Bài 1: Đổi mới phương thức vận động quần chúng
Đa dạng hóa hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, là cách thức mà các cán bộ làm công tác dân vận tại các tỉnh miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ đã thực hiện trong thời gian qua để vận động, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) xóa bỏ tập quán lạc hậu, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Cấp ủy các địa phương đã chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, vận động theo phương châm bám dân – bám bản, dễ hiểu – dễ làm, cầm tay chỉ việc phù hợp vùng đồng bào DTTS.
Hiệu quả mô hình “tuyên vận”
Nhiều đời nay, người H’Mông ở Sàng Ma Sáo và Dền Thàng, hai xã vùng cao khó khăn nhất của huyện biên giới Bát Xát (tỉnh Lào Cai) có hủ tục đưa người đã mất ra đồi nương “phơi nắng”, rồi mổ trâu làm lễ trước khi chôn cất. Để vận động người H’Mông xóa bỏ tập tục lạc hậu, Ban Tuyên vận xã và tổ tuyên vận thôn kiên trì giải thích, vận động bà con tổ chức chôn cất người mất tối đa là sau 48 tiếng, chôn cất trong phạm vi nghĩa trang của xã. Tổ trưởng tổ tuyên vận thôn Tả Phìn, xã Dền Thàng, Cồ Bá Thìn cho biết, thấy cán bộ đến nhà là bà con tránh, không ở nhà, anh em trong tổ tuyên vận phải kiên trì thay nhau lội bộ lên nương hoặc đến nhà vào buổi tối để giải thích, đặc biệt “bám chặt” vào các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín để tuyên truyền, vận động và ký cam kết xóa bỏ tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới.
Ở huyện vùng cao Mường Khương có đông đồng bào dân tộc H’Mông, Pa Dí, Tu Dí, Phù Lá, Bố Y…, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là vấn đề xã hội khá phức tạp. Ban Tuyên vận xã, thị trấn và tổ tuyên vận thôn, bản làm nòng cốt, phối hợp chặt chẽ các ban, ngành, đoàn thể xây dựng Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; đội tuyên truyền “Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; mô hình “Ông mai, bà mối” để tuyên truyền cho người dân về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Mường Khương đã giảm 95% tình trạng tảo hôn và không còn trường hợp kết hôn cận huyết thống trên địa bàn.
Theo đồng chí Dương Ðức Huy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai, sự đổi mới về mô hình tổ chức công tác tuyên giáo và dân vận tại cơ sở đã mang lại những hiệu quả to lớn trong công tác dân vận vùng đồng bào DTTS. Mô hình ban tuyên vận xã, phường và tổ tuyên vận thôn, bản được Tỉnh ủy Lào Cai triển khai từ năm 2012. Tổ tuyên vận thôn, tổ dân phố có ba thành viên hoạt động kiêm nhiệm. Tổ trưởng là bí thư hoặc phó bí thư chi bộ, các thành viên là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, đại diện Mặt trận Tổ quốc hoặc đoàn thể chính trị – xã hội, người có uy tín. Sự thay đổi về mô hình tổ chức là nền tảng để nội dung, phương pháp, cách thức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, bảo đảm thống nhất, thuận lợi trong khâu chỉ đạo, thực hiện, đánh giá. Hiện tại, Lào Cai đã hình thành 1.650 tổ tuyên vận ở cơ sở, với 5.104 thành viên. Năm 2020, các tổ tuyên vận đã tuyên truyền, vận động nhân dân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp được hơn 15 tỷ đồng; 35 nghìn ngày công lao động, hiến hơn 120 nghìn m2 đất để xây dựng nông thôn mới.
Cùng với việc vận động đồng bào DTTS xóa bỏ hủ tục, nhiều địa phương đã có mô hình hiệu quả trong vận động đồng bào đổi mới tập quán sản xuất, phát triển kinh tế hàng hóa để xóa đói, giảm nghèo. Thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ (Hà Giang) có 60 hộ dân tộc Dao. Ngày trước, người dân nơi đây vẫn duy trì tập quán “săn, bắt, hái, lượm” để có nguồn thực phẩm hằng ngày. Xã đã quyết định chọn tám hộ trong thôn làm điểm theo Chương trình cải tạo vườn tạp, giảm nghèo bền vững của tỉnh Hà Giang để nhân rộng. Ông Lý Đại Thông, người có uy tín ở thôn Nặm Đăm được xã hỗ trợ quy hoạch lại 5 ha vườn đồi, nơi đất tốt trồng rau xanh, chỗ đất cằn trồng cỏ chăn nuôi, diện tích vườn đồi thì trồng cây ăn quả.
Ông Thông cho biết: “Chương trình cải tạo vườn tạp đã giúp tôi thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập từ vườn”. Bí thư Đảng ủy xã Vi Ngọc Tình cho biết: “Xã phân công các đồng chí lãnh đạo chủ chốt vận động, tuyên truyền các hộ dân và phối hợp cán bộ nông nghiệp xã quy hoạch lại vườn, hướng dẫn các hộ kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi. Từ tám hộ dân làm điểm, đến nay hầu hết các hộ trong thôn Nặm Đăm đã thay đổi tư duy làm vườn, biết trồng các loại rau xanh để phục vụ bữa ăn trong gia đình, trồng cây ăn quả, nuôi gia cầm theo hướng hàng hóa”. Đến nay, Hà Giang đã huy động được hơn 15 nghìn ngày công lao động của cán bộ, nhân dân hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo cải tạo vườn tạp; xã hội hóa gần 1,2 tỷ đồng để hỗ trợ mua cây giống, con giống cho nhân dân. Tổng diện tích đất vườn được cải tạo là hơn 774.000 m2.
Vai trò người có uy tín
Để lan tỏa, nâng cao hiệu quả phong trào dân vận khéo, một trong những cách làm được các địa phương quan tâm thực hiện là phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ và người có uy tín.
Với gần 200 km đường biên giới với Lào, lại là địa bàn nóng về ma tuý, nhưng thời gian qua, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) vẫn giữ được ổn định trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các già làng, người có uy tín. Ở xã Nậm Cắn, già làng Lầu Xái Hờ, Trưởng ban công tác Mặt trận bản, được xem là “cây đa” của bản Huối Pốc. Ở nơi nào có mâu thuẫn, cụ Hờ đều đến vận động, giải thích thấu đáo, người dân đều nghe theo.
Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe cho biết: Bên cạnh việc tuyên truyền vận động bà con các dân tộc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết, các già làng, người có uy tín ở Kỳ Sơn đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền bà con không di, dịch cư tự do; không tham gia vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng các chất ma túy. Các già làng, người có uy tín còn có vai trò rất lớn trong việc thực hiện kết nghĩa giữa 20 cụm dân cư hai tuyến biên giới Việt Nam – Lào, góp phần xây dựng tình đoàn kết keo sơn giữa hai dân tộc.
Đến Hồng Ca, xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) vừa được công nhận xã nông thôn mới, nơi đây có bốn bản Khuôn Bổ, Hồng Lâu, Khe Tiến, Khe Ron chỉ có người H’Mông sinh sống với gần 3.000 người, chiếm 32% dân số toàn xã. Bí thư Đảng ủy xã Phạm Xuân Toàn khẳng định: Để xã đặc biệt khó khăn đạt 19 tiêu chí nông thôn mới không phải là việc đơn giản. Thành công hôm nay có công lớn của các bí thư chi bộ, trưởng bản người H’Mông, nhất là đồng chí Tráng Thị Nhà, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận bản Khuôn Bổ.
Nhiều năm nay, chị Nhà tranh thủ lúc rảnh rỗi đến từng hộ dân nắm bắt gia cảnh, vận động mọi người xây dựng các công trình vệ sinh và nhà ở ba cứng (cứng nền, cứng tường, cứng mái), vận động trẻ ra lớp, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tang ma kéo dài, tốn kém. Năm 2021, thôn Khuôn Bổ không còn là thôn đặc biệt khó khăn, 84 hộ dân trong bản không còn trong diện được miễn bảo hiểm y tế (BHYT). Chị Nhà cùng cán bộ xã, bảo hiểm huyện, đến từng nhà tuyên truyền, giải thích, vận động người dân mua BHYT. Có hộ đồng ý mua, nhưng chưa lo được tiền, chị đã tạm ứng tiền riêng giúp chủ hộ mua thẻ, để khi đi khám, chữa bệnh không bị thiệt thòi do không có BHYT.
Tại thôn Nà Cọ, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), nơi có 65 hộ đồng bào dân tộc Dao. Năm 2016, Chi bộ thôn Nà Cọ đã đăng ký mô hình dân vận khéo là vận động nhân dân mở rộng đường. Ban đầu một số người dân chưa tích cực hưởng ứng, nhờ sự tích cực tuyên truyền, vận động của cán bộ, đảng viên, nhất là Bí thư Chi bộ Lý Nguyên Phượng, bà con trong thôn đồng thuận mở rộng đường. Bản thân anh Phượng đã hiến 1.000 m2 đất, hơn 20 ngày công và gần 5 triệu đồng để làm nhà văn hóa, cầu và mở đường sản xuất.
Noi theo anh Phượng, 35 hộ trong thôn hiến 11.000 m2 đất sản xuất để làm đường. Người dân còn đóng góp 65 triệu đồng, 300 ngày công để san ủi, mở rộng đường, đổ bê-tông tuyến đường dài 1,3 km, rộng 2,5 m. Năm 2020, nhân dân trong thôn tiếp tục ủng hộ tiền làm cây cầu gỗ với giá trị hơn 13 triệu đồng. Anh Phượng còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong thôn mạnh dạn vay vốn ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển kinh tế. Hiện nay, số dư nợ của bà con trong thôn là 1,4 tỷ đồng, các hộ sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo đã giảm dần, đời sống người dân được nâng lên; tất cả các hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Kết quả này góp phần đưa xã Khang Ninh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.
(Còn nữa)
NHÓM PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ