Những viên đạn cỡ 120mm này có thể được sử dụng trong các xe tăng M1 Abrams của Mỹ được dự kiến sẽ cung cấp cho Ukraine trong mùa thu này. Cả Washington và Kyiv kỳ vọng các xe tăng này sẽ giúp lực lượng Ukraine tận dụng đà thành công đã đạt được trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, loại đạn này có tính phóng xạ thấp, dẫn tới nhiều câu hỏi về tính an toàn và những rủi ro mà chúng có thể đặt ra đối với dân thường. Vì vậy mà, chúng đã nhận được chỉ trích dữ dội từ phía Moscow.
Uranium nghèo là gì?
Uranium nghèo là những phần chất Uranium thừa còn lại sau khi phần lớn các đồng vị Uranium có tính phóng xạ cao đã được khai thác khỏi khối kim loại nhằm sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân hoặc vũ khí hạt nhân.
Chúng có tính phóng xạ thấp hơn nhiều so với Uranium được làm giàu và chúng không thể bắt đầu chuỗi phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, Uranium nghèo vô cùng đặc, khiến nó trở thành chất liệu lý tưởng cho chế tạo các viên đạn. Chúng đặc gần gấp đôi chì, loại kim loại thường được sử dụng trong đạn dược thông thường.
Một báo cáo từ RAND Corporation cho biết: “Có nhiều người quan niệm rằng tính phóng xạ là yếu tố nguy hiểm nhất trong Uranium nghèo, quan niệm đó là sai lầm. Tính phóng xạ không phải là yếu tố nguy hiểm chính trong các trường hợp phơi nhiễm trên chiến trường”.
Thay vào đó, điều khiến đạn Uranium nghèo trở nên vô cùng hiệu quả trên chiến trường là khả năng phá hủy giáp xe tăng, vì chúng trở nên sắc bén hơn ngay khi va chạm.
Edward Geist, một chuyên gia hạt nhân tại RAND Corporation cho biết: “Chúng có độ đặc và động năng lớn đến mức có thể liên tục xé qua giáp xe tăng và nóng lên đến mức bắt lửa”.
Vì sao chúng gây tranh cãi?
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, cho biết Uranium nghèo “có tính phóng xạ thấp hơn rất nhiều so với Uranium tự nhiên” nhưng vẫn khuyến cáo nên cẩn thận khi xử lý chúng.
Cơ quan này cũng cho biết “kết luận chung” từ các nghiên cứu về sức khỏe của các quân nhân từng bị phơi nhiễm với Uranium nghèo là những ca phơi nhiễm không thể được liên kết với bất kỳ trường hợp tăng tỉ lệ tử vong trong các quân nhân nào.
Tuy nhiên, mặc dù Uranium nghèo không góp phần vào lượng phóng xạ nền mà các binh lính và dân thường gặp phải, nhưng chúng có thể gây nguy hiểm khi xuất hiện trong cơ thể con người.
Khi đạn Uranium nghèo va chạm với giáp xe tăng, chúng có thể bốc cháy và tạo ra bụi Uranium. Nếu chúng bị hít vào cơ thể, chúng có thể đi vào mạch máu và gây ra suy thận.
Theo IAEA, “lượng lớn Uranium nghèo trong thận có thể gây hư tổn thận và trong trường hợp cực đoan nhất có thể gây suy thận”.
Phó Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc Sabrina Singh trong thứ Tư cho biết, chính phủ Mỹ tin rằng Ukraine sẽ sử dụng đạn Uranium nghèo một cách có trách nhiệm.
Cô Singh cho biết: “Những viên đạn này là đạn dược tiêu chuẩn được dùng trong các xe tăng không chỉ Mỹ sử dụng, mà trong cả các loại xe tăng mà chúng ta sẽ cung cấp cho Ukraine. Chúng tôi hoàn toàn tự tin rằng quân đội Ukraine sẽ sử dụng chúng một cách có trách nhiệm trong cuộc chiến giành lại chủ quyền lãnh thổ của họ”.
Quyết định cung cấp Uranium nghèo được đưa ra sau khi văn phòng Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định cung cấp các loại bom chùm gây nhiều tranh cãi cho Ukraine trong đầu năm nay.
Mỹ tin rằng cả hai loại đạn dược này sẽ giúp Ukraine vượt qua khỏi hàng phòng thủ của Nga khi Kyiv nỗ lực giành lại lãnh thổ.
Các quốc gia khác có gửi chúng cho Ukraine không?
Bộ quốc phòng Anh trong tháng 3 đã xác nhận, họ sẽ gửi đạn Uranium nghèo cho Ukraine, và quyết định này ngay lập tức nhận được sự chỉ trích gay gắt từ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Ngày hôm nay đã có tin về việc Anh Quốc tuyên bố không chỉ viện trợ xe tăng cho Ukraine, mà cả những viên đạn xe tăng từ Uranium tổng hợp. Tôi muốn nhắc lại rằng nếu những quyết định này được thực hiện, Nga sẽ có phản ứng phù hợp. Và ý tôi là phương Tây nói chung đã bắt đầu sử dụng vũ khí có yếu tố phóng xạ”.
Quan chức Anh đã cáo buộc ông Putin “cố tình đưa ra thông tin sai lệch” về các vũ khí này, và cũng cho biết, “Quân đội Anh đã sử dụng Uranium nghèo trong các loại đạn xuyên giáp suốt nhiều thập kỷ”.
Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng cho biết: “Đây là một bộ phận tiêu chuẩn và hoàn toàn không liên quan tới khả năng hạt nhân hay vũ khí hạt nhân. Nga biết điều này nhưng đang cố tình đưa ra thông tin sai lệch”.
Phản hồi từ Nga
Bộ Ngoại giao Nga đã đánh giá quyết định của Mỹ là “hành động tội phạm”.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trong một cuộc họp báo cho biết: “Đây không chỉ là hành động leo thang mà là biểu hiện của thái độ bất chấp về ảnh hưởng môi trường khi sử dụng những loại vũ khí này trên chiến trường của Washington”.
Nguyễn Quang Minh (theo CNN)