Hàng chục năm nay, xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) được biết đến là thủ phủ của loài cây dó trầm (hay còn được gọi là cây dó bầu, trầm dó, trầm hương). Ở địa phương này, 100% hộ dân trồng dó trầm. Nhìn từ trên cao, loài cây có chiều cao trung bình 6-20m này đều phủ xanh các vườn nhà dân.
Theo nhiều người dân, thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây phù hợp nên cây dó trầm mọc nhiều, nếu trồng sẽ dễ chăm sóc và phát triển tốt. Ngày trước, người dân không biết giá trị nên thường chặt bỏ lấy gỗ làm nhà cửa. Cho đến khoảng những năm 1980, nhiều thương lái ở Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam tìm đến thu mua. Từ đó, người dân địa phương dần nhận biết giá trị cao của cây dó trầm.
Trầm là một bộ phận, khu vực bị thương của loài cây dó bầu. Về tự nhiên, khu vực vết thương tạo trầm do thân cây gãy đổ, kiến hay côn trùng đục khoét. Ở vùng khai thác trầm, vết thương này thường do con người tác động vật lý như đục, khoan, khoét… Vết thương tiết ra mủ cộng hưởng yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng tạo thành lớp dầu.
Qua thời gian dài, lượng dầu thân cây tích tụ tạo thành trầm với mùi hương đặc trưng. Kinh nghiệm của cư dân địa phương cho thấy, một cây dó tạo trầm phải có độ tuổi hơn 10 năm trở lên mới có thể khai thác.
Ngoài trồng, nhiều hộ dân Phúc Trạch còn mở cơ sở chế tác sản phẩm trầm hương tại nhà. Công việc đòi hỏi sự kỳ công, tỷ mẩn. Gia đình chị Nguyễn Thị Lan (33 tuổi, thôn 8, xã Phúc Trạch) có hơn 7.000m2 đất trồng cây dó trầm, trong đó có những cây có giá trị cả trăm triệu đồng khi đạt độ tuổi hàng chục năm.
“Gia đình còn tự chế tác các sản phẩm như vòng trầm, hương trầm và các sản phẩm từ thân cây không hóa chất cho thương lái trong, ngoài nước về làm thuốc tây, dầu gội, nước hoa. Mỗi năm, chúng tôi thu về 400-500 triệu đồng”, chị Lan chia sẻ. Trong hình là sản phẩm vòng trầm đeo tay, có giá bán từ 1,5 đến 8 triệu đồng.
Chị Võ Thị Nga (47 tuổi, thôn 8, xã Phúc Trạch) cho biết, gia đình nhà chồng đã có truyền thống trồng cây dó trầm và chế tác các sản phẩm từ trầm hương gần 40 năm qua.
Cơ sở sản xuất kinh doanh trầm hương của gia đình chị Nga đang tạo công ăn việc làm cho 8 lao động.
“Chúng tôi chuyên sản xuất, cung cấp các mặt hàng hương, trầm nụ, trầm miếng, trầm cảnh, vòng trầm các loại”, chị Nga cho hay.
Theo quan niệm dân gian, sử dụng những sản phẩm từ trầm hương có ý nghĩa mang lại may mắn, sự thuận lợi trong làm ăn kinh doanh, sức khỏe dồi dào và gia đạo bình an. Nắm bắt được nhu cầu đó, gia đình chị Nga mở cơ sở chế tác những gốc trầm thành sản phẩm lạ mắt, độc đáo nhằm phục vụ khách mua về trưng trong nhà. Sản phẩm như trong hình có giá lên đến 150 triệu đồng.
“Đó chưa phải sản phẩm đắt tiền nhất, chúng tôi từng bán một gốc trầm hàng chục năm tuổi, đã được chế tác với giá 300 triệu đồng. Nhiều khách từ Hà Nội, TPHCM, Quảng Bình, Huế, thậm chí người nước ngoài sẵn sàng chi tiền mua sản phẩm đắt giá từ trầm để đặt trong nhà lấy may hoặc biếu, tặng. Sản phầm từ cây dó trầm của xã Phúc Trạch được khách hàng ưa chuộng vì có mùi thơm dịu ngọt”, chị Nga nói.
Nhờ cây dó trầm, các hộ dân ở xã Phúc Trạch thoát nghèo, đổi đời. Họ có tiền nuôi con ăn học nên người, xây được nhà đẹp, mua ô tô.
Theo bà Phạm Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, cây dó trầm được trồng phân bố ở các xã thuộc huyện Hương Khê cho trầm tự nhiên và nhân tạo. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thực tế, cây dó trầm được trồng ở xã Phúc Trạch cho tỷ lệ trầm tự nhiên cao nên giá trị kinh tế cũng cao hơn nhiều so với trồng ở các vùng khác.
Vì vậy, tất cả 1.700 hộ dân của Phúc Trạch đều trồng cây dó trầm với diện tích trên 350ha. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của địa phương năm 2022 đạt 56,4 triệu đồng. Năm 2023, dự kiến sẽ đạt thu nhập bình quân 58,1 triệu đồng/người. Việc phát triển những sản phẩm từ trầm hương sẽ là những hàng hóa giá trị phục vụ cho du khách trong lộ trình phát triển du lịch của địa phương.