Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhà báo và Công luận vào chiều ngày 13/9 tại làng quất Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội), sau khi nước rút nhiều hộ gia đình tại đây bắt tay vào công việc khôi phục sức sống cho từng cây quất cảnh phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Bởi vì, chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là bước sang năm mới 2025, do vậy người dân đang khẩn trương trở lại công việc xới đất, chăm sóc, tỉa tót những cành quất còn sống để kịp cho vụ cuối năm.
Là hộ dân tại làng quất Tứ Liên bị ảnh hưởng do bão lũ, chị Thu Hường chia sẻ: “Đến hiện tại, sau lũ thì vườn quất nhà tôi bị mất gần như hết và khó thể hồi phục. Những cây nào ngập ít thì giữ được, còn lại thì hỏng hết. Tôi thuê vườn trồng theo suất, hiện tại có ba phần thì mất một phần sau bão. Tôi rất buồn vì bao nhiêu công sức bỏ ra đều đổ xuống sông xuống biển. Thiên tai đến rất bất ngờ nên đành phải chấp nhận thôi, cũng không biết phải làm thế nào cả”.
“Sau đợt bão lũ này, những người dân làng quất Tứ Liên mong muốn phía chính quyền, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ tới người dân chúng tôi để sớm ổn định và tiếp tục bám với nghề”, chị Hường nói thêm.
Theo số liệu năm 2024, làng quất cảnh Tứ Liên có khoảng 400 hộ trồng quất cảnh với tổng diện tích lên tới 20 ha. Sau đợt bão Yagi (bão số 3) thì hầu hết các hộ đều bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Một số người dân tại đây cho biết, từ đầu năm tới giờ họ đã chi hàng chục triệu đồng để đầu tư cho phân bón, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng phát triển. Tuy nhiên, đợt bão lũ lần này đã lấy đi tất cả, toàn bộ số phân bón họ đầu tư bị cuốn đi sạch.
Với hơn 200 gốc quất tại vườn bị ngập toàn bộ, số lượng cây quất khác cũng bị nước lũ cuốn trôi dẫn đến hư hỏng nặng, chị Lê Thu (làng quất Tứ Liên) buồn bã và đau lòng khi gia đình bị thiệt hại nặng, ước tính khoảng 300-400 triệu đồng/ 800 gốc quất. “Hiện tôi và chồng đang bắt đầu chuyển chậu quất và khắc phục những cây có thể cứu được, số còn lại thì gom lại rồi xử lý”, chị Lê Thu chia sẻ.
Chị Thu cũng nói thêm, những gốc quất được trồng trong chậu sau khi hỏng thì phải đục lại và cắt đi rồi đổ đất ra rồi cho cây mới vào. Tuy nhiên, hiện tại cây mới thì chưa có để trồng. “Từ giờ tới Tết Nguyên đán 2025, gia đình gần như không có cây quất nào để phục vụ nhu cầu chơi Tết của người dân”, chị Thu bộc bạch.
Cách đó không xa, hộ gia đình anh Hùng cũng bị thiệt hại nặng nề do bão lũ. Với 2.000 cây quất cảnh được trồng trên diện tích 1.000m2, anh Hùng ước tính thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Trung bình mỗi cây quất tại vườn nhà anh Hùng giá khoảng 500 nghìn đồng, cao nhất khoảng 4-5 triệu đồng. Anh hùng và vợ chăm sóc từ đầu năm tới giờ, tuy nhiên bão lũ đã cuốn trôi hết tất cả, mất trắng vì thiên tai bão lũ.
“Tôi mong các cấp lãnh đạo quan tâm tới người dân và có phương án hỗ trợ chúng tôi đỡ thiệt thòi để làm sao sang năm có cây giống để gây dựng lại vườn. Còn ở hiện tại, những cây quất đã chết thì không thể làm lại được nữa”, anh Hùng nói thêm.
Bão lũ đi qua, nhưng những gì mà người dân các tỉnh/ thành phía Bắc phải gánh chịu là sự mất mát về người thân, thiệt hại nặng nề về kinh tế. Hy vọng rằng, các cấp chính quyền địa phương sẽ có biện pháp hỗ trợ, quan tâm để phần nào khắc phục giúp ổn định cuộc sống cho người dân, trở lại công việc thường ngày và phát triển kinh tế.
Một số hình ảnh ghi nhận chiều 13/9 tại làng quất Tứ Liên:
Nguồn: https://www.congluan.vn/nguoi-dan-trong-quat-tu-lien-tat-bat-khoi-phuc-lai-nhung-thiet-hai-sau-bao-lu-post312243.html