Người dân, doanh nghiệp Đam Rông không ngừng đổi mới, sáng tạo, đưa những sản phẩm OCOP độc đáo, đậm đà hương vị núi rừng đến với người tiêu dùng.
Từ vùng núi rừng đến sản phẩm OCOP
Nằm ở phía Bắc tỉnh Lâm Đồng, Đam Rông là một huyện vùng cao với địa hình đa dạng, rừng núi trùng điệp. Khí hậu nơi đây cũng mát mẻ quanh năm và nguồn nước đầu nguồn tinh khiết.
Chính những điều kiện tự nhiên lý tưởng này đã tạo nên một vùng đất giàu tiềm năng cho phát triển nông nghiệp và các sản phẩm đặc trưng.
Hiện nay, huyện Đam Rông đang ghi dấu ấn trên bản đồ OCOP với 18 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao. Các sản phẩm OCOP nơi đây đều mang đậm bản sắc núi rừng Tây Nguyên.
Nổi bật trong đó có trà dây cao nguyên với vị ngọt thanh mát, sầu riêng Đam Rông thơm lừng hay hạt mắc ca bùi béo… Mỗi sản phẩm đều mang một hương vị đặc trưng riêng của vùng đất Đam Rông.
Các sản phẩm thủ công truyền thống như bánh tráng làng Tày, giò chả, cà phê và măng khô… cũng đang dần định hình thương hiệu trên thị trường.
Đặc biệt, không thể không nhắc đến trà trầm hương, một sản phẩm độc đáo, được ví như “vàng đen” của vùng đất này.
Hương thơm trầm ấm, vị ngọt thanh của trà trầm hương không chỉ mang đến sự thư giãn mà còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.
Theo anh Hoàng Duy Thành – đại diện Công ty Cổ phần dó bầu hương Quảng Nam, “vùng đất Đam Rông với khí hậu mát mẻ, địa hình cao, và hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú chính là nơi lý tưởng để trồng cây dó bầu, nguyên liệu chính để sản xuất trà trầm hương”.
Khi mới bắt tay vào dự án, anh Thành gặp không ít khó khăn về kỹ thuật và nguồn lực. Tuy nhiên, với niềm tin mãnh liệt vào tiềm năng của vùng đất này, anh đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến.
Bên cạnh đó, anh Thành cũng tận dụng các điều kiện tự nhiên ưu đãi để mang sản phẩm trà trầm hương chất lượng ra thị trường.
Cũng theo anh Thành, cây dó bầu được trồng xen canh trong rừng tự nhiên, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, vừa cung cấp nguyên liệu đạt chất lượng cao.
Nhờ sự kết hợp giữa thiên nhiên và công nghệ sản xuất tiên tiến, trà trầm hương từ Đam Rông mang hương vị đặc trưng, dược tính vượt trội, và giá trị sức khỏe cao, được thị trường đón nhận tích cực.
Anh Thành khẳng định: “Chính nguồn nước đầu nguồn tinh khiết, khí hậu đặc biệt và phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường đã làm nên sự khác biệt cho sản phẩm trà trầm hương của Đam Rông so với các vùng khác”.
Phát triển và bảo tồn giá trị văn hóa bản địa
Theo UBND huyện Đam Rông, để hỗ trợ các sản phẩm OCOP phát triển mạnh mẽ, chính quyền địa phương đã đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong việc cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư máy móc và nâng cấp mẫu mã bao bì.
Các chương trình hỗ trợ vốn và đào tạo kỹ thuật cũng được triển khai. Qua đó, giúp các chủ thể OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Không dừng lại ở mục tiêu kinh tế, Đam Rông còn chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa bản địa gắn liền với từng sản phẩm.
Những sản phẩm OCOP không chỉ đại diện cho chất lượng, mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa của người dân Tây Nguyên. Đây là một phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu địa phương, phát triển nông thôn mới và thúc đẩy du lịch cộng đồng.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đam Rông cho biết: “Trong thời gian tới, huyện đặt mục tiêu phát triển từ 3 – 5 sản phẩm OCOP mới. Trong đó, tập trung vào lĩnh vực dược liệu, thực phẩm chế biến và sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Chính quyền huyện cũng đang tích cực khuyến khích việc thành lập các hợp tác xã và tổ hợp tác nông nghiệp. Từ đó, tạo chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân”.
Với định hướng phát triển bền vững, huyện Đam Rông đã chứng minh tiềm năng của mình là điểm sáng về sản phẩm OCOP chất lượng cao.
Những nỗ lực không ngừng trong việc đổi mới quy trình sản xuất, cải thiện chất lượng và bảo tồn văn hóa đã giúp sản phẩm địa phương từng bước chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/dam-rong-sang-tao-dua-san-pham-ocop-nui-rung-bay-xa-1431009.ldo