Song những ách tắc trong các vụ “dân kiện quan” suốt thời gian dài tới nay vẫn chưa tìm được lời giải…
6 năm liền chủ tịch không ra tòa lần nào
Tháng 7.2022, sau hơn 2 năm khiếu nại qua nhiều cấp, bà K.T.Tr cùng hàng chục người dân ngụ khu tập thể số 32 Vạn Bảo (Q.Ba Đình, Hà Nội) đứng đơn khởi kiện UBND Q.Ba Đình, đề nghị thu hồi giấy phép xây dựng của một hộ dân bên cạnh, vì cho rằng xây dựng chồng lấn lên diện tích của khu tập thể.
Sau lần đối thoại bất thành do vắng mặt đại diện chính quyền, tới ngày 22.9, TAND TP.Hà Nội thông báo mở phiên sơ thẩm, hàng chục người là đại diện các hộ dân tới tòa. Tuy nhiên, đại diện UBND tiếp tục không ai đến, nên tòa phải hoãn phiên xử. Ngày 28.9, tòa mở lại phiên sơ thẩm, đại diện UBND quận một lần nữa không có ai. Nhưng vì đã vắng mặt 2 lần, tòa vẫn xử, sau đó tuyên các hộ dân thua kiện.
Ngoài kết quả xét xử không như ý, điều khiến bà Tr. và các hộ dân rất bức xúc đó là sự tham gia tố tụng của UBND Q.Ba Đình. “Bà con cảm thấy không được tôn trọng. Có những người già yếu, đi phải có người dìu nhưng vẫn cố gắng đến tòa, vậy mà đại diện UBND Q.Ba Đình không lần nào đến. Thắng, thua chưa bàn tới nhưng phải có mặt để tranh luận cho sòng phẳng. Họ không ra tòa, không trình bày, nhưng vẫn được tuyên thắng, như vậy liệu có tình trạng án bỏ túi?”, bà Tr. nói.
Câu chuyện của bà Tr. và các hộ dân ở khu tập thể 32 Vạn Bảo không phải trường hợp hiếm gặp. Năm 2018, sau 3 năm luật Tố tụng hành chính 2015 có hiệu lực, Ủy ban Tư pháp Quốc hội tiến hành giám sát việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính. Kết quả cho thấy tỷ lệ chủ tịch và người đại diện UBND không tham gia phiên tòa có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2015 chỉ là 10,71% thì đến năm 2017 tăng lên 3 lần, 31,69%.
Tại nhiều địa phương, chủ tịch UBND thường xuyên ủy quyền cho phó chủ tịch, nhưng phó chủ tịch cũng không tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào. Như TP.Hà Nội, trong 3 năm liền (từ 2015 – 2017), tòa án xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội tham gia tố tụng.
Tới năm 2022, Ủy ban Tư pháp Quốc hội tiếp tục giám sát lần thứ 2 về án hành chính. Sau 4 năm (tính từ đợt giám sát năm 2018), tình trạng chủ tịch UBND không chịu đến tòa vẫn không hề “thuyên giảm”. Từ năm 2019 – 2021, có tới 27,8% số phiên tòa không có sự tham gia của UBND hoặc người đại diện.
Thậm chí, nhiều trường hợp vắng mặt nhưng không có đơn xin vắng, dẫn đến tòa án phải hoãn phiên tòa đột xuất, gây lãng phí về thời gian, công sức, kinh phí cho cả nhà nước và đương sự. Cũng trong giai đoạn này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội hoặc người ủy quyền tiếp tục không tham gia bất cứ phiên tòa nào.
Vắng mặt 100% phiên đối thoại
Để thúc đẩy giải quyết án hành chính, từ trước năm 2018, ngành tòa án bắt đầu thí điểm cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa. Tới năm 2020, Quốc hội bấm nút thông qua luật Hòa giải, đối thoại tại tòa, mở ra cơ chế đối thoại đối với các vụ án hành chính trước khi tòa thụ lý, xét xử. Thế nhưng, không chỉ không chịu đến tòa, rất nhiều chủ tịch UBND cũng không chịu đối thoại với người dân.
Cuối năm 2020, ông Nguyễn Văn Bình (70 tuổi, ngụ P.Lộc Thọ, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) khởi kiện Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về việc từ chối cung cấp giấy chứng nhận đầu tư sân golf cho một doanh nghiệp trên địa bàn. Ông Bình là một trong nhiều hộ dân đã bị cưỡng chế thu hồi đất cho doanh nghiệp làm dự án vừa nêu và khiếu nại nhiều năm nay. Sau khi thụ lý đơn, TAND tỉnh Khánh Hòa 3 lần triệu tập các bên để tiến hành đối thoại, nhưng cả 3 lần Chủ tịch UBND tỉnh hoặc người ủy quyền đều không có mặt. Chỉ một lần có mặt cán bộ thuộc Sở Tư pháp và Sở KH-ĐT.
Tháng 4 rồi tháng 8.2022, tòa án xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, cả hai phiên tòa Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục vắng mặt, chỉ có cán bộ cấp sở dự tòa với tư cách người bảo vệ quyền lợi cho người bị kiện. “Suốt hơn 2 năm giải quyết vụ việc, tôi chưa bao giờ được gặp chủ tịch tỉnh hoặc người đại diện theo ủy quyền, rất bức xúc. Việc vắng mặt như vậy là coi thường pháp luật, coi thường tòa án, coi thường người khởi kiện”, ông Bình gay gắt.
Báo cáo giám sát năm 2022 của Ủy ban Tư pháp cho thấy, trong 3 năm (từ 2019 – 2021) có tới 32,6% số phiên đối thoại không có sự tham gia của UBND hoặc người đại diện. Nhiều địa phương mặc dù số lượng án không nhiều, nhưng chủ tịch hoặc người đại diện vẫn thường xuyên vắng mặt. Cá biệt có địa phương chủ tịch hoặc đại diện UBND các cấp vắng mặt 100% các phiên đối thoại, điển hình là Khánh Hòa và TP.Hà Nội.
Theo Ủy ban Tư pháp, việc chủ tịch UBND vắng mặt không chỉ gây lãng phí thời gian, công sức, kinh phí mà còn bỏ lỡ cơ hội tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, đối thoại với người dân; làm kéo dài quá trình tố tụng, gây bức xúc cho người khởi kiện. Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, tỷ lệ hòa giải thành trên tổng số vụ án đã tổ chức đối thoại rất cao.
Cùng với việc không ra tòa, không đối thoại, nhiều chủ tịch UBND khi bị khởi kiện còn không chịu cung cấp chứng cứ cho tòa. Báo cáo của TAND tối cao cho hay có tới 57/63 tòa án cấp tỉnh phản ánh khó khăn trong việc thu thập chứng cứ. Nhiều vụ án, UBND không cung cấp tài liệu, chứng cứ và cũng không trả lời lý do không cung cấp. Tòa án phải nhiều lần gửi văn bản hoặc liên hệ qua điện thoại để đôn đốc việc giao nộp, cung cấp chứng cứ khiến việc giải quyết vụ án kéo dài.
Không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng
Ủy ban Tư pháp Quốc hội khẳng định, việc chủ tịch hoặc đại diện UBND các cấp không tham gia phiên tòa, không tham gia đối thoại vừa thể hiện sự không tuân thủ pháp luật, vừa mất đi dịp để chính quyền trao đổi, nắm bắt nguyện vọng của công dân, từ đó kiểm tra lại quá trình ban hành quyết định hành chính để có biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Xét về mặt tố tụng, tình trạng lãnh đạo UBND không ra tòa khiến nguyên tắc tranh tụng không thể đảm bảo, bởi hội đồng xét xử không thể xét hỏi đối với người bị kiện, dẫn tới khó khăn trong thẩm tra tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa.
Chưa kể, nếu người bị kiện vắng mặt, tòa án cũng không thể yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh tại phiên xử; không thể tiến hành đối thoại giữa các bên khi thấy cần thiết. Bên bị kiện cũng không đủ điều kiện để nắm bắt đầy đủ các diễn biến hoặc tham gia ý kiến để tòa án ra phán quyết phù hợp, tạo thuận lợi trong tổ chức thi hành án.
Ngược lại, những người dân khi khởi kiện ra tòa, luôn mong muốn được gặp gỡ, đối thoại với chủ tịch UBND – người ban hành quyết định hành chính. Tuy nhiên, việc chủ tịch hoặc đại diện UBND vắng mặt từ giai đoạn đối thoại cho đến xét xử khiến bức xúc của họ nhân lên mỗi ngày.
Mong muốn được đối thoại, tranh luận sòng phẳng của người dân được Chánh án TAND tỉnh Yên Bái Lê Thái Hưng xác nhận. Theo ông Hưng, trước khi khởi kiện, người dân đã có cả quá trình khiếu nại, tiếp xúc với các bộ phận giúp việc của chủ tịch hoặc UBND các cấp. Vì không tìm được phương án giải quyết, họ mới tìm đến tòa án như là cách cuối cùng để tìm công lý.
“Người dân ra tòa là muốn gặp được người có thẩm quyền, phải quyết được vấn đề, muốn được tranh luận công khai, bình đẳng. Anh nói thế, nhưng tôi nói khác; anh nói đúng quy định nhưng tôi chỉ ra chỗ chưa đúng của anh; rành mạch, minh bạch”, ông Hưng phân tích. (còn tiếp)
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Kết nối (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), cho biết năm 2020 ông tham gia bảo vệ quyền lợi cho người khởi kiện trong 23 vụ kiện hành chính đối với UBND H.Chương Mỹ (Hà Nội), liên quan yêu cầu bồi thường giải phóng mặt bằng.
Trong cả 23 vụ án đó, đại diện UBND huyện đều vắng mặt, chỉ cử cán bộ chuyên môn tham dự với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Điều này khiến quá trình tranh tụng dường như chỉ diễn ra một chiều từ phía người dân và luật sư bảo vệ; còn phía bị kiện, cán bộ chuyên môn chỉ trình bày các nội dung giống như trong văn bản UBND gửi đến tòa trước đó, kèm theo mô típ quen thuộc “đề nghị tòa giải quyết theo quy định pháp luật”.