Thông tin này được đoàn khai quật Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết chiều 16/6 tại buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật giai đoạn 2 diễn ra tại Sở Văn hóa và Thể thao. Đông đảo các chuyên gia đầu ngành, các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa… đã tham dự.
Di tích núi Bân – được xem là đàn Nam Giao của vương triều Tây Sơn, nơi Nguyễn Huệ làm lễ cáo trời đất, chính danh lên ngôi hoàng đế với niên hiệu Quang Trung vào năm 1788.
Rõ ràng hơn quy mô, kết cấu
Di tích này đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1988. Cuộc khai quật giai đoạn 2 này kế thừa giai đoạn 1, diễn ra vào tháng 7/2022, cũng do Bảo tàng Lịch sử quốc gia đảm nhận. Việc khai quật hướng đến xác định quy mô, kết cấu nguyên gốc phục vụ cho công tác bảo tồn và hướng tới xây dựng di tích này trở thành Di tích quốc gia đặc biệt.
Trên cơ sở vết tích móng kè đá, gạch phát hiện ở lần khai quật giai đoạn 1, các chuyên gia đã tiến hành mở rộng các hố đào và phát triển nối tiếp ở các mặt để làm rõ hơn quy mô và kết cấu phần chân của đàn. Ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu, sưu tầm (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) cho biết, với diện tích khai quật được mở rộng giai đoạn 2 trên 200m2 cùng diễn biến địa tầng và vết tích kè móng xuất lộ đã đem đến những nhận thức mới, xác định rõ ràng hơn quy mô, kết cấu.
Theo ông Chất, toàn bộ đàn tế gồm 3 tầng hình nón cụt chồng xếp lên nhau, phần đế đàn được ban xẻ, xắn thành góc, cạnh. Ngoài những cạnh đàn là vách núi đá tự nhiên, nhiều vị trí được xây xếp, bổ sung bằng gạch đá tạo thành mặt bằng hình bát giác (mỗi cạnh dài từ 32-33m).
Tầng 1 bề mặt khá rộng, phía Bắc và Đông rộng gần 8m, riêng phía Tây thu hẹp 6,8m và phía Nam phình rộng đến 9,7m. Tầng 2 có bề mặt rộng từ 6,5 – 7,1m. Trong khi đó tầng 3 trên cùng – nơi thiết ngự cho Quang Trung hoàng đế làm lễ có dạng tròn gần hình trứng với đường kính chiều Bắc – Nam rộng 19m, Đông – Tây rộng 17,8m, mặt nền bằng phẳng.
Di vật tìm thấy là đá sa phiến dạng hòn, cục màu vàng nhạt, hoặc diệp thạch màu tím nhạt, xám xanh, xám trắng… đan xen là mảnh gạch vỡ. Niên đại gạch tập trung vào thế kỷ 18.
“Từ những kết quả thu được, có thể nhận thấy đàn tế thời Tây Sơn ở núi Bân có kỹ thuật xây dựng đơn giản, lợi dụng địa thế núi đá tự nhiên, được ban xẻ, bồi đắp tạo thành quy mô, kết cấu đặc biệt. Điều này phản ánh rõ tính chất gấp gáp trong việc xây dựng đàn tế, lên ngôi hoàng đế của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ”, ông Chất nhận định. Tuy gấp gáp, nhưng những nhà thiết kế đương thời vẫn có ý thức quy hoạch, đem đến sự hài hòa, cân đối và đảm bảo thuyết tam tài
“Thiên – Địa – Nhân” với 3 tầng hình tròn phía trên ở núi Bân.
Có sự khác biệt, mang yếu tố triết học sâu xa
So với các đoàn tế giao giai đoạn cổ trung đại trên thế giới, điều này cho thấy đàn tế ở núi Bân có sự khác biệt, chủ yếu dựa vào yếu tố tự nhiên nên việc đầu tư xây dựng không đáng kể. Việc đế đàn hình bát giác còn mang ý nghĩa triết học sâu xa, như hình bát quái trong Kinh dịch hay có ý nghĩa “tứ thông bát đại” – thông cả 4 mặt suốt cả 8 phía, thể hiện tính chính danh, thông suốt trời đất.
Cũng ở đợt khai quật lần này, các chuyên gia còn phát hiện dấu tích của hệ thống bậc cấp lên xuống phía Tây Bắc của đàn tế. Các dấu tích khá rõ ràng, có quy mô. Điều này cho thấy phù hợp yếu tố phong thủy, liên quan trực tiếp đến cung mệnh và tuổi của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.
Từ kết quả lần này, đoàn khai quật đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao cần sớm chuẩn bị tư liệu, xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận núi Bân là “di tích quốc gia đặc biệt”. Trong đó, chú tâm việc khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, cơ sở hạ tầng ở khu lập quy hoạch; xác định ranh giới khu vực bảo vệ I, II, khu bảo vệ cảnh quan, khu hạn chế; định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững; quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan; dự báo tác động môi trường và đề xuất các biện pháp bảo vệ môi trường…
Khi khai quật giai đoạn 1, các chuyên gia đã triển khai mở 9 hố đào ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của đàn tế hiện tại. Tùy theo mỗi hố việc khai quật được mở chạy dài theo các hướng khác nhau. Đáng chú ý, ở khu vực phía Tây, nơi mở 5 hố xuất hiện một số vết tích nguyên gốc như mặt kè, bờ sườn, mặt nền tầng 1 và một phần vết tích chân mặt sườn tầng 2 của đàn Nam Giao thời Tây Sơn. Hay như khu vực phía Nam với một hố chạy dài theo hướng Bắc – Nam cho thấy vết tích đàn tế nguyên gốc chỉ còn lại một khoảng mặt nền tầng 1 khá bằng phẳng, rộng 2m xuất lộ ở độ sâu 0,5m.