uyên nói.
Không ít người cảm thấy uể oải, chưa quen với giờ giấc khi đi làm lại sau kỳ nghỉ dài (Ảnh minh họa: Hải Long). |
Không chỉ mệt mỏi khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ dài, nhiều người lao động chia sẻ rằng họ còn cảm thấy áp lực khi đã lỡ chi hết tiền tiết kiệm cho dịp Tết.
Gia Bách (24 tuổi, ngụ tại quận 4) cho hay Bách đã chi hơn 20 triệu đồng tiền tiết kiệm cho cách khoản như lì xì, sắm sửa cho gia đình và bản thân.
Bách chia sẻ rằng có lẽ Tết năm sau, anh sẽ xin công ty cho làm việc xuyên Tết để thu nhập được nhân 3. Sau đó, Bách sẽ nghỉ Tết khi mọi người đã đi làm nhằm tránh cảnh tắc đường, hàng hóa tăng giá.
“Rất nhiều bạn bè của tôi đã chọn cách này. Họ không chỉ có thêm thu nhập “khủng” mà còn thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ dài. Chuyện “bắt nhịp” lại với công việc cũng sẽ dễ dàng hơn”, Gia Bách nói.
*Tên của nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu
Link bài gốc:
https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/dan-van-phong-khon-kho-di-lam-ngay-via-than-tai-20240219133016035.htm?
Theo Báo Dân Trí