(CLO) Tháng 10 hằng năm, cộng đồng dân tộc Bahnar tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai lại tổ chức lễ cúng bến nước với mong muốn có được nguồn nước dồi dào, mưa thuận, gió hòa; dân làng mạnh khỏe, lúa về đầy kho.
Nhằm tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống của địa phương trước nguy cơ bị mai một, ngày 25/10, tại cánh đồng làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), các cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức tái hiện nghi thức, nghi lễ cúng bến nước của đồng bào Bahnar.
Vui mừng khi nghi lễ diễn ra trên cánh đồng làng Kgiang, đông đảo dân làng cùng nhiều người dân trong vùng đã đến và tận thấy nghi thức cúng bến nước do hội đồng các già trong làng còn nhớ và tái hiện.
Theo các già làng, lễ cúng bến nước của người Bahnar thường tổ chức vào tháng 10, tháng 11 dương lịch hàng năm. Lễ vật gồm 3 ché rượu cần, 1 con heo lớn, 1 con gà trống to khỏe và 1 con gà mái tơ.
Sau khi phần nghi lễ được dân làng chuẩn bị, với bộ trang phục truyền thống đẹp nhất được khoác lên, các già làng và hội đồng những người lớn tuổi tiến hành nghi thức cúng ma và cúng Yàng.
Trong lời khấn cầu tại nghi lễ, già làng gửi đến các vị Yàng Núi, Yàng Nước và các vị thần linh hãy ban cho dân làng nguồn nước dồi dào; cầu cho mưa thuận, gió hòa; phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, bình an, mùa màng được bội thu, thóc lúa về đầy kho, quanh năm trong làng không có bệnh dịch xảy ra…
Ngay khi các nghi thức, nghi lễ cúng Yàng kết thúc, đội cồng chiêng và múa xoang nữ của làng Kgiang trong trang phục truyền thống đa sắc màu sẵn sàng đã vang lên những bài chiêng rộn rã, vang vọng cả một vùng như mời gọi nhân dân trong vùng hãy cùng vui và đến uống rượu cần với làng Kgiang.
Trong nhịp chiêng vang, dân làng và du khách gần xa tay trong tay cùng hoà nhịp vòng xoang bước vào ngày hội lớn của làng và vít cong rượu cần cay nồng được dân làng ủ qua nhiều tháng.
Nghi lễ cúng bến nước của người Bahnar huyện Kbang được tái hiện lần này là sự mong muốn của dân làng và các cơ quan quản lý văn hóa nhằm lưu giữ nghi thức truyền thống, góp phần bảo tồn, quảng bá, phát huy di sản văn hóa trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Gia Lai.
Đồng thời đây cũng là dịp để phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nguồn: https://www.congluan.vn/kbang-gia-lai-dan-lang-bahnar-tai-hien-nghi-le-cung-ben-nuoc-post318478.html