Nằm ở phía Bắc tỉnh Thanh Hóa có đền Rồng, đền Nước là 2 ngôi đền thiêng ở xã Hà Long, huyện Hà Trung có một dòng suối trong xanh, bên trong có hàng ngàn con “cá thần” to bự sinh sống, cứ thấy người đến là đòi ăn nhưng không ai dám đánh bắt.
2 ngôi đền linh thiêng bên suối “cá thần”
Nghĩa Đụng là một thôn “đặc biệt” của xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, nơi đây nằm biệt lập, cách trung tâm xã khoảng 10km.
Ở thôn Nghĩa Đụng có 2 đến gồm, đền Rồng thờ Mẫu Thượng Ngàn, đền Nước thờ Mẫu Thoải là hai ngôi đền thiêng thờ Thánh Mẫu ở xã Hà Long, huyện Hà Trung. Theo sử sách ghi lại, 2 ngôi đền này được nhân dân xây dựng từ thế kỷ XVI.
Đền tựa lưng vào vách núi, trông ra dòng suối mát xanh bốn mùa, quanh năm nguồn nước trong vắt từ đây tuôn ra từ cửa hang.
Năm 1993, đền Nước và đền Rồng đã được tỉnh Thanh Hóa xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.
Đền Rồng được xây dựng bằng đá, tạo nên một vẻ cổ kính thuần khiết mà ít nơi có được với không gian hoang sơ. Đền được bố trí các công trình như: Nghi môn, sân, nhà Mẫu, Đền Đức Ông, nhà thờ Phật, nhà kho. Phong cảnh xung quanh đền chứa đựng một không gian thơ mộng, đầy linh thiêng.
Cách đền Rồng khoảng 500m men theo lối nhỏ ở sườn núi là đền Nước. Ngôi đền này nằm sát với một con suối, quanh năm xanh mát, nước trong vắt. Trong khuôn viên đền Nước gồm các hạng mục: Sân, đền chính, động Sơn Trang.
Theo ông Đào Văn Canh (68 tuổi) ở thôn Nghĩa Đụng, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa là người trông coi 2 ngồi đền này cho biết, đền Rồng, đền Nước là hai ngôi đền khá nổi tiếng của người dân địa phương nơi đây. Vào ngày 24/2 Âm lịch hằng năm, nơi đây diễn ra lễ hội đền Rồng, đền Nước với nghi thức rước kiệu linh đình từ đền Rồng sang đền Nước. Lễ hội được diễn ra với mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…
Xuất hiện đàn “cá thần” với màu sắc sặc sỡ
Đặc biệt, những năm gần đây, con suối dưới chân đền Nước bỗng xuất hiện một đàn cá hàng ngàn con có trọng lượng khoảng từ 2-6 kg. Đàn cá có hình dáng lạ mắt, vây, miệng có màu hồng, thân cá có màu lấp lánh ánh vàng.
Cá sống trong hang, ngày ngày bơi ra dòng nước quanh đền ở một đoạn suối Khe Năn dài hơn 100m và thức ăn chính là lá cây.
Điều kỳ lạ ở đàn “cá thần” này là dù có đến hàng nghìn con cá to bự sống cùng nhau nhưng nguồn nước suối ở đây vẫn luôn trong xanh, không có mùi tanh hôi.. Khi thấy người đến là đàn cá liền bơi ngay vào bờ để tìm thức ăn.
Cũng theo ông Canh (người trông coi) ban đầu cá chỉ có một đàn nhỏ nhưng theo năm tháng, đàn cá ngày càng nhiều, giờ có đến cả nghìn con. Việc đàn “cá thần” này xuất hiện tạo cho nơi đây thêm một nét đẹp cổ kính, với cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú khiến nhiều người đến thăm quan nơi này.
“Cá này giống loại cá thần ở suối cá huyện Cẩm Thủy. Nó cũng sống ở trong hang núi, ban ngày ra ngoài bơi lượn. Người dân gọi đây là cá thần nên không ai bắt cá để ăn. Từ ngày có đàn cá, cũng nhiều du khách đến với đền để chiêm bái, cũng như ngắm đàn cá này”, ông Canh cho biết.
Qua tìm hiểu, loại cá ở đền Nước ở xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa là cá dốc hay cá bỗng (có tên khoa học: Spinibarbichthys denticulatus, thuộc bộ Cá chép, có tên trong Sách đỏ Việt Nam). Giống cá có đầu giống cá chép, song thân lại giống cá trắm sông. Cá dốc có màu xanh thẫm, hai bên mép đỏ tươi, mỗi khi bơi phát ra những luồng ánh sáng bạc, song cũng có những con có màu sắc sặc sỡ như cam, hồng.
Nguồn: https://danviet.vn/dan-ca-than-day-dac-hinh-dang-mau-sac-la-boi-luon-quanh-nam-ben-2-ngoi-den-thieng-o-thanh-hoa-20241215121155365.htm