Mặc dù lượng nhập khẩu tăng đột biến, nhưng chưa đến tỷ lệ 1/100 người Trung Quốc từng nếm thử sầu riêng nên tiềm năng khổng lồ của thị trường này đang thúc đẩy nhiều quốc gia Đông Nam Á tham gia cạnh tranh, theo báo cáo của Công ty tư vấn Guanyan Tianxia có trụ sở tại Bắc Kinh.
Người dân mua sầu riêng tại Hội chợ Trung Quốc-ASEAN ở Nam Ninh, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, vào tháng 9/2024. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Người tiêu dùng trung lưu của Trung Quốc dù đang thắt chặt hầu bao, nhưng nhu cầu đối với sầu riêng – loại trái cây có hương vị độc đáo, nhiều gai nhọn và chủ yếu được nhập khẩu từ Đông Nam Á – vẫn gia tăng chóng mặt.
Tại các thành phố lớn của Trung Quốc, sầu riêng không đơn thuần chỉ là một loại trái cây mà đã trở thành một “lựa chọn thời trang”, đặc biệt là đối tượng tiêu dùng trẻ tuổi.
Ngành dịch vụ ăn uống của Trung Quốc đã nhanh nhạy nắm bắt xu hướng này và tung ra một loạt các chương trình khuyến mãi hấp dẫn có kèm tặng theo sầu riêng, thu hút sự hưởng ứng đông đảo của khách hàng. Số lượng các nhà hàng phục vụ các món ăn có vị sầu riêng, từ đồ uống, món tráng miệng cho đến lẩu, tiệc buffet không ngừng gia tăng.
Trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, các chủ đề như “thịt nướng sầu riêng” và “tiệc buffet sầu riêng” đã thu hút hơn 1,24 tỷ lượt xem. Một thương hiệu ở tỉnh Quảng Đông chuyên về lẩu gà sầu riêng đã bán được hơn 2,22 triệu chiếc, bánh mì kẹp sầu riêng của thương hiệu này cũng thu hút được sự chú ý rộng rãi trên mạng xã hội. Một nhà hàng buffet sầu riêng ở Thâm Quyến, Quảng Đông, gần đây đã trở nên nổi tiếng trên mạng khi cung cấp cho thực khách lựa chọn hơn 200 món ăn có sầu riêng Malaysia – bao gồm cháo, bánh kếp và bánh ngọt – với giá 199 NDT/suất (khoảng 27,39 USD).
Thị trường Trung Quốc hiện tiêu thụ hơn 90% nguồn cung sầu riêng của thế giới, với lượng nhập khẩu tăng vọt từ 430.000 tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, vào năm 2018 lên 1,38 triệu tấn, trị giá 6,2 tỷ USD, từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, theo số liệu chính thức.
“Sầu riêng ngọt, béo ngậy và dễ ăn. Dù rất khó để ăn hết 199 NDT nhưng tôi và bạn bè rất muốn thử”, Su Yuru, một nhân viên văn phòng ở Thâm Quyến cho biết. Tôi thường mua sầu riêng để chia sẻ với gia đình vào cuối tuần, giá rơi vào khoảng 150 NDT, và sầu riêng cũng là món thường xuyên có trong các buổi trà chiều và tiệc thường niên của các công ty địa phương dành cho nhân viên”.
Mặc dù lượng nhập khẩu tăng đột biến, nhưng chưa đến tỷ lệ 1/100 người Trung Quốc từng nếm thử sầu riêng nên tiềm năng khổng lồ của thị trường này đang thúc đẩy nhiều quốc gia Đông Nam Á tham gia cạnh tranh, theo báo cáo của Công ty tư vấn Guanyan Tianxia có trụ sở tại Bắc Kinh.
Hầu hết sầu riêng tươi được nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam. Trung Quốc cũng đã “bật đèn xanh” cho việc nhập khẩu từ Malaysia và Philippines, Lào và Indonesia cũng đang để mắt tới thị trường béo bở này.
Sầu riêng Thái Lan, bắt đầu được nhập khẩu từ năm 2003, từng thống trị thị trường Trung Quốc trong nhiều năm nhưng từ khi Việt Nam bắt đầu tham gia thị trường này vào tháng 9/2022, gió đã đảo chiều ít nhiều. Thị phần của Thái Lan đã giảm từ 95% vào năm 2022 xuống còn 60% trong 9 tháng đầu năm nay, trong khi thị phần của Việt Nam tăng từ 32% vào năm ngoái lên 39%.
Theo số liệu của cơ quan Hải quan Trung Quốc, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành nguồn cung cấp sầu riêng hàng đầu của Trung Quốc trong quý III năm nay và duy trì vị trí dẫn đầu vào tháng 11. Ước tính, trong 3 quý đầu năm 2024, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,38 triệu tấn sầu riêng tươi với giá trị 6,2 tỷ USD.
Trong quý III/2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,342 USD, vượt xa con số 878,95 triệu USD của Thái Lan. Riêng tháng 10/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 332,79 triệu USD, so với 132,37 triệu USD của Thái Lan. Tháng 11, Việt Nam xuất khẩu 82,85 triệu USD so với 65,21 triệu USD của Thái Lan.
Theo ông Ding Wei, Chủ tịch chi nhánh Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh, một số tập đoàn thương mại nông nghiệp của quốc gia này đã đầu tư nuôi trồng và sản xuất sầu riêng tại Việt Nam. Các dịch vụ hậu cần và đóng gói như lưu trữ, kiểm tra chuỗi lạnh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển sầu riêng đều do các các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc đảm nhận.
Gary Lau, Chủ tịch Hiệp hội giao nhận và hậu cần Hong Kong (Trung Quốc), cho biết: “Những công ty này đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý chuỗi cung ứng, từ vận chuyển đến thông quan. Họ thường hợp tác với các nhà xuất khẩu địa phương để đảm bảo tuân thủ các quy định nhập khẩu của Trung Quốc, điều này ngày càng trở nên quan trọng do nhu cầu sầu riêng tươi ngày càng tăng trên thị trường tỷ dân”.
Tuy nhiên, ông Ding cũng cảnh báo về sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ phía Thái Lan và Malaysia. “Cơ hội rất lớn, nhưng chúng tôi chưa phải lúc nào cũng thấy lợi nhuận”, ông cho biết.
Năng suất của Việt Nam hiện gần 1,2 triệu tấn sầu riêng mỗi năm, sản lượng này dự kiến sẽ tăng 15% mỗi năm. Philippines và Malaysia cũng đang đẩy nhanh nỗ lực khai thác thị trường Trung Quốc.
Tháng 4/2023, 18 tấn sầu riêng Philippines đã đến Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc qua đường hàng không. Xuất khẩu sầu riêng Philippines sang Trung Quốc đã tăng từ 3.763 tấn trong cả năm ngoái lên 6.260 tấn trong 3 quý đầu năm nay. Malaysia bắt đầu xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc vào tháng 6 và đã xuất khẩu 215 tấn, trị giá 3,65 triệu USD vào tháng 9.
Nguồn: https://baoquocte.vn/dan-trung-quoc-phat-cuong-vi-sau-rieng-viet-nam-lan-dau-vuot-thai-lan-tro-thanh-nha-cung-cap-hang-dau-298922.html